Hệ thống pháp luật

Điều 3 Luật Dữ liệu 2024

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dữ liệu số là dữ liệu về sự vật, hiện tượng, sự kiện, bao gồm một hoặc kết hợp các dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số (sau đây gọi là dữ liệu).

2. Dữ liệu dùng chung là dữ liệu được tiếp cận, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

3. Dữ liệu dùng riêng là dữ liệu được tiếp cận, chia sẻ, khai thác, sử dụng trong phạm vi nội bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

4. Dữ liệu mở là dữ liệu mà mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều được tiếp cận, chia sẻ, khai thác, sử dụng.

5. Dữ liệu gốc là dữ liệu được tạo lập trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc thu thập, tạo lập từ số hóa bản chính giấy tờ, tài liệu, các dạng vật chất khác.

6. Dữ liệu quan trọng là dữ liệu có thể tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

7. Dữ liệu cốt lõi là dữ liệu quan trọng trực tiếp tác động đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

8. Xử lý dữ liệu là quá trình tiếp nhận, chuyển đổi, tổ chức dữ liệu và các hoạt động khác về dữ liệu để phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

9. Cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật.

10. Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu khác.

11. Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu là hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ và điều phối dữ liệu giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

12. Chủ thể dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân được dữ liệu phản ánh.

13. Chủ quản dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu theo yêu cầu của chủ sở hữu dữ liệu.

14. Chủ sở hữu dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng và trao đổi giá trị của dữ liệu do mình sở hữu.

15. Quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu là quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự.

16. Mã hoá dữ liệu là việc áp dụng các phương pháp, thuật toán mã hóa hoặc giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi dữ liệu từ định dạng nhận biết được sang định dạng không nhận biết được.

17. Giải mã dữ liệu là việc áp dụng các phương pháp, thuật toán mã hóa hoặc giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi dữ liệu được mã hóa từ định dạng không nhận biết được sang định dạng nhận biết được. 

18. Điều phối dữ liệu là hoạt động tổ chức điều động và phân phối dữ liệu, quản lý, giám sát, tối ưu hóa luồng dữ liệu chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Luật Dữ liệu 2024

  • Số hiệu: 60/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 30/11/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN