Điều 14 Thông tư 52/2011/TT-BNNPTNT quy định biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân ở địa phương
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Chỉ đạo hệ thống quản lý thú y địa phương, các cấp, các ngành có liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống dịch bệnh và xây dựng cơ sở an toàn bệnh trên tôm tại địa phương; triển khai công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi;
b) Củng cố, tăng cường cho hệ thống quản lý thú y cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới thú y xã, phường để thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2011/TTLT-BNN-BNV ngày 23/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thú y trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các địa phương chưa có mạng lưới thú y xã, phường thì thực hiện Công văn số 1569/TTg - NN ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho thú y xã, phường;
c) Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn của tỉnh theo quy định; quyết định tiêu hủy tôm nuôi trong bể, ao/đầm có tôm mắc bệnh hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tiêu hủy.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng chương trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm của tỉnh và kế hoạch hàng năm trên cơ sở Chương trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm cấp quốc gia;
b) Chỉ đạo Chi cục Thú y xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao với các bệnh trên tôm có trong danh mục các bệnh phải công bố dịch, bệnh mới;
c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh trên tôm của tỉnh.
3. Chi cục Thú y
a) Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm trong địa bàn tỉnh, thành phố;
b) Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh trên tôm, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất khi có dịch xảy ra theo quy định;
c) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND cấp tỉnh phê duyệt: Chương trình giám sát dịch bệnh đối với tôm nuôi, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi tôm tập trung, khu vực có nguy cơ cao, có ổ dịch cũ; dự trù kinh phí mua hóa chất, vật tư, thuốc thú y thủy sản nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm tại địa phương;
d) Trình cấp có thẩm quyền đề nghị Chính phủ cấp hóa chất dập dịch từ Quỹ dự trữ Quốc gia cho địa phương.
4. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản hoặc Chi cục Thủy sản
a) Hướng dẫn người nuôi, sản xuất, kinh doanh tôm phục hồi môi trường sau dịch bệnh và quản lý chất lượng môi trường trong nuôi tôm theo quy định;
b) Phối hợp với Chi cục Thú y trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên tôm.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Thành lập đội chuyên trách phòng chống dịch bệnh trên tôm;
b) Phối hợp với Chi cục Thú y chỉ đạo các Trạm Thú y huyện, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm trong địa bàn huyện;
c) Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt công tác tiêu hủy, xử lý tôm mắc bệnh;
d) Cấp ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch bệnh của huyện.
6. Trạm Thú y hoặc Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện
a) Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm tại huyện;
b) Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến tận xã, thôn/ấp;
c) Báo cáo kịp thời nhu cầu về kinh phí, vật tư hóa chất, lao động cho Ủy ban nhân dân huyện và Chi cục Thú y;
d) Hàng tháng báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm về Chi cục Thú y với các nội dung: diện tích thả nuôi, tình hình bệnh trên tôm (nếu có) của các huyện.
7. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Bố trí cán bộ có chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn dịch bệnh, thường trực và tổng hợp tình hình dịch bệnh;
b) Chỉ đạo trưởng thôn/ấp trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch;
c) Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm: Dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, công an để tiêu hủy, xử lý tôm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại các chốt kiểm dịch động vật.
8. Nhân viên thú y xã
a) Giám sát phát hiện bệnh trên tôm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, bể, ao/đầm nuôi trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời cho UBND xã và Trạm Thú y huyện;
b) Trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.
Thông tư 52/2011/TT-BNNPTNT quy định biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Một số bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng ở tôm nuôi
- Điều 4. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm
- Điều 5. Áp dụng nuôi tôm, sản xuất tôm giống theo phương pháp an toàn sinh học
- Điều 6. Giám sát, phát hiện bệnh
- Điều 7. Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển