Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp

Mục 1. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HIỆN BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Điều 6. Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Ngoài các nội dung theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận cụ thể và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:

a) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân và đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

b) Cách thức xác định số tiền bảo hiểm.

c) Các trường hợp áp dụng mức miễn thường, giảm trừ số tiền bồi thường (nếu có).

d) Công tác giám định tổn thất; cơ quan, tổ chức giám định tổn thất; chi phí giám định tổn thất.

đ) Xác định sự kiện bảo hiểm, căn cứ bồi thường; các trường hợp bồi thường căn cứ vào công bố hoặc xác nhận thiên tai, dịch bệnh của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thỏa thuận cụ thể về các chỉ số có liên quan trực tiếp đến tổn thất của đối tượng bảo hiểm, cơ quan, tổ chức xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm; cách thức xác định số tiền bồi thường.

e) Hình thức bồi thường; hồ sơ bồi thường (trong đó thỏa thuận cụ thể các tài liệu bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm); thời hạn bồi thường.

g) Trách nhiệm của các bên trong công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này.

h) Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (nếu có).

2. Hợp đồng bảo hiểm giao kết giữa tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Điều 7. Đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm nhằm phân tán, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Trường hợp thực hiện đồng bảo hiểm nông nghiệp:

a) Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp phải ghi rõ tên và tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm; tên doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với bên mua bảo hiểm.

b) Doanh nghiệp bảo hiểm giữ vai trò đầu mối có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và thay mặt các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm khác giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 8. Tái bảo hiểm nông nghiệp

1. Trường hợp tái bảo hiểm trong nước, doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải bảo đảm:

a) Đáp ứng các yêu cầu về vốn, biên khả năng thanh toán và tuân thủ các quy định về nhận tái bảo hiểm theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

2. Trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về tái bảo hiểm ra nước ngoài.

Điều 9. Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.

3. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp

1. Tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước hết được giải quyết trên cơ sở thương lượng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật.

Điều 11. Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, các quy định pháp luật có liên quan và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trước khi triển khai.

2. Trường hợp thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp trước khi triển khai. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã hiểu rõ các nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp.

2. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc số đông bù số ít và chủ động thực hiện phân tán, chia sẻ rủi ro thông qua các phương thức đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp.

3. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

4. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, kịp thời cử cán bộ tiếp cận đối tượng bảo hiểm và hướng dẫn người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất (nếu có). Chi trả các chi phí cần thiết, hợp lý để hạn chế tổn thất.

5. Tổ chức công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất công khai, minh bạch theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thu thập công bố, xác nhận của cơ quan chức năng về sự kiện bảo hiểm (nếu có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm); tổ chức công tác xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

6. Trường hợp xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường, cử cán bộ hướng dẫn người được bảo hiểm các hồ sơ, tài liệu cần cung cấp để phục vụ công tác giải quyết bồi thường.

7. Trả tiền bồi thường đầy đủ cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

1. Bảo đảm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm theo quy định pháp luật.

2. Cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm (bao gồm cả trường hợp đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại) cho doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp sau khi đã hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, giải thích.

4. Chủ động thực hiện kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.

5. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

6. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm để hạn chế tổn thất.

7. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, giải quyết bồi thường.

8. Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp

  • Số hiệu: 58/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/04/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 547 đến số 548
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH