Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam

Chương 3:

NGÂN HÀNG LIÊN DOANH

Điều 42. Mạng lưới hoạt động

Ngân hàng liên doanh được phép mở sở giao dịch tại địa điểm đặt trụ sở chính; mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thành lập công ty trực thuộc theo quy định tại Điều 32, 33 Luật các Tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 43. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo cao nhất của ngân hàng liên doanh. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

2. Hội đồng quản trị có tối thiểu là 3 thành viên. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do các bên tham gia liên doanh quyết định trên cơ sở số vốn góp của Bên nước ngoài và Bên Việt Nam trong ngân hàng liên doanh.

3. Thành viên Hội đồng quản trị là những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

4. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của ngân hàng liên doanh và không được phép tham gia quản trị hoặc điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng liên doanh.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và chế độ làm việc của Hội đồng quản trị được quy định cụ thể trong Điều lệ ngân hàng liên doanh.

6. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị do các bên tham gia trong ngân hàng liên doanh thỏa thuận, nhưng không được quá 5 năm.

Điều 44. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát của ngân hàng liên doanh có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng liên doanh, thực hiện kiểm toán nội bộ hoạt động từng thời kỳ, từng lĩnh vực nhằm đánh giá chính xác hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của ngân hàng liên doanh.

2. Ban kiểm soát của ngân hàng liên doanh có tối thiểu 3 thành viên; trong đó phải có một người là Trưởng ban và ít nhất một nửa số thành viên là chuyên trách. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 3 thành viên thì tối thiểu phải có 1 thành viên chuyên trách.

3. Thành viên Ban kiểm soát phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quy định, không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng, và phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

4. Ban kiểm soát có bộ phận giúp việc và được sử dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của ngân hàng liên doanh để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

5. Nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát được quy định cụ thể trong Điều lệ ngân hàng liên doanh.

Điều 45. Tổng giám đốc

1. Tổng giám đốc (Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng liên doanh trừ trường hợp Điều lệ ngân hàng liên doanh có quy định khác, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị điều hành hoạt động hàng ngày theo nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, các quy định khác của pháp luật và phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y. Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng liên doanh không kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng liên doanh.

2. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của ngân hàng liên doanh phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật các Tổ chức tín dụng, và không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 40 Luật các Tổ chức tín dụng.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc (Giám đốc) phải được ghi trong Điều lệ của ngân hàng liên doanh.

Điều 46. Tỷ lệ, phương thức góp vốn điều lệ

Tỷ lệ, phương thức góp vốn điều lệ của Bên nước ngoài và Bên Việt Nam trong ngân hàng liên doanh do các Bên thoả thuận và phải được ghi rõ trong Điều lệ. Mức góp vốn của Bên nước ngoài tối đa không quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh, trừ những trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 47. Chuyển nhượng vốn góp

1. Bên Việt Nam và Bên nước ngoài trong ngân hàng liên doanh được quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình và phải ưu tiên chuyển nhượng cho các Bên trong ngân hàng liên doanh.

2. Việc chuyển nhượng vốn phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện. Hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận việc chuyển nhượng vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định.

3. Trong trường hợp việc chuyển nhượng vốn có phát sinh lợi nhuận, bên chuyển nhượng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 48. Phân chia lãi, lỗ

Các Bên tham gia ngân hàng liên doanh phân chia lãi, lỗ theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên, trừ trường hợp các Bên có thoả thuận khác quy định trong hợp đồng liên doanh.

Điều 49. Vai trò quản lý của các Bên tham gia liên doanh

1. Các Bên tham gia quản trị ngân hàng liên doanh thông qua các thành viên đại diện cho mình trong Hội đồng quản trị, theo quy chế do Hội đồng quản trị ngân hàng liên doanh ban hành; không được trực tiếp can thiệp vào việc quản trị, điều hành ngân hàng liên doanh.

2. Các Bên tham gia liên doanh thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của ngân hàng liên doanh, yêu cầu ngân hàng liên doanh cung cấp thông tin, báo cáo theo quy chế do Hội đồng quản trị ngân hàng liên doanh ban hành phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 50. Nội dung hoạt động

1. Ngân hàng liên doanh được thực hiện các nghiệp vụ hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, hoặc của các loại hình ngân hàng khác theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật về hoạt động của loại hình ngân hàng đó.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về loại hình và nội dung hoạt động trong Giấy phép cấp cho ngân hàng liên doanh căn cứ theo các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 51. Giải thể, kết thúc hoạt động

Ngân hàng liên doanh giải thể, kết thúc hoạt động trong các trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn hoạt động: trước khi hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phộp 180 ngày, ngân hàng liên doanh không nộp hồ sơ xin gia hạn hoặc có nộp hồ sơ xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;

2. Tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận: trong trường hợp này, tối thiểu 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động của ngân hàng liên doanh, ngân hàng liên doanh phải có đơn đề nghị gửi Ngân hàng Nhà nước;

3. Ngân hàng liên doanh bị thu hồi Giấy phép trong các trường hợp sau:

a) Khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ khoản 1 Điều 29 Luật các Tổ chức tín dụng;

b) Khi không có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật các Tổ chức tín dụng;

c) Ngừng hoạt động trong thời gian liên tục 12 tháng.

Nghị định 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam

  • Số hiệu: 22/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/02/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH