Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về cấp ý kiến pháp lý

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP Ý KIẾN PHÁP LÝ

Điều 11. Đề nghị cấp ý kiến pháp lý

Sau khi hoàn thành việc ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý, cơ quan, tổ chức có nhu cầu gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định này đến Bộ Tư pháp.

Điều 12. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý

1. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Điều ước quốc tế đã được ký (bản chính hoặc bản sao);

c) Văn bản phê duyệt chủ trương đàm phán, ký điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi (bản chính hoặc bản sao);

d) Văn bản ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);

đ) Phê duyệt của Chính phủ đối với điều ước quốc tế cấp Chính phủ hoặc phê chuẩn của Chủ tịch nước hoặc Quốc hội đối với điều ước quốc tế cấp Nhà nước, cấp Chính phủ (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);

e) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

g) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

h) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

2. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính (bản chính hoặc bản sao);

c) Văn bản ủy quyền đàm phán, ký thỏa thuận vay (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);

d) Phê duyệt của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận vay (bản chính hoặc bản sao);

đ) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

3. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

c) Văn bản bảo lãnh Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);

d) Văn bản phê duyệt của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chủ trương bảo lãnh của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);

đ) Các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký Văn bản bảo lãnh (bản chính hoặc bản sao);

e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

4. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Thỏa thuận phát hành trái phiếu (bản chính hoặc bản sao);

c) Văn bản của Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu quốc tế (bản chính hoặc bản sao);

d) Các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký thỏa thuận phát hành trái phiếu (bản chính hoặc bản sao);

đ) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

e) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

g) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

5. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Hợp đồng dự án (bản chính hoặc bản sao);

c) Bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);

d) Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng dự án (nếu có) và chủ trương bảo lãnh (bản chính hoặc bản sao);

đ) Văn bản ủy quyền ký bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (bản chính hoặc bản sao);

e) Các văn bản khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên (bản chính hoặc bản sao);

g) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

h) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

i) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

6. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm:

a) Công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

b) Văn bản được phân công xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính hoặc bản sao);

c) Văn bản phân công của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ (bản chính);

d) Tài liệu chứng minh quá trình đàm phán, ký văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đúng theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao);

đ) Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao) (nếu có);

e) Ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý (bản chính);

g) Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý;

h) Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu nêu trên trong trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài.

Điều 13. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp ý kiến pháp lý

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chưa đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ được quy định tại Điều 12 Nghị định này, Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý bổ sung hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

2. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm bổ sung hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ của Bộ Tư pháp.

Điều 14. Chỉnh lý, làm rõ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý

1. Trường hợp phát hiện nội dung hồ sơ đề nghị cấp ý kiến pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ, Bộ Tư pháp có Công văn đề nghị cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉnh lý hoặc làm rõ nội dung hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.

Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý có nội dung phức tạp, thời hạn Bộ Tư pháp có Công văn yêu cầu chỉnh lý hoặc làm rõ nội dung hồ sơ có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.

2. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu, làm rõ và chỉnh lý hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trường hợp cần kéo dài thời hạn phải có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp gia hạn và được Bộ Tư pháp đồng ý bằng văn bản.

Điều 15. Thời hạn cấp ý kiến pháp lý

1. Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn 15 ngày đối với điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi (nếu có) và 30 ngày đối với các trường hợp khác, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Nghị định này.

2. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ gồm đầy đủ văn bản quy định tại Điều 12 Nghị định này và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định này.

3. Trong trường hợp ý kiến pháp lý có nội dung phức tạp, thời hạn cấp ý kiến pháp lý có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 16. Làm rõ nội dung ý kiến pháp lý

1. Trường hợp cần làm rõ nội dung ý kiến pháp lý, cơ quan, tổ chức đã được cấp ý kiến pháp lý gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ nội dung của ý kiến pháp lý.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Tư pháp có văn bản làm rõ nội dung ý kiến pháp lý gửi cơ quan, tổ chức yêu cầu.

Điều 17. Sửa đổi, bổ sung ý kiến pháp lý

1. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản Điều 6 Nghị định này có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp trong trường hợp văn bản được cấp ý kiến pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung.

2. Trường hợp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp, cơ quan, tổ chức gửi 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định này đến Bộ Tư pháp trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do yêu cầu.

3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và cấp hoặc từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp có trả lời chính thức bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Điều 18. Sử dụng ý kiến pháp lý

1. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được sử dụng ý kiến pháp lý cho giao dịch nêu trong văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.

2. Cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chỉ được cung cấp ý kiến pháp lý cho các cá nhân, tổ chức được nêu trong ý kiến pháp lý và chỉ được cung cấp cho cá nhân, tổ chức khác nếu được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tư pháp.

Nghị định 51/2015/NĐ-CP về cấp ý kiến pháp lý

  • Số hiệu: 51/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/05/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 587 đến số 588
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH