Hệ thống pháp luật

Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

Điều 41. Quy trình chỉ định thầu

1. Quy trình chỉ định thầu thông thường đối với một gói thầu (trừ gói thầu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này), bao gồm:

a) Lập và phê duyệt hồ sơ yêu cầu

Hồ sơ yêu cầu do bên mời thầu lập không cần nêu tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp đối với gói thầu dịch vụ tư vấn; không cần nêu các yếu tố để xác định giá đánh giá đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế). Căn cứ quy mô, tính chất của từng gói thầu mà đưa ra yêu cầu cụ thể trong hồ sơ yêu cầu song cần bảo đảm có các nội dung sau đây:

- Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn: yêu cầu về tiêu chuẩn năng lực, số lượng chuyên gia; kinh nghiệm của nhà thầu; yêu cầu về nội dung, phạm vi và chất lượng công việc; yêu cầu về thời gian và địa điểm thực hiện; yêu cầu đề xuất về giá; yêu cầu về thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất, thời hạn hiệu lực hồ sơ đề xuất và các nội dung cần thiết khác;

- Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu (trừ tổng thầu thiết kế): yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực; yêu cầu về mặt kỹ thuật như số lượng hàng hóa, phạm vi, khối lượng công việc, tiêu chuẩn và giải pháp kỹ thuật, chất lượng công việc, thời gian thực hiện; yêu cầu đề xuất về giá; yêu cầu về thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất, thời hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất và các nội dung cần thiết khác; không nêu yêu cầu về bảo đảm dự thầu.

Việc đánh giá các yêu cầu về mặt kỹ thuật được thực hiện theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” và được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu.

Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định một nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu được nhận hồ sơ yêu cầu.

b) Bên mời thầu phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu đã được chủ đầu tư xác định. Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính, thương mại;

c) Đánh giá hồ sơ đề xuất và đàm phán về các đề xuất của nhà thầu.

Bên mời thầu tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu và đàm phán về các đề xuất của nhà thầu theo yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu có thể mời nhà thầu đến đàm phán, giải thích, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện của hồ sơ yêu cầu.

Nhà thầu được đề nghị trúng chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có đủ năng lực và kinh nghiệm theo hồ sơ yêu cầu;

- Có đề xuất về kỹ thuật được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá;

- Có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán được duyệt cho gói thầu.

d) Trình, thẩm định về phê duyệt kết quả chỉ định thầu

Trên cơ sở báo cáo kết quả chỉ định thầu và báo cáo thẩm định, chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

đ) Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng

Trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, bên mời thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu để chủ đầu tư ký kết hợp đồng.

2. Quy trình chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu tư vấn, mua sắm hàng hóa và xây lắp có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc và giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho một nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng;

b) Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để ký kết hợp đồng;

c) Sau khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu.

3. Đối với các gói thầu thuộc trường hợp sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu không phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chỉ định thầu, chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó và nhà thầu phải tiến hành các thủ tục xác định khối lượng và giá trị công việc để hai bên ký kết hợp đồng làm cơ sở cho việc thực hiện và thanh toán.

4. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định đầu tư thì chủ đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án tiến hành việc lập và phê duyệt dự toán theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật sửa đổi, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và kết quả chỉ định thầu.

Nghị định 85/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

  • Số hiệu: 85/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH