Hệ thống pháp luật

Điều 30 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 30. Thiết lập khu vực hạn chế

1. Căn cứ thực tế cơ sở hạ tầng và hoạt động hàng không dân dụng, các khu vực hạn chế sau đây phải được thiết lập:

a) Khu vực hành khách sau khi đã kiểm tra soi chiếu người và hành lý chờ để đi tàu bay (khu vực cách ly);

b) Khu vực sân đỗ tàu bay, đường hạ cất cánh, đường lăn và các khu vực khác trong sân bay (sân bay);

c) Khu vực phục vụ hành lý ký gửi sau khi đã được kiểm tra an ninh để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại, chất xếp hành lý);

d) Khu vực dành cho hành khách quá cảnh, nối chuyến chờ để chuyển tiếp chuyến bay (khu vực quá cảnh);

đ) Khu vực phục vụ hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện sau khi đã kiểm tra soi chiếu để đưa lên tàu bay (khu vực phân loại, lưu giữ, chất xếp hàng hóa);

e) Nhà khách phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên;

g) Khu vực giao nhận hành lý cho hành khách tại nhà ga đến; khu vực lưu giữ, giao nhận hàng hóa đến;

h) Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt tàu bay;

i) Khu vực sản xuất, chế biến, cung ứng suất ăn;

k) Khu vực kho nhiên liệu cung cấp cho tàu bay;

l) Trung tâm chỉ huy điều hành bay, khu vực đài kiểm soát không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tin tức hàng không và các đài trạm cung cấp dịch vụ không lưu khác;

m) Trạm cấp điện, nước của cảng hàng không, sân bay;

n) Khu vực làm thủ tục đi tàu bay cho hành khách, hành lý (từ quầy làm thủ tục, băng chuyền hành lý vào bên trong khu vực soi chiếu hành lý ký gửi);

o) Khu vực làm thủ tục tiếp nhận hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện (từ quầy làm thủ tục tiếp nhận hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện vào bên trong khu vực xử lý hàng hóa, thư, bưu phẩm, bưu kiện);

p) Các khu vực công cộng khác trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp an ninh tăng cường.

2. Trong trường hợp áp dụng cấp độ tăng cường bảo đảm an ninh hàng không dân dụng, xét thấy cần thiết để đảm bảo an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam quyết định thiết lập các khu vực hạn chế khác ngoài các khu vực quy định tại khoản 1 của Điều này.

3. Thiết lập các khu vực hạn chế và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát an ninh hàng không cho từng khu vực hạn chế phải phù hợp với mục đích bảo đảm an ninh hàng không dân dụng và không gây cản trở cho người, phương tiện ra vào, hoạt động bình thường tại khu vực hạn chế. Công tác bảo đảm an ninh hàng không đối với khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay phải do lực lượng an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay thực hiện, trừ các khu vực do lực lượng quân dội, công an kiểm soát. Công tác bảo đảm an ninh hàng không đối với khu vực hạn chế nêu tại các điểm h, i, k và l khoản 1 của Điều này do lực lượng an ninh hàng không, bảo vệ chuyên trách của đơn vị chủ quản thực hiện.

4. Căn cứ thực tế tại mỗi cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không phối hợp với Cảng vụ hàng không liên quan và các cơ quan, đơn vị liên quan xác định các khu vực hạn chế và ranh giới cụ thể của từng khu vực hạn chế khi xây dựng Chương trình an ninh cảng hàng không. Đơn vị chủ quản khu vực hạn chế nằm ngoài cảng hàng không, sân bay xác định ranh giới khu vực hạn chế cụ thể và được quy định trong Quy chế an ninh hàng không dân dụng.

5. Khu vực hạn chế phải đáp ứng các yêu cầu sau dây:

a) Có hệ thống tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách phù hợp để ngăn cách với khu vực công cộng và ngăn cách giữa các khu vực hạn chế trong trường hợp cần thiết; có điểm kiểm tra an ninh tại mỗi cổng, cửa để kiểm soát việc ra, vào của người, phương tiện, đồ vật; bố trí lực lượng, trang thiết bị giám sát an ninh cho toàn bộ khu vực hạn chế;

b) Hạn chế tối đa số lượng cổng, cửa, luồng ra, vào khu vực hạn chế;

c) Có hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, thiết bị kiểm tra, giám sát an ninh, thiết bị thông tin liên lạc, nhân viên an ninh hàng không thích hợp;

d) Phải có hệ thống ca-me-ra giám sát an ninh đảm bảo giám sát, chặt chẽ, liên tục các khu vực sau đây: khu vực cách ly; khu vực sân đỗ tàu bay; khu vực xử lý hành lý, hàng hóa; khu vực phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên; khu vực quá cảnh; khu vực bảo dưỡng, sữa chữa, lắp đặt tàu bay và các điểm kiểm tra an ninh khi vào các khu vực này;

đ) Phải bố trí máy soi tia X, cổng từ và máy dò kim loại cầm tay để kiểm tra soi chiếu người, đồ vật, hành lý vào các khu vực sau đây: khu cách ly; khu vực sân đỗ tàu bay; khu vực phân loại, chất xếp hành lý, hàng hóa; khu vực phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay ưu tiên; khu vực bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt tàu bay tại cảng hàng không, sân bay; từ khu vực nhà ga đến vào sân bay;

e) Có quy định về quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát người, đồ vật phương tiện ra, vào và hoạt động cụ thể cho từng khu vực.

6. Yêu cầu, tiêu chuẩn về hàng rào, cổng, cửa, rào chắn, vọng gác, hệ thống chiếu sáng, giám sát, đường tuần tra theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH