Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Trách nhiệm của các cơ quan cấp bộ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này;

b) Quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia có diện tích nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

c) Hướng dẫn: thống kê, kiểm kê và phân loại đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước; tổ chức Hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước hoặc vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn;

d) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý các hoạt động bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước quan trọng;

b) Cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến các vùng đất ngập nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án được sử dụng vốn đầu tư công để quản lý, phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 32. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Thực hiện quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn quản lý; tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này, các văn bản có liên quan về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn.

2. Tổ chức quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương; thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự biến đổi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên, các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.

3. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng sống trong, xung quanh vùng đất ngập nước và tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định.

5. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ có liên quan hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; quản lý các khu bảo tồn liên tỉnh có diện tích thuộc địa bàn và cung cấp các kết quả điều tra, kiểm kê vùng đất ngập nước về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2019.

2. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không phải thực hiện lại việc lập, phê duyệt thành lập mới khu bảo tồn, tổ chức quản lý khu bảo tồn và có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo quy định tại Nghị định này./.

Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

  • Số hiệu: 66/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/07/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 613 đến số 614
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH