Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH

MỤC 1: HUY ĐỘNG VỐN

Điều 17. Các hình thức huy động vốn:

Công ty Tài chính được huy động vốn từ các nguồn sau:

1. Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên của tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước, ngoài nước và các tổ chức tài chính quốc tế.

4. Tiếp nhận vốn uỷ thác của Chính phủ, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

MỤC 2: HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG

Điều 18. Cho vay

Công ty Tài chính được cho vay dưới các hình thức:

1. Cho vay ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Cho vay theo uỷ thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng và hợp đồng uỷ thác.

3. Cho vay tiêu dùng bằng hình thức cho vay mua trả góp.

Điều 19. Chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá khác

1. Công ty Tài chính được cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác đối với các tổ chức và cá nhân.

2. Công ty Tài chính và các tổ chức tín dụng khác được tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác cho nhau.

Điều 20. Bảo lãnh

Công ty Tài chính được bảo lãnh bằng uy tín và khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh. Việc bảo lãnh của Công ty Tài chính phải được thực hiện theo quy định tại Điều 58, Điều 59, Điều 60 Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 21. Các hình thức cấp tín dụng khác

Công ty Tài chính được cấp tín dụng dưới các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

MỤC 3: MỞ TÀI KHOẢN VÀ DỊCH VỤ NGÂN QUỸ

Điều 22. Mở tài khoản

1. Công ty Tài chính được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước nơi Công ty Tài chính đặt trụ sở chính và các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Việc mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

2. Công ty Tài chính có nhận tiền gửi phải mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì tại đó số dư bình quân không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 23. Dịch vụ ngân quỹ

Công ty Tài chính được thực hiện dịch vụ thu và phát tiền mặt cho khách hàng.

MỤC 4: CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Điều 24. Các nghiệp vụ khác được phép thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, gồm:

1. Góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác.

2. Đầu tư cho các dự án theo hợp đồng.

3. Tham gia thị trường tiền tệ.

4. Thực hiện các dịch vụ kiều hối, kinh doanh vàng.

5. Làm đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá cho các doanh nghiệp.

6. Được quyền nhận uỷ thác, làm đại lý trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng.

7. Cung ứng các dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính, tiền tệ, đầu tư cho khách hàng.

8. Cung ứng dịch vụ bảo quản hiện vật quý, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két, cầm đồ và các dịch vụ khác.

Điều 25. Các nghiệp vụ phải được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép

1. Hoạt động ngoại hối: Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp giấy phép cho Công ty Tài chính được thực hiện một số hoạt động ngoại hối theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

2. Hoạt động bao thanh toán: Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ban hành quy định hướng dẫn việc thực hiện hoạt động bao thanh toán và xem xét cho phép Công ty Tài chính có đủ điều kiện thực hiện hoạt động này.

3. Các hoạt động khác.

MỤC 5: CÁC HẠN CHẾ ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH

Điều 26. Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro

Công ty Tài chính phải dự phòng rủi ro và hạch toán khoản dự phòng rủi ro này vào chi phí hoạt động. Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 27. Trường hợp không được cấp tín dụng

Công ty Tài chính không được cấp tín dụng đối với những đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Các tổ chức tín dụng, không được chấp nhận bảo lãnh của các đối tượng theo quy định trên để làm cơ sở cho việc cấp tín dụng đối với khách hàng.

Điều 28. Trường hợp hạn chế tín dụng

1. Công ty Tài chính không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của Công ty Tài chính.

3. Mức bảo lãnh đối với một khách hàng và tổng mức bảo lãnh của Công ty Tài chính không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của Công ty Tài chính theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 29. Giới hạn góp vốn mua cổ phần

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của Công ty Tài chính trong một doanh nghiệp; tổng mức góp vốn, mua cổ phần của Công ty Tài chính trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

2. Tổng số vốn của Công ty Tài chính đầu tư vào tổ chức tín dụng khác dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần phải trừ khỏi vốn tự có của Công ty Tài chính khi tính các tỷ lệ an toàn.

Điều 30. Các quy định bảo đảm an toàn

Công ty Tài chính phải tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn sau:

1. Duy trì tỷ lệ bảo đảm an toàn được quy định tại Điều 81 Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

2. Mua và đầu tư vào tài sản cố định của mình không quá 50% vốn tự có của Công ty Tài chính.

3. Giới hạn cho vay đối với một khách hàng được quy định như sau:

a) Tổng dư nợ cho vay một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của Công ty Tài chính, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác;

b) Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của Công ty Tài chính hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì Công ty Tài chính được tiến hành cho vay hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

4. Các quy định về an toàn khác có liên quan của pháp luật hiện hành.

Nghị định 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính

  • Số hiệu: 79/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/10/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 54
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH