Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Điện ảnh 2006

Chương VII

THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 48. Thanh tra điện ảnh

1. Thanh tra điện ảnh thuộc thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện thanh tra chuyên ngành về điện ảnh.

2. Thanh tra điện ảnh có các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về điện ảnh;

b) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về điện ảnh;

c) Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về điện ảnh.

3. Tổ chức và hoạt động của thanh tra điện ảnh được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Điều 49. Hành vi vi phạm trong sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim

1. Vi phạm quy định tại Điều 11 của Luật này.

2. Sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài không có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc thực hiện không đúng nội dung quy định trong giấy phép.

4. Vi phạm quy định về ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim với chủ đầu tư hoặc với biên kịch, đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim.

5. Không trình duyệt phim để được cấp giấy phép trước khi phổ biến phim.

6. Không thành lập hội đồng thẩm định kịch bản văn học; không tổ chức đấu thầu đối với sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

Điều 50. Hành vi vi phạm trong phát hành phim

1. Phát hành phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh.

2. Phát hành phim sau khi có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ.

3. Phát hành băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hoá - Thông tin.

4. In sang, nhân bản phim để phát hành không có hợp đồng hoặc không theo đúng hợp đồng với chủ sở hữu phim.

5. Xuất khẩu phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

6. Xuất khẩu băng phim, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát của Bộ Văn hoá - Thông tin.

7. Nhập khẩu phim không đúng quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 30 của Luật này.

8. Cho thuê, bán phim lưu hành nội bộ.

9. Quản lý và sử dụng phim nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học không đúng mục đích, cho người tham dự xem phim không đúng đối tượng.

Điều 51. Hành vi vi phạm trong phổ biến phim

1. Chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh.

2. Chiếu phim, phát sóng phim đã có quyết định cấm phổ biến, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ.

3. Rạp chiếu phim không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

4. Cho phép trẻ em vào rạp chiếu phim để xem loại phim cấm trẻ em.

5. Không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tỷ lệ số buổi chiếu, thời lượng, giờ chiếu phim, phát sóng phim Việt Nam; thời lượng và giờ chiếu phim, phát sóng phim cho trẻ em.

Điều 52. Hành vi vi phạm trong lưu chiểu phim, lưu trữ phim

1. Cơ sở sản xuất phim, cơ sở nhập khẩu phim không nộp lưu chiểu hoặc nộp không đủ số lượng, không đúng chủng loại phim.

2. Cơ sở sản xuất phim không nộp lưu trữ vật liệu gốc của phim tài trợ, đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước hoặc nộp không đủ số lượng, không đúng chủng loại cho cơ sở lưu trữ phim trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

3. Cơ quan nhận lưu chiểu không nộp bản lưu chiểu cho cơ sở lưu trữ trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày phim được cấp giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh.

4. Cơ sở lưu trữ phim không cung cấp lại bản sao, in trích tư liệu của phim cho cơ sở sản xuất phim theo quy định của pháp luật.

5. Cơ sở lưu trữ phim không bảo đảm an toàn phim, vật liệu gốc của phim và không bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ.

6. Cơ sở lưu trữ phim bán, cho thuê phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim; chưa có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh.

7. Cơ sở lưu trữ phim do Bộ Văn hoá - Thông tin quản lý in sang, nhân bản để bán, cho thuê, phổ biến phim lưu chiểu khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh; quản lý, sử dụng nguồn thu không theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Tài chính.

Điều 53. Xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật Điện ảnh 2006

  • Số hiệu: 62/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/06/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH