Hệ thống pháp luật

Điều 8 Thông tư 79/2011/TT-BTC về điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Điều 8. Nhiệm vụ hoạt động.

1. Mua các khoản nợ và tài sản của các chủ nợ và chủ tài sản (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ).

a) Đối tượng mua nợ và tài sản: là các khoản nợ, tài sản mà chủ nợ, chủ tài sản có nhu cầu bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam có trách nhiệm sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản đối với khách nợ là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình kinh doanh.

Việc mua các khoản nợ và tài sản phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có hiệu quả theo phương án được phê duyệt.

b) Hình thức mua nợ và tài sản:

- Thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản.

- Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản tồn đọng.

- Thực hiện mua theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

c) Nguyên tắc trong hoạt động mua nợ và tài sản:

- Phương án mua nợ và tài sản phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, có phương án thu hồi vốn khả thi, bảo toàn và phát triển vốn của Công ty.

- Việc mua nợ và tài sản chỉ thực hiện khi có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy trình mua nợ do Hội đồng thành viên ban hành.

- Việc mua nợ và tài sản có thể thực hiện cho từng khoản nợ, tài sản hay theo nhóm gồm nhiều khoản nợ, tài sản khác nhau của cùng một chủ nợ, chủ tài sản hoặc của nhiều chủ nợ, chủ tài sản.

- Trường hợp mua nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thành viên (hoặc Tổng giám đốc theo phân cấp, ủy quyền) triển khai thực hiện trên cơ sở phương án mua nợ và tài sản cụ thể phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Không mua nợ và tài sản trong những trường hợp sau:

Khoản nợ và tài sản không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền chủ nợ, quyền sở hữu tài sản.

Việc xử lý nợ và tài sản thiếu khả thi và không có hiệu quả.

- Người quyết định mua nợ và tài sản và những người có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và thực hiện phương án phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc mua nợ và tài sản theo phương án đã được duyệt.

d) Giá mua nợ và tài sản: Giá mua nợ và tài sản được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi thực tế của các khoản nợ và tài sản khi thanh lý doanh nghiệp hoặc nhượng bán nợ và tài sản sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý hợp lệ có liên quan (kể cả chi phí thuê tư vấn định giá khoản nợ, tài sản mua); có tính đến khả năng sinh lời khi thực hiện phương án cơ cấu chuyển đổi doanh nghiệp khách nợ thành công ty cổ phần có vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam thông qua chuyển nợ thành vốn góp.

2. Tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Việc tiếp nhận các khoản nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ, có hiện vật (đối với tài sản) được thể hiện rõ tại Biên bản giao nhận và tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước về sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp không có đủ hồ sơ, không còn tài sản thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp biết lý do không tiếp nhận để có phương án xử lý theo quy định.

3. Tiếp nhận và xử lý nợ, tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ: Việc tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo các nguyên tắc khi tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc khi tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định hoặc Thủ tướng Chính phủ, Công ty báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận bằng các hình thức sau:

a) Tổ chức đòi nợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khác cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong quá trình đòi nợ, tùy từng trường hợp Công ty Mua bán nợ được xem xét, xử lý theo các hình thức sau:

- Cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ bằng các hình thức: khoanh nợ, giãn nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ.

- Trường hợp doanh nghiệp hoàn trả đủ nợ gốc ngay trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày mua nợ thì Hội đồng thành viên công ty được xem xét xóa nợ lãi vay theo tiến độ trả nợ gốc nhưng phải đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả.

- Điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ, cụ thể:

Đối với các khoản nợ mà khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thì mức lãi suất điều chỉnh không được thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.

Đối với các khoản nợ của các đối tượng khác, mức lãi suất điều chỉnh không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ cộng ( ) 1%/năm.

- Thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp cùng với việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Trong trường hợp này, Công ty Mua bán nợ Việt Nam được phép thực hiện giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ tại thời điểm thực hiện phương án tái cơ cấu và chuyển đổi sở hữu theo nguyên tắc:

Phương án mua nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã xác định rõ việc mua nợ là để tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ và thực hiện chuyển đổi sở hữu.

Có kế hoạch thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư sau khi chuyển nợ thành vốn góp trong thời hạn tối đa không quá 05 năm kể từ ngày mua nợ. Trường hợp quá thời hạn 05 năm mà chưa thực hiện thoái vốn thì công ty phải báo cáo Bộ Tài chính nguyên nhân và biện pháp xử lý trong thời gian tiếp theo.

Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mức xóa nợ tối đa không quá số âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính gần nhất của khách nợ đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ trách nhiệm trả nợ.

Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các khách nợ không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.

Có tài liệu chứng minh khách nợ không có khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ khoản nợ tại thời điểm thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

Các khoản nợ và tài sản chuyển thành vốn góp phải được xác định giá trị bởi tổ chức định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển nợ và tài sản thành vốn góp phải được chủ sở hữu của doanh nghiệp khách nợ thống nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Kết thúc quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ, Công ty Mua bán nợ Việt Nam có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp khách nợ xác nhận số nợ chuyển tiếp và tổ chức đôn đốc thu hồi nợ theo đúng phương án đã được các bên cam kết.

b) Bán các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, chào giá cạnh tranh hoặc tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Công ty Mua bán nợ Việt Nam được áp dụng phương thức thỏa thuận trực tiếp sau khi đã thực hiện đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh theo đúng quy định nhưng không thành công.

c) Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp những tài sản đã mua, tiếp nhận để bán, cho thuê, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, liên doanh khai thác tài sản.

5. Tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản và các hoạt động dịch vụ khác liên quan:

- Tư vấn, môi giới cho các tổ chức, cá nhân mua bán nợ và tài sản, thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ, tài sản; mua bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp;

- Thực hiện các hoạt động thẩm định giá, đấu giá theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các hoạt động đầu tư (kể cả đầu tư ra ngoài doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật và Điều lệ này trên nguyên tắc hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Việc mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi đối với quyền mua được phân chia theo số lượng cổ phiếu công ty đang nắm giữ tại các công ty cổ phần thì Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét quyết định trên nguyên tắc có hiệu quả và có kế hoạch thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư.

Thông tư 79/2011/TT-BTC về điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 79/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/06/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 379 đến số 380
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH