Chương 4 Thông tư 142/2014/TT-BQP quy định công tác kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong Bộ Quốc phòng
TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÁN BỘ, KIỂM ĐỊNH VIÊN, KỸ THUẬT VIÊN KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN LAO ĐỘNG
Điều 17. Chỉ huy phụ trách kỹ thuật, trưởng phòng, ban đơn vị kiểm định
1. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Biết thông dụng một ngoại ngữ ở trình độ B trong hoạt động chuyên môn;
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn;
d) Có tối thiểu 05 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
đ) Có chứng chỉ giảng viên huấn luyện an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng cục Kỹ thuật cấp.
2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Chủ trì tổ chức, triển khai có hiệu quả nội dung hoạt động nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài khoa học về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
c) Có năng lực hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
d) Có năng lực tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
đ) Có năng lực tổng hợp, khái quát nội dung hoạt động liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn của lĩnh vực kiểm định; đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
e) Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kỹ thuật an toàn lao động; các nội dung, phương pháp kiểm tra và tiêu chuẩn đánh giá các chỉ tiêu trong quá trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Điều 18. Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động
1. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Biết thông dụng một ngoại ngữ ở trình độ B trong hoạt động chuyên môn;
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính và các trang thiết bị, phần mềm tin học ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn;
d) Có thời gian ở ngạch kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động và tương đương từ 09 năm trở lên;
đ) Có đề án hoặc công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được Hội đồng khoa học cấp ngành nghiệm thu và đưa vào ứng dụng;
e) Có chứng chỉ khóa huấn luyện nghiệp vụ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng cục Kỹ thuật cấp.
2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Chủ trì tổ chức, triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Có năng lực tổ chức, phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
c) Có năng lực tổng hợp, khái quát nội dung hoạt động liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn của lĩnh vực kiểm định để có những đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
đ) Chủ trì hoặc tham gia các đề tài khoa học thuộc chuyên ngành về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
3. Nhiệm vụ
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo thẩm quyền được giao;
b) Tổ chức và trực tiếp thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả kiểm định;
c) Thu thập dữ liệu, tổng hợp phân tích và dự báo tình hình kiểm định kỹ thuật an toàn trong phạm vi được phân công. Đánh giá tình hình hoạt động thực tiễn, đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn để ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động do các đối tượng kiểm định gây ra;
d) Chủ trì tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc lĩnh vực được giao; đề xuất, bổ sung những vấn đề cần sửa đổi trong quy trình kiểm định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn;
đ) Thực hiện nhiệm vụ giám định nguyên nhân sự cố, tai nạn lao động do các đối tượng kiểm định gây ra khi có yêu cầu;
e) Chủ trì hoặc tham gia các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc lĩnh vực được phân công;
g) Tham gia xây dựng, biên soạn, góp ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; xây dựng các phương án biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động khi có yêu cầu;
h) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn nội dung, chương trình, giáo trình để huấn luyện cho người quản lý về các nguyên tắc quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành, quy trình vận hành và quy định xử lý, biện pháp phòng ngừa sự cố kỹ thuật cho các đối tượng kiểm định theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành;
i) Tham gia biên soạn giáo trình và huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn cho kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động khi được phân công.
Điều 19. Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
1. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Biết thông dụng một ngoại ngữ ở trình độ A trong hoạt động chuyên môn;
c) Sử dụng thành thạo máy vi tính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn;
d) Có chứng chỉ khóa huấn luyện nghiệp vụ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng cục Kỹ thuật cấp.
2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập thực hiện thành thạo nghiệp vụ về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong phạm vi được phân công phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
b) Có khả năng nắm bắt và áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
c) Có khả năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
d) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
đ) Có khả năng nhận biết các nguy cơ xảy ra sự cố và thiết lập biện pháp phòng ngừa trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm định;
e) Có khả năng sử dụng thành thạo những trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
3. Nhiệm vụ
a) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng kế hoạch kiểm định cho đối tượng kiểm định cụ thể, đúng lĩnh vực được giao;
b) Trực tiếp thực hiện việc kiểm định, tư vấn kỹ thuật an toàn cho các cơ quan, đơn vị sản xuất, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong phạm vi được giao. Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả kiểm định;
c) Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn được phân công;
d) Tham gia xây dựng, biên soạn, góp ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; xây dựng các phương án biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động khi có yêu cầu;
đ) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn nội dung, chương trình, giáo trình để huấn luyện cho người quản lý về các nguyên tắc quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành quy trình vận hành và quy định xử lý, biện pháp phòng ngừa sự cố kỹ thuật cho các đối tượng kiểm định theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành;
e) Tham gia biên soạn giáo trình và huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn cho kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động khi được phân công.
Điều 20. Kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
1. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Là quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
b) Sử dụng thành thạo máy vi tính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn;
c) Có chứng chỉ khóa huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng cục Kỹ thuật cấp.
2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Có khả năng độc lập, chủ động, sử dụng thành thạo những trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
b) Nắm vững nguyên lý, cấu tạo của hệ thống thiết bị sử dụng để kiểm định; quy trình kiểm định và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến đối tượng kiểm định được phân công; các quy định về an toàn trong sử dụng điện cơ khí, thiết bị áp lực và các quy định về phòng, chống cháy nổ;
c) Có khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được phân công.
3. Nhiệm vụ
a) Thực hiện kiểm định các loại chai chứa khí theo một quy trình cụ thể trên một dây chuyền kiểm định hoàn chỉnh, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật đề ra,
b) Tuân thủ một số bước của quy trình kiểm định để phát hiện các lỗi kỹ thuật đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong quá trình kiểm định;
c) Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng kiểm định;
d) Phát hiện kịp thời các hư hỏng của phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm định, đề xuất biện pháp khắc phục để bảo đảm chất lượng kiểm định;
đ) Chịu trách nhiệm về kết luận của mình tại các bước kiểm định cụ thể được phân công.
Thông tư 142/2014/TT-BQP quy định công tác kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong Bộ Quốc phòng
- Điều 4. Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 5. Trách nhiệm thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 6. Trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 7. Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 8. Tem kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, ký hiệu đóng hoặc dập trên đối tượng kiểm định
- Điều 9. Trường hợp đăng ký đối tượng kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 10. Trách nhiệm, thủ tục đăng ký các đối tượng kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 11. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 13. Điều kiện cấp chứng chỉ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 14. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 15. Quản lý, sử dụng chứng chỉ, thẻ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 16. Đình chỉ hoạt động kiểm định, thu hồi chứng chỉ kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 17. Chỉ huy phụ trách kỹ thuật, trưởng phòng, ban đơn vị kiểm định
- Điều 18. Kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 19. Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 20. Kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
- Điều 21. Trách nhiệm của Tổng cục Kỹ thuật
- Điều 22. Trách nhiệm của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
- Điều 23. Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật hoặc Cơ quan Quản lý an toàn, bảo hộ lao động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
- Điều 24. Trách nhiệm của đơn vị kiểm định
- Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng đối tượng kiểm định
- Điều 26. Hiệu lực thi hành
- Điều 27. Trách nhiệm thi hành