Điều 9 Thông tư 91/2020/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 9. Giá trị rủi ro thị trường
1. Kết thúc ngày giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro thị trường đối với các tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Rủi ro thị trường phải được xác định đối với các tài sản sau:
a) Chứng khoán trên tài khoản tự doanh không bao gồm số lượng chứng quyền có bảo đảm không phát hành hết (đối với công ty chứng khoán), tài khoản giao dịch chứng khoán (đối với công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán không có nghiệp vụ tự doanh), chứng khoán ủy thác, chứng khoán đầu tư khác. Các chứng khoán trên bao gồm cả số chứng khoán trong quá trình nhận chuyển giao từ bên bán;
b) Chứng khoán nhận hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật, bao gồm chứng khoán đi vay cho bản thân tổ chức kinh doanh chứng khoán, chứng khoán đi vay thay mặt cho các cá nhân, tổ chức khác;
c) Chứng khoán của khách hàng mà tổ chức kinh doanh chứng khoán nhận làm tài sản bảo đảm, sau đó được tổ chức kinh doanh chứng khoán sử dụng hoặc cho một bên thứ ba vay phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Tiền, các khoản tương đương tiền, công cụ chuyển nhượng, các loại giấy tờ có giá thuộc sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán;
đ) Chứng khoán mà tổ chức kinh doanh chứng khoán bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn chưa phân phối và chưa nhận thanh toán đầy đủ trong thời gian bảo lãnh phát hành.
3. Chứng khoán, tài sản quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm các loại sau:
a) Cổ phiếu quỹ;
b) Chứng khoán quy định tại khoản 7 Điều 5 và khoản 5 Điều 6 Thông tư này;
c) Trái phiếu, các công cụ nợ, giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ đã đáo hạn.
d) Chứng khoán đã được phòng ngừa rủi ro bởi chứng quyền bán hoặc hợp đồng tương lai; Chứng quyền bán và hợp đồng quyền bán được sử dụng để phòng ngừa rủi ro cho chứng khoán cơ sở.
4. Công thức xác định giá trị rủi ro thị trường đối với tài sản quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này như sau:
Giá trị rủi ro thị trường = Vị thế ròng x Giá tài sản x Hệ số rủi ro thị trường
a) Hệ số rủi ro thị trường xác định theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Giá tài sản được xác định theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Giá trị rủi ro thị trường của mỗi tài sản xác định theo quy định tại khoản 4 Điều này phải điều chỉnh tăng thêm trong trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán đầu tư quá nhiều vào tài sản đó, ngoại trừ chứng khoán đang trong thời gian bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Giá trị rủi ro được điều chỉnh tăng theo nguyên tắc sau:
a) Tăng thêm 10% trong trường hợp tổng giá trị của khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của một tổ chức chiếm từ trên 10% đến 15% vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán;
b) Tăng thêm 20% trong trường hợp tổng giá trị của khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của một tổ chức chiếm từ trên 15% đến 25% vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán;
c) Tăng thêm 30% trong trường hợp tổng giá trị của khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của một tổ chức chiếm từ trên 25% trở lên vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
6. Tổ chức kinh doanh chứng khoán phải điều chỉnh tăng thêm các khoản cổ tức, trái tức, giá trị quyền ưu đãi nếu phát sinh (đối với chứng khoán), hoặc lãi cho vay (đối với tiền gửi và các khoản tương đương tiền, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá) vào giá tài sản khi xác định giá trị rủi ro thị trường.
7. Giá trị rủi ro thị trường đối với số chứng khoán chưa phân phối hết trong thời gian phân phối và có giá giao dịch thấp hơn giá bảo lãnh phát hành từ các hợp đồng bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn được xác định theo công thức sau:
Giá trị rủi ro thị trường = (Q0 x P0 - Vc) x R x (r x 100%)
Trong đó:
Q0: là số chứng khoán còn lại chưa phân phối hoặc đã phân phối nhưng chưa nhận thanh toán
P0: là giá bảo lãnh phát hành
Vc: là giá trị tài sản bảo đảm (nếu có)
R : là hệ số rủi ro phát hành
r : là hệ số rủi ro thị trường
P1: là giá giao dịch
a) Giá giao dịch được xác định tùy theo loại chứng khoán tương ứng quy định tại mục 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 21, 22 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp phát hành lần đầu ra công chúng, kể cả đấu giá cổ phần hóa lần đầu, đấu thầu trái phiếu, thì giá giao dịch bằng giá trị sổ sách trên một cổ phiếu của tổ chức phát hành được xác định tại thời điểm gần nhất, hoặc giá khởi điểm (nếu không xác định được giá trị sổ sách), hoặc mệnh giá (đối với trái phiếu);
b) Hệ số rủi ro thị trường được xác định tùy theo loại chứng khoán tương ứng quy định tại mục II, III, IV, V, VI, VII của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Hệ số rủi ro phát hành được xác định căn cứ vào khoảng thời gian còn lại tính tới thời điểm kết thúc đợt phân phối theo quy định tại hợp đồng, nhưng không vượt quá thời hạn được phép phân phối theo quy định của pháp luật, như sau:
- Tính tới ngày cuối cùng của thời hạn phân phối, nếu khoảng thời gian còn lại là trên sáu mươi (60) ngày: hệ số rủi ro phát hành bằng 20%;
- Tính tới ngày cuối cùng của thời hạn phân phối, nếu khoảng thời gian còn lại là từ ba mươi (30) ngày tới sáu mươi (60) ngày: hệ số rủi ro phát hành bằng 40%;
- Tính tới ngày cuối cùng của thời hạn phân phối, nếu khoảng thời gian còn lại là dưới ba mươi (30) ngày: hệ số rủi ro phát hành bằng 60%;
- Trong thời gian kể từ ngày kết thúc thời hạn phân phối tới ngày phải thanh toán cho tổ chức phát hành: hệ số rủi ro phát hành bằng 80%.
d) Sau ngày cuối cùng phải thanh toán cho tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải xác định giá trị rủi ro thị trường đối với số chứng khoán không thể phân phối hết theo quy định tại khoản 4 Điều này.
đ) Giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư này.
8. Công ty chứng khoán phải tính giá trị rủi ro thị trường đối với chứng quyền có bảo đảm đang lưu hành do công ty chứng khoán phát hành. Giá trị rủi ro này được xác định theo công thức sau:
Giá trị rủi ro thị trường = Max {((P0 x Q0/k- P1 x Q1) x r -MD), 0}
Trong đó:
P0: là giá bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong 05 ngày giao dịch liền trước ngày tính toán.
Q0: là số lượng chứng quyền đang lưu hành của công ty chứng khoán.
k : là tỷ lệ chuyển đổi
P1: là giá của chứng khoán cơ sở được xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này
Q1: là số lượng chứng khoán cơ sở mà công ty chứng khoán dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán chứng quyền có bảo đảm do mình phát hành
r : là hệ số rủi ro thị trường của chứng quyền được xác định theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này
MD : là giá trị ký quỹ khi công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm
a) Chứng khoán cơ sở để tính toán rủi ro thị trường theo công thức nêu trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Đã có trong phương án phát hành hoặc đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc sử dụng chứng khoán này trên tài khoản tự doanh để phòng ngừa rủi ro khi phát hành chứng quyền có bảo đảm;
- Là chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm.
b) Trường hợp chứng quyền do công ty chứng khoán phát hành không có lãi như quy định tại khoản 16 Điều 2 Thông tư này, công ty chứng khoán không phải tính rủi ro thị trường đối với chứng quyền đã phát hành nhưng phải tính rủi ro thị trường đối với chứng khoán cơ sở hình thành từ hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền đã phát hành.
c) Công ty chứng khoán phải tính rủi ro thị trường đối với phần chênh lệch dương giữa giá trị chứng khoán cơ sở do công ty chứng khoán dùng để phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm do mình phát hành và giá trị chứng khoán cơ sở cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm. Giá trị cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm phải tương ứng với giá trị phòng ngừa.
9. Giá trị rủi ro thị trường đối với hợp đồng tương lai được xác định theo công thức sau:
Giá trị rủi ro thị trường
= Max {((giá trị thanh toán cuối ngày
- Giá trị chứng khoán mua vào)
x Hệ số rủi ro thị trường của hợp đồng tương lai
- Giá trị ký quỹ), 0}
Giá trị thanh toán cuối ngày
= Giá thanh toán cuối ngày x khối lượng mở
Trong đó:
- Giá trị chứng khoán mua vào là giá trị chứng khoán cơ sở mà tổ chức kinh doanh chứng khoán mua vào để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán hợp đồng tương lai;
- Giá trị ký quỹ là phần giá trị tài sản mà tổ chức kinh doanh chứng khoán ký quỹ cho giao dịch đầu tư, tự doanh, tạo lập thị trường.
Thông tư 91/2020/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Điều 4. Vốn khả dụng
- Điều 5. Các khoản giảm trừ khỏi vốn khả dụng của công ty chứng khoán
- Điều 6. Các khoản giảm trừ khỏi vốn khả dụng của công ty quản lý quỹ
- Điều 7. Các khoản tăng thêm