Hệ thống pháp luật

Chương 2 Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993

Chương 2:

PHÒNG, TRỪ SINH VẬT GÂY HẠI TÀI NGUYÊN THỰC VẬT

Điều 8

Công tác phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật bao gồm:

1- Điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo, và thông báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của sinh vật gây hại;

2- Quyết định và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, trừ diệt sinh vật gây hại;

3- Hướng dẫn việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào việc phòng ngừa, trừ diệt sinh vật gây hại.

Điều 9

Việc phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải được thực hiện thường xuyên, theo từng mùa vụ, hàng năm hoặc nhiều năm trong sản xuất, phát triển và khai thác tài nguyên thực vật.

Điều 10

Chủ tài nguyên thực vật có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1- Yêu cầu cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông báo về tình hình sinh vật gây hại trong vùng và biện pháp phòng, trừ;

2- Lựa chọn và áp dụng các biện pháp phòng, trừ phù hợp với lợi ích và khả năng của mình, trừ trường hợp cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thẩm quyền quyết định biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên thực vật của cả vùng;

3- Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, trừ sinh vật gây hại; phát hiện và thông báo với cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật về tình hình sinh vật gây hại tài nguyên thực vật của mình;

4- áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, trừ để ngăn ngừa sinh vật gây hại tài nguyên thực vật của mình và không để lây lan phá hại tài nguyên thực vật của người khác.

Điều 11

Khi có dấu hiệu sinh vật gây hại có khả năng phát triển thành dịch thì cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật các cấp phải nhanh chóng tiến hành xác định và hướng dẫn chủ tài nguyên thực vật thực hiện biện pháp phòng, trừ kịp thời.

1- Khi sinh vật gây hại phát triển với tốc độ nhanh, mật độ cao, trên phạm vi rộng, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật, thì cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh báo cáo để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố dịch trong phạm vị địa phương mình và báo cáo Chính phủ. Trường hợp vùng dịch thuộc phạm vi từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Trưởng Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm quyết định công bố dịch.

Khi có quyết định công bố dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có dịch phải chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với các tổ chức xã hội; huy động nhân dân trong vùng có dịch thực hiện ngay các biện pháp hữu hiệu để dập tắt dịch và ngăn ngừa dịch lây lan sang vùng khác. Căn cứ vào tính chất nguy hiểm, mức độ lây lan của dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân nơi có dịch báo cáo cấp trên trực tiếp để áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm dập tắt dịch.

2- Chủ tài nguyên thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan ở nơi có dịch phải thực hiện các biện pháp để dập tắt dịch, khắc phục hậu quả và phòng tránh dịch tái diễn.

3- Khi hết dịch, cơ quan nào quyết định công bố dịch thì cơ quan đó bãi bỏ quyết định công bố dịch.

Điều kiện, thể thức quyết định công bố dịch và bãi bỏ quyết định công bố dịch do Chính phủ quy định.

Điều 12

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân áp dụng những biện pháp bảo vệ thực vật gây nguy hiểm cho người, cho sinh vật có ích và huỷ hoại môi trường sinh thái; để sinh vật gây hại lây lan thành dịch, huỷ diệt tài nguyên thực vật trong khi còn có khả năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đưa những sản phẩm thực vật có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép vào lưu thông, sử dụng.

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993

  • Số hiệu: 8-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 04/02/1993
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 15/02/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH