Hệ thống pháp luật

Chương 6 Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 6.

ĐỐI PHÓ VỚI HÀNH VI CAN THIỆP BẤT HỢP PHÁP

Điều 97. Quy định chung

1. Việc đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng thực hiện theo Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Khi nhận được thông tin về một hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu liên quan có trách nhiệm phân tích, đánh giá sơ bộ về tính chất của thông tin để xem xét triển khai phương án khẩn nguy thích hợp; báo cáo ngay thông tin, kết quả đánh giá và kiến nghị đối phó bằng hình thức phù hợp về Cục Hàng không Việt Nam. Trường hợp cần thiết, Cục Hàng không Việt Nam trực tiếp chỉ đạo các lực lượng hàng không thực hiện phương án khẩn nguy ban đầu.

3. Mọi biện pháp đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng phải ưu tiên bảo đảm an toàn cho tàu bay và tính mạng con người. Đối với tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan ưu tiên trợ giúp tối đa để bảo đảm an toàn cho tàu bay trong vùng trời của Việt Nam, vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Sau khi kết thúc việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo đưa cảng hàng không, sân bay trở lại hoạt động bình thường; bố trí cho hành khách tiếp tục hành trình trong thời gian sớm nhất có thể.

5. Căn cứ vào Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, người khai thác cảng hàng không, sân bay xây dựng Kế hoạch khẩn nguy sân bay trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện, trong đó có phần về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay với các nội dung chính sau đây:

a) Ban chỉ huy khẩn nguy, chế độ trực khẩn nguy;

b) Các tình huống khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp và phương án đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp;

c) Cơ chế chỉ huy và phương án điều động lực lượng đối phó ban dầu; công tác phối hợp sau khi bàn giao quyền chỉ huy;

d) Cơ chế thông tin, liên lạc, báo cáo;

đ) Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đối phó;

e) Trung tâm chỉ huy chính và phương án thiết lập các trung tâm chỉ huy lưu động trong trường hợp cần thiết;

g) Công tác huấn luyện, diễn tập và kinh phí.

6. Căn cứ vào Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nằm ngoài cảng hàng không, sân bay xây dựng Kế hoạch ứng phó không lưu của cơ sở (đối với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu), kế hoạch khẩn nguy cơ sở (đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác) trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện với các nội dung chính sau đây:

a) Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 5 của Điều này;

b) Phương án duy trì cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay Trong trường hợp cơ sở bị can thiệp bất hợp pháp;

c) Phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp (đối với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu) bao gồm các nội dung: phân định rõ trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận liên quan trong việc thông tin, báo cáo khi có nghi ngờ hoặc phát hiện tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp; quy định các biện pháp, quy trình cụ thể trong việc xử lý, điều hành hỗ trợ tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp trong từng tình huống, từng giai đoạn; quy trình xử lý thông tin sai uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay.

7. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch quy định tại khoản 5, khoản 6 của Điều này bao gồm:

a) Công văn đề nghị phê duyệt kế hoạch;

b) Dự thảo kế hoạch;

c) Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ.

8. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Hàng Không Việt Nam. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối phê duyệt cho người đề nghị.

9. Kế hoạch ứng phó không lưu. Kế hoạch khẩn nguy cơ sở được quản lý theo chế độ mật.

10. Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn thực hiện các phương án đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, hướng dẫn khảo sát phòng ngừa nguy cơ đe dọa tàu bay đang bay bằng tên lửa phòng không vác vai.

Điều 98. Phân nhóm hành vi can thiệp bất hợp pháp

1. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 1 bao gồm:

a) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay;

b) Chiếm đoạt và có khả năng sử dụng tàu bay như vũ khí; sử dụng tàu bay vào mục đích ném bom, rải chất độc, vũ khi sinh học, hóa học, chất phóng xạ;

c) Tấn công vũ trang trên tàu bay đang bay (tàu bay đã cất cánh khỏi mặt đất và chưa tiếp đất);

d) Tấn công vũ trang có tổ chức tại cảng hàng không, sân bay, công trình, trang thiết bị phục vụ hoạt động bay;

đ) Chiếm đoạt, gây bạo loạn khủng bố tại cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

e) Bắt giữ con tin trên tàu bay.

2. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 2 bao gồm:

a) Đưa bom, mìn, súng, đạn, vũ khí sinh học, hóa học, chất phóng xạ trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

b) Tấn công bằng vũ khí vào lực lượng an ninh hàng không dân dụng, lực lượng bảo vệ cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

c) Bắt giữ con tin tại cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

d) Đe dọa đặt bom, mìn vũ khí sinh học, hóa học trên tàu bay đang bay.

3. Nhóm hành vi nghiêm trọng cấp độ 3 bao gồm:

a) Đưa chất cháy, chất nổ, vũ khí thô sơ, chất thông thường tạo thành chất nguy hiểm với mục đích chế tạo chất nổ và các vật phẩm nguy hiểm khác trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

b) Đe dọa đặt, bom, mìn, vũ khí sinh học, hóa học tại cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

c) Các hành vi phá hoại Tàu bay, cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

d) Tấn công lực lượng an ninh hàng không dân dụng, lực lượng bảo vệ để xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Điều 99. Quản lý thông tin và họp báo

Việc cung cấp thông tin, phát ngôn và họp báo liên quan đến hành vi can thiệp bất hợp pháp và các hành động đối phó thực hiện theo Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp ban hành kèm theo Quyết định số 44/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 100. Chế độ báo cáo về đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, đơn vị chủ quản của khu vực hạn chế ngoài cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm báo cáo ban đầu bằng văn bản về Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp; báo cáo 02 lần trên 01 ngày trong thời gian đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp; báo cáo sơ bộ trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc việc đối phó.

2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm phối hợp và giám sát việc thực hiện kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay, báo cáo hàng ngày về Cục Hàng không Việt Nam trong thời gian đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

3. Cục Hàng không Việt Xam có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản trong trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhận được báo cáo của đơn vị về công tác đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp.

Điều 101. Thông báo cho quốc gia liên quan và báo cáo cho ICAO

1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo những thông tin về một tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp hạ cánh trong lãnh thổ Việt Nam cho nhà chức trách hàng không của quốc gia liên quan trong thời gian sớm nhất có thể. Thông tin bao gồm: loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, đường bay theo lịch, số lượng hành khách, tổ bay trên chuyến bay và những yêu cầu đề nghị các quốc gia liên quan trợ giúp. Thông báo được gửi tới các địa chỉ sau qua đường FAX:

a) Quốc gia nơi tàu bay đăng ký;

b) Quốc gia của nhà khai thác tàu bay;

c) Quốc gia có các công dân bị chết, bị thương hoặc bị giữ do hành vi can thiệp bất hợp pháp;

d) Quốc gia có công dân là hành khách trên tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp;

đ) ICAO.

2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm báo cáo cho ICAO về các hành vi can thiệp bất hợp pháp:

a) Báo cáo sơ bộ về hành vi theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIII ban hành kèm theo Thông tư này phải được gửi cho ICAO trong vòng 30 ngày kể từ ngày vụ việc xảy ra;

b) Báo cáo chính thức về hành vi theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV ban hành kèm theo Thông tư này phải được gửi cho ICAO trong vòng 60 ngày kể từ ngày vụ việc xảy ra.

Điều 102. Phân tích, đánh giá kết quả đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp

1. Sau khi kết thúc việc đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp, Cảng vụ hàng không hoặc đại diện Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không liên quan đánh giá vụ việc, quyết định áp dụng các biện pháp tái kiểm tra an ninh, kiểm tra, lục soát an ninh tàu bay hoặc các biện pháp an ninh cần thiết khác; xem xét các điều kiện khai thác bình thường của cảng hàng không, sân bay, của tàu bay; quyết định cho phép tiếp tục thực hiện khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc chuyến bay; tổ chức giảng bình, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác đối phó và báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam bằng văn bản, chậm nhất là sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc đối phó.

2. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức giảng bình nếu xét thấy cần thiết, đánh giá, xác minh, rút kinh nghiệm và công tác đối phó, tính hiệu quả của phương án khẩn nguy và các Chương trình an ninh hàng không dân dụng; đưa ra kế hoạch khắc phục những sơ hở thiếu sót và triển khai thực hiện; báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản sau 05 ngày kể từ ngày tổ chức.

Điều 103. Diễn tập đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp

1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan, chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành hàng không dân dụng trong việc tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp quốc gia theo chỉ đạo của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.

2. Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Ban chỉ huy khẩn nguy cấp tỉnh, thành phố, huyện đảo, chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành hàng không dân dụng trong việc tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp ngành.

3. Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, các đơn vị chủ quản khu vực hạn chế nằm ngoài cảng hàng không, sân bay phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan định kỳ tổ chức diễn tập cấp cơ sở các tình huống trong phương án khẩn nguy nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập khi có yêu cầu.

4. Diễn tập đối phó cấp quốc gia được tổ chức tối thiếu 03 năm diễn tập 01 lần; diễn tập đối phó cấp ngành được tổ chức tối thiểu 02 năm diễn tập 01 lần; diễn tập đối phó cấp cơ sở được tổ chức tối thiểu 01 năm diễn tập 01 lần.

5. Cơ quan, tổ chức nước ngoài có thể được mời tham quan diễn tập đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

Thông tư 30/2012/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/08/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 583 đến số 584
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH