Điều 3 Nghị định 125/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chương trình an toàn đường cất hạ cánh là các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc khai thác, sử dụng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ để giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các trường hợp xâm nhập đường cất hạ cánh, chệch ra khỏi đường cất hạ cánh, sử dụng nhầm đường cất hạ cánh và các sự cố khác trên bề mặt khu hoạt động bay.
2. Đài kiểm soát tại sân bay là cơ sở được thiết lập để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại sân bay và hoạt động bay trong vùng trời sân bay.
3. Đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung là khu vực hoặc một phần của khu vực có giới hạn về độ cao, chiều rộng và được thiết lập dưới dạng hành lang mà tại đó được cung cấp đầy đủ hoặc một phần dịch vụ không lưu cho hoạt động bay hàng không chung, nằm ngoài khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung.
4. Đường hàng không nội địa là đường hàng không nằm hoàn toàn trong vùng trời Việt Nam.
5. Đường hàng không quốc tế là đường hàng không nằm trong mạng lưới đường hàng không quốc tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có ít nhất một điểm nằm ngoài vùng thông báo bay của Việt Nam và một điểm nằm trong vùng trời Việt Nam hoặc trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý.
6. Sân bay dự bị là sân bay mà một tàu bay có thể đến, hạ cánh khi không thể hoặc không nên đến, hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh, bao gồm:
a) Sân bay dự bị cất cánh là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh khi cần thiết ngay sau khi cất cánh và không thể sử dụng sân bay cất cánh;
b) Sân bay dự bị trên đường bay là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh sau khi gặp tình huống khẩn nguy hoặc bất thường trong quá trình bay đường dài;
c) Sân bay dự bị hạ cánh là sân bay mà tàu bay có thể đến khi không thể hoặc không nên hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh.
7. Sử dụng vùng trời linh hoạt là quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý, điều hành bay dân dụng và quân sự trong quá trình quản lý vùng trời cấp chiến lược, quản lý vùng trời trước khi sử dụng và sử dụng vùng trời nhằm nâng cao khả năng thông qua của vùng trời và hiệu quả khai thác bay.
8. Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia là cơ quan quản lý, điều hành bay trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ tổng hợp các hoạt động bay trong toàn quốc, tổ chức dự báo, thông báo, điều hành và quản lý các hoạt động bay; phối hợp hiệp đồng, thông báo, điều chỉnh các kế hoạch hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam.
9. Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực là cơ quan quản lý, điều hành bay của Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ tổng hợp các hoạt động bay, tổ chức dự báo, thông báo, điều hành và quản lý các hoạt động bay; phối hợp hiệp đồng, thông báo, điều chỉnh các kế hoạch hoạt động bay trong khu vực trách nhiệm.
10. Trung tâm kiểm soát đường dài là cơ sở được thiết lập nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay có kiểm soát trong khu vực trách nhiệm.
11. Trung tâm quản lý luồng không lưu là cơ sở được thiết lập nhằm mục đích quản lý hoạt động bay hàng ngày trong khu vực trách nhiệm; phối hợp với cơ quan quản lý, điều hành bay liên quan bảo đảm an toàn, điều hòa và hiệu quả cho các hoạt động bay; điều chỉnh các hoạt động bay, đảm bảo luồng không lưu được an toàn, thông suốt bằng cách sử dụng tối đa năng lực điều hành bay phù hợp với lưu lượng bay trong từng khu vực cụ thể và năng lực điều hành bay đã được công bố.
12. Vùng trời cho hoạt động hàng không chung bao gồm khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không và vùng trời sân bay.
13. Vùng trời không lưu là vùng trời có giới hạn xác định, được chỉ định theo thứ tự bảng chữ cái A, B, C, D, E, F và G, trong đó việc cung cấp dịch vụ không lưu và quy tắc bay được quy định cho từng loại chuyến bay cụ thể, bao gồm:
a) Vùng trời không lưu loại A là vùng trời chỉ cho phép thực hiện chuyến bay theo quy tắc bay bằng thiết bị (sau đây gọi chung là chuyến bay IFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với nhau;
b) Vùng trời không lưu loại B là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay theo quy tắc bay bằng mắt (sau đây gọi chung là chuyến bay VFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với nhau;
c) Vùng trời không lưu loại C là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay; chuyến bay IFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác và chuyến bay VFR; chuyến bay VFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR và được thông báo về chuyến bay VFR khác;
d) Vùng trời không lưu loại D là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay; chuyến bay IFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác và được thông báo về chuyến bay VFR; chuyến bay VFR được thông báo về các chuyến bay khác;
đ) Vùng trời không lưu loại E là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; chuyến bay IFR được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác; các chuyến bay được thông báo về các chuyến bay khác theo điều kiện thực tế; vùng trời không lưu loại E không được sử dụng như là vùng trời có kiểm soát;
e) Vùng trời không lưu loại F là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay IFR được cung cấp dịch vụ tư vấn không lưu; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu;
g) Vùng trời không lưu loại G là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu.
Nghị định 125/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay
- Số hiệu: 125/2015/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 04/12/2015
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1215 đến số 1216
- Ngày hiệu lực: 26/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Tổ chức vùng trời phục vụ hoạt động bay
- Điều 5. Đường hàng không
- Điều 6. Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố đường hàng không
- Điều 7. Nguyên tắc sử dụng đường hàng không
- Điều 8. Vùng trời sân bay
- Điều 9. Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay
- Điều 10. Xác định và công bố khu vực nguy hiểm
- Điều 11. Vùng trời cho hoạt động hàng không chung
- Điều 12. Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng
- Điều 13. Khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay
- Điều 14. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay
- Điều 15. Đơn đề nghị cấp phép bay
- Điều 16. Thời hạn nộp đơn đề nghị, thời hạn cấp, sửa đổi phép bay
- Điều 17. Nội dung phép bay
- Điều 18. Hiệu lực của phép bay
- Điều 19. Sửa đổi, hủy bỏ phép bay
- Điều 20. Gửi phép bay
- Điều 21. Thủ tục nhận thông báo bay đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý
- Điều 22. Lập và thực hiện kế hoạch hoạt động bay
- Điều 23. Tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay phục vụ hoạt động bay quân sự ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng
- Điều 24. Phối hợp điều hành chuyến bay
- Điều 25. Phân cách bay giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng
- Điều 26. Phối hợp sử dụng vùng trời và quản lý, điều hành bay; sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không dân dụng