Hệ thống pháp luật

Điều 27 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 27. Chỉ tiêu nội dung bản đồ hành chính cấp tỉnh, huyện nhà nước

1. Yếu tố cơ sở toán học theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính

a) Thể hiện đầy đủ đường biên giới quốc gia trên đất liền;

b) Thể hiện đầy đủ đường địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã xác định và chưa xác định; phân vùng hành chính cấp huyện, xã theo đường địa giới tương ứng;

c) Trên bản đồ hành chính cấp tỉnh thể hiện tất cả các mốc địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện; các mốc địa giới hành chính cấp xã có 3 mặt trở lên và kèm theo ghi chú;

d) Trên bản đồ hành chính cấp huyện thể hiện tất cả các mốc địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã và kèm theo ghi chú;

đ) Thể hiện đầy đủ vị trí các trụ sở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Ghi chú tên các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

3. Yếu tố thủy văn

a) Đường bờ biển thể hiện ra đến khung trong của bản đồ; tùy theo tỷ lệ bản đồ, khái quát hóa đảm bảo giữ lại các nét đặc trưng của từng loại bờ biển và các cửa sông chính;

b) Thể hiện các đảo của Việt Nam theo chỉ tiêu sau đây: Thể hiện tất cả các đảo có diện tích ≥ 0,5 mm2 trên bản đồ theo tỷ lệ; các đảo có diện tích <0,5mm2 trên bản đồ thể hiện phi tỷ lệ và được phép lựa chọn nhưng phải đảm bảo hình dạng, hướng và mật độ phân bố; các đảo có liên quan đến yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính được ưu tiên lựa chọn; phân biệt đảo san hô, các đảo khác, đá, bãi cạn, bãi ngầm, bãi khác trên biển theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thể hiện đặc trưng cơ bản các hệ thống sông; sông, suối, kênh mương có chiều dài ≥ 5 cm trên bản đồ; tùy theo đặc điểm địa lý của từng khu vực có thể tăng hoặc giảm chỉ tiêu này đến 2 cm. Ưu tiên thể hiện các sông, suối, kênh mương có liên quan đến biên giới quốc gia và địa giới hành chính;

d) Các sông, suối, kênh mương có độ rộng ≥ 0,7 mm trên bản đồ thể hiện theo tỷ lệ; các sông, suối có độ rộng nhỏ hơn được vẽ 1 nét và có lực nét giảm dần về phía thượng nguồn. Thể hiện có lựa chọn các sông, suối, kênh, mương 1 nét đảm bảo mật độ và hình dạng phân bố;

đ) Thể hiện các hồ có diện tích ≥ 10 mm2 trên bản đồ; các hồ < 10 mm2 có liên quan đến yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính hoặc khu vực hiếm nước;

e) Thể hiện các cù lao, cồn cát trên sông có diện tích trên bản đồ ≥ 2 mm2; các cù lao, cồn cát < 10 mm2 và ≥ 0,5 mm2 có liên quan đến yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính;

g) Ghi chú địa danh thủy văn như sau:

Tên biển, vịnh, vũng, eo biển, cửa sông lớn; tên các sông có chiều dài ≥ 7 cm trên bản đồ; các hồ có diện tích ≥ 25 mm2 trên bản đồ;

Tên các đảo lớn và tất cả các quần đảo; phải ghi chú kèm theo tên đơn vị hành chính huyện, tỉnh chủ quản và tên quốc gia Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Ưu tiên ghi chú tên các đối tượng địa lý có liên quan đến yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính.

4. Yếu tố địa hình

a) Tùy theo tỷ lệ bản đồ thành lập và đặc điểm địa hình khu vực để lựa chọn khoảng cao đều đường bình độ phù hợp theo quy định Bảng 2:

Bảng 2

STT

Loại địa hình

Loại khoảng cao đều

Bình độ phụ

1

Khu vực đồng bằng

5 m; 10 m; 20 m

Khi cần thiết có thể chọn bình độ nửa khoảng cao đều

2

Khu vực trung du và miền núi

20 m; 50 m; 100 m

Khi cần thiết có thể chọn bình độ nửa khoảng cao đều

b) Thể hiện điểm độ cao với mật độ 5 - 6 điểm/1dm2 theo tỷ lệ bản đồ. Các điểm độ cao được lựa chọn là điểm độ cao đặc trưng bao gồm: Đỉnh núi, yên ngựa, điểm cao nhất, thấp nhất trong vùng;

c) Thể hiện bãi cát, đầm lầy có diện tích trên bản đồ ≥ 1 cm2;

d) Thể hiện địa hình núi đá có diện tích trên bản đồ ≥ 1 cm2; các hố castơ có diện tích trên bản đồ ≥ 1 mm2 theo tỷ lệ bản đồ; các khu vực núi đá vôi có nhiều hố castơ nhỏ hơn quy định thể hiện có chọn lọc và đảm bảo đặc trưng phân bố;

đ) Ghi chú tên dãy núi, tên núi, đỉnh núi đặc trưng. Ưu tiên lựa chọn các tên núi, dãy núi có liên quan đến biên giới quốc gia, địa giới hành chính.

5. Yếu tố dân cư

a) Thể hiện và phân biệt dân cư đô thị và dân cư nông thôn;

b) Dân cư đô thị được thể hiện bằng 2 dạng: đồ hình mặt bằng và ký hiệu phi tỷ lệ;

c) Thể hiện đồ hình mặt bằng tất cả các điểm dân cư đô thị có diện tích trên bản đồ ≥ 50 mm2 gồm: Đường bao khu dân cư đô thị và các đường phố chính; các điểm dân cư đô thị có diện tích < 50 mm2 thể hiện bằng ký hiệu phi tỷ lệ;

d) Điểm dân cư nông thôn có diện tích trên bản đồ ≥ 100 mm2 thể hiện đồ hình mặt bằng gồm: Đường bao khu vực dân cư tập trung nhất và đường giao thông chính;

Điểm dân cư tập trung có diện tích trên bản đồ < 100 mm2 thể hiện bằng ký hiệu phi tỷ lệ. Ưu tiên lựa chọn các điểm dân cư có các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng cấp quốc gia và cấp tỉnh, có liên quan đến yếu tố biên giới quốc gia, địa giới hành chính;

Mật độ thể hiện là 10 điểm/1dm2. Trong trường hợp đặc biệt có thể thay đổi mật độ giới hạn cho phù hợp với khả năng dung nạp của bản đồ;

Điểm dân cư phân bố rải rác dọc theo các đối tượng hình tuyến sử dụng ký hiệu nhà rải rác và đảm bảo mật độ phân bố;

đ) Lựa chọn ghi chú tên các điểm dân cư cho phù hợp với khả năng dung nạp của bản đồ ở các khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn.

6. Yếu tố kinh tế - xã hội

Thể hiện tất cả các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các đối tượng kinh tế - xã hội khác thể hiện có chọn lọc.

7. Yếu tố giao thông và các đối tượng liên quan

a) Thể hiện đường sắt, đường bộ và các đối tượng liên quan; mức độ chi tiết thể hiện phù hợp với tỷ lệ bản đồ thành lập và đảm bảo tính đặc trưng, tính hệ thống của mạng lưới giao thông;

b) Thể hiện tất cả các tuyến đường sắt quốc gia đang được sử dụng; thể hiện tất cả ga chính và ghi chú tên ga;

c) Đường bộ được phân loại theo cấp quản lý: Đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường khác;

Thể hiện đầy đủ các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có trong tỉnh và ghi chú tên đường; ghi chú đường đi tới tại nơi đường quốc lộ và đường tỉnh ra khỏi địa giới tỉnh.

d) Thể hiện có lựa chọn các đường bộ khác là đường nối tới điểm dân cư, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện;

đ) Ưu tiên các đường giao thông liên quan đến biên giới quốc gia, địa giới hành chính, đường liên xã;

e) Thể hiện cảng biển quốc tế, cảng biển nội địa đang sử dụng và ghi chú tên;

g) Thể hiện tất cả cảng sân bay quốc tế, nội địa và ghi chú. Không thể hiện các sân bay quân sự.

8. Địa danh trên bản đồ

Các địa danh trên bản đồ thể hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2011/TT- BTNMT ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn hóa địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ (QCVN 37:2011/BTNMT); các danh mục địa danh khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

9. Bảng diện tích, dân số các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện

a) Thể hiện đủ tên các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tỉnh đối với bản đồ hành chính cấp tỉnh; tên các đơn vị hành chính cấp xã trong huyện đối với bản đồ hành chính cấp huyện;

b) Số liệu kèm theo bao gồm: Diện tích tự nhiên, đơn vị là km2; dân số, đơn vị là người; mật độ dân số, đơn vị là người/km2 theo số liệu công bố mới nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Nguyên tắc sắp xếp tên và các số liệu:

Tên các đơn vị hành chính được sắp xếp theo thứ tự như sau: thành phố trực thuộc tỉnh, quận, thị xã, huyện và theo trình tự bảng chữ cái tiếng Việt;

Trong mỗi thành phố trực thuộc tỉnh, quận, thị xã, huyện tên các đơn vị hành chính được sắp xếp theo thứ tự như sau: Phường, thị trấn có trung tâm hành chính, thị trấn khác, xã và theo trình tự bảng chữ cái tiếng Việt.

10. Bản đồ phụ bao gồm:

a) Bản đồ phụ của bản đồ hành chính cấp tỉnh là bản đồ hành chính toàn quốc có tỷ lệ phù hợp với khoảng trống trên bản đồ thành lập; nội dung bản đồ theo quy định tại Điều 29 Thông tư này;

b) Bản đồ phụ của bản đồ hành chính cấp huyện là bản đồ hành chính cấp tỉnh có tỷ lệ phù hợp với khoảng trống trên bản đồ thành lập; nội dung bản đồ theo quy định tại Điều 29 Thông tư này;

c) Tỷ lệ, cơ sở toán học, nội dung và ký hiệu màu sắc bản đồ phụ phải thống nhất với bản đồ chính.

11. Bản đồ trung tâm hành chính bao gồm:

a) Bản đồ trung tâm thành phố thuộc tỉnh đối với bản đồ hành chính cấp tỉnh và bản đồ trung tâm hành chính cấp huyện đối với bản đồ hành chính cấp huyện;

b) Bản đồ trung tâm hành chính chỉ được thiết kế khi trên bản đồ chính không thể hiện được rõ nội dung yếu tố địa giới hành chính;

c) Nguyên tắc thiết kế như sau: Lựa chọn tỷ lệ lớn hơn và là bội số của tỷ lệ bản đồ chính. Cơ sở toán học của bản đồ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5; nội dung theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này.

12. Các yếu tố khác

a) Tên bản đồ phải là tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản đồ hành chính cấp tỉnh hoặc tên huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đối với bản đồ hành chính cấp huyện kèm theo cụm từ: Bản đồ hành chính;

b) Bản chú giải phải giải thích đầy đủ các ký hiệu có trên bản đồ; nội dung được sắp xếp theo thứ tự: yếu tố chuyên môn, yếu tố nền địa lý, yếu tố khác;

c) Các thông tin khác: Ghi chú đầy đủ, chính xác tên cơ quan chủ quản; tên đơn vị thành lập bản đồ; tên và nguồn gốc tài liệu thành lập; tên nhà xuất bản và người chịu trách nhiệm xuất bản; tên đơn vị in sản phẩm; thông tin giấy phép xuất bản; bản quyền tác giả; năm xuất bản.

Thông tư 47/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập bản đồ hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 47/2014/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/08/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 937 đến số 938
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH