Hệ thống pháp luật

Điều 3 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bưu gửi bao gồm thư, gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính.

2. Điểm kiểm tra an ninh hàng không là vị trí làm việc của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không được thiết lập tại các cổng, cửa, lối đi giữa khu vực công cộng và khu vực hạn chế hoặc giữa các khu vực hạn chế, nhằm kiểm tra an ninh hàng không người, phương tiện, đồ vật, duy trì an ninh trật tự khu vực điểm kiểm tra.

3. Điểm kiểm soát an ninh hàng không là vị trí làm việc của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không được thiết lập tại khu vực công cộng hoặc khu vực hạn chế nhằm kiểm soát hoạt động của người, phương tiện, duy trì an ninh, trật tự trong phạm vi được giới hạn quanh điểm kiểm soát.

4. Đồ vật phục vụ trên tàu bay là vật phẩm để hành khách, tổ bay sử dụng, bán trên tàu bay, trừ suất ăn; các vật phẩm phục vụ cho khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

5. Đồ vật, hành lý không xác nhận được chủ là đồ vật bị bỏ tại cảng hàng không, sân bay mà không có căn cứ xác định được chủ của đồ vật, hành lý đó.

6. Giám sát an ninh hàng không là việc sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp con người, động vật, thiết bị kỹ thuật để quản lý, theo dõi nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về an ninh hàng không.

7. Giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh hàng không là giấy tờ do Cục Hàng không Việt Nam cấp cho cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể hành nghề nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.

8. Hàng hóa là tài sản được chuyên chở bằng tàu bay trừ bưu gửi, hành lý, đồ vật phục vụ trên tàu bay và suất ăn.

9. Hàng hóa, bưu gửi trung chuyển là hàng hóa, bưu gửi được vận chuyển tiếp nối trên 02 chuyến bay khác nhau trở lên hoặc bằng 02 loại hình vận chuyển khác nhau trở lên, trong đó có loại hình vận chuyển bằng đường hàng không.

10. Hành lý là tài sản của hành khách hoặc tổ bay được chuyên chở bằng tàu bay.

11. Hành lý xách tay là hành lý được hành khách, thành viên tổ bay mang theo người lên tàu bay và do hành khách, thành viên tổ bay bảo quản trong quá trình vận chuyển.

12. Hành lý ký gửi là hành lý của hành khách, thành viên tổ bay được chuyên chở trong khoang hàng của tàu bay và do người vận chuyển bảo quản trong quá trình vận chuyển.

13. Hành lý không có người nhận là hành lý đến một cảng hàng không, sân bay mà không được hành khách, tổ bay lấy hoặc nhận.

14. Hành lý thất lạc là hành lý của hành khách, tổ bay bị tách rời khỏi hành khách, tổ bay trong quá trình vận chuyển.

15. Hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi quá cảnh, tạm dừng nội địa là hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi lên lại cùng một chuyến bay tại một cảng hàng không mà hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi đã đến trước đó.

16. Hành khách, hành lý nối chuyến là hành khách, hành lý tham gia trực tiếp vào hai chuyến bay khác nhau trở lên trong một hành trình.

17. Hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không bao gồm hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra an ninh hàng không:

a) Thanh tra an ninh hàng không là hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không được thực hiện theo các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành;

b) Kiểm tra chất lượng an ninh hàng không là việc kiểm tra sự tuân thủ một số hoặc toàn bộ các quy định trong chương trình an ninh, quy chế an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, chấp thuận;

c) Thử nghiệm an ninh hàng không là việc thực hiện hành vi giả định can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng bằng hình thức công khai hoặc bí mật nhằm sát hạch hiệu quả của biện pháp bảo đảm an ninh hàng không;

d) Khảo sát an ninh hàng không là việc thu thập các thông tin, số liệu để định lượng các nhu cầu an ninh và xác định các trọng điểm cần tập trung bảo vệ;

đ) Điều tra an ninh hàng không là việc tiến hành làm rõ hành vi can thiệp bất hợp pháp, hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm an ninh hàng không;

e) Đánh giá an ninh hàng không là việc thẩm định sự tuân thủ một số hoặc toàn bộ các tiêu chuẩn, quy định về an ninh hàng không do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, nhà chức trách hàng không, hãng hàng không tiến hành.

18. Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay là khu vực phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, bao gồm: sân đỗ tàu bay, công trình, nhà xưởng, bãi đỗ phương tiện và hệ thống đường giao thông nội bộ.

19. Khu vực cách ly là một phần của khu vực hạn chế, được xác định từ sau điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách, hành lý xách tay của nhà ga đến cửa khởi hành.

20. Khu vực hạn chế sử dụng riêng là khu vực hạn chế có một trong các đặc điểm sau:

a) Khu vực hạn chế không thuộc nhà ga, sân bay;

b) Khu vực hạn chế thuộc nhà ga hoặc sân bay có hoạt động khảo sát, thi công, sửa chữa, bảo dưỡng mà trong thời gian khảo sát, thi công, sửa chữa, bảo dưỡng không có hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không và ranh giới khu vực khảo sát, thi công, sửa chữa, bảo dưỡng có hàng rào hoặc vật kiến trúc ngăn cách, bảo đảm cách biệt với các khu vực hạn chế khác, người, phương tiện trong khu vực thi công không thể xâm nhập vào khu vực hạn chế khác trái phép;

c) Khu vực hạn chế thuộc nhà ga hoặc sân bay do duy nhất một đơn vị quản lý, khai thác và không trực tiếp phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi, có hàng rào hoặc vật kiến trúc ngăn cách, bảo đảm cách biệt với các khu vực hạn chế khác.

21. Khu vực lưu giữ hành lý là nơi lưu giữ hành lý ký gửi chờ chuyển lên tàu bay, lưu giữ hành lý thất lạc hoặc hành lý không có người nhận.

22. Kiểm soát an ninh nội bộ là biện pháp an ninh phòng ngừa nhằm loại trừ các nguyên nhân, điều kiện để đối tượng khủng bố, tội phạm có thể lợi dụng, móc nối, lôi kéo nhân viên hàng không tiếp tay hoặc trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố, phạm tội và các hành vi vi phạm khác.

23. Kiểm tra an ninh hàng không tàu bay là việc kiểm tra bên trong và bên ngoài tàu bay theo danh mục nhằm phát hiện vật đáng ngờ, vật phẩm nguy hiểm;

24. Kiểm tra trực quan là việc nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trực tiếp sử dụng tay, mắt và các giác quan khác để kiểm tra người, phương tiện, đồ vật nhằm nhận biết và phát hiện vật đáng ngờ, vật phẩm nguy hiểm.

25. Kiểm tra lý lịch là việc thẩm tra, xác minh nhân thân của một người để đánh giá sự thích hợp với vai trò nhân viên hàng không, cấp thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng dài hạn.

26. Nhân viên an ninh trên không là người được Chính phủ của quốc gia khai thác tàu bay và Chính phủ của quốc gia đăng ký tàu bay ủy quyền, bố trí làm nhiệm vụ trên tàu bay với mục đích bảo vệ tàu bay và hành khách chống lại hành vi can thiệp bất hợp pháp.

27. Niêm phong an ninh là sự xác nhận hàng hóa, đồ vật, phương tiện đã qua kiểm tra an ninh hàng không hoặc xác nhận tình trạng nguyên vẹn của đồ vật, phương tiện hoặc đồng thời xác nhận hàng hóa, đồ vật, phương tiện đã qua kiểm tra an ninh hàng không và tình trạng nguyên vẹn của đồ vật, phương tiện được niêm phong. Niêm phong an ninh hàng không được thực hiện bằng sử dụng tem niêm phong, dây niêm phong.

28. Sân đỗ tàu bay là khu vực được xác định trong khu bay dành cho tàu bay đỗ để đón, trả hành khách, hành lý, bưu gửi, hàng hóa, tiếp nhiên liệu hoặc bảo dưỡng.

29. Suất ăn là đồ ăn, đồ uống, các dụng cụ sử dụng cho bữa ăn trên tàu bay.

30. Tàu bay đang bay là tàu bay theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

31. Tàu bay đang khai thác là tàu bay mang quốc tịch của Việt Nam hoặc nước ngoài đang đỗ tại sân đỗ, bãi đậu tàu bay để chuẩn bị thực hiện hoạt động bay và có sự giám sát an ninh hàng không liên tục bằng biện pháp thích hợp nhằm phát hiện việc tiếp cận, xâm nhập tàu bay trái phép.

32. Tàu bay không khai thác là tàu bay mang quốc tịch của Việt Nam hoặc nước ngoài đỗ tại sân đỗ, bãi đậu tàu bay trên 12 giờ hoặc không có sự giám sát an ninh hàng không liên tục.

33. Tia X là một dạng của sóng điện từ, có bước sóng trong khoảng từ 0,01 na-nô-mét đến 10 na-nô-mét tương ứng với dãy tần số từ 30 pe-ta-héc đến 30 e-xa-héc và năng lượng từ 120 eV đến 120 keV.

34. Túi nhựa an ninh là túi nhựa chuyên biệt, trong suốt, có thể nhìn và đọc dễ dàng phiếu mua hàng mà không cần mở túi, dùng để đựng đồ vật có chứa chất lỏng, các chất đặc sánh, dung dịch xịt mua tại cửa hàng trong khu vực cách ly quốc tế, mua trên chuyến bay quốc tế, có quy cách theo Phụ lục XXV ban hành kèm theo Thông tư này.

35. Vị trí đỗ biệt lập là khu vực trong sân bay dành cho tàu bay đỗ trong trường hợp bị can thiệp bất hợp pháp nhằm cách ly với các tàu bay khác và các công trình của cảng hàng không, sân bay kể cả các công trình, thiết bị ngầm dưới mặt đất để triển khai phương án khẩn nguy.

36. Bốt, vọng, chốt gác là vật kiến trúc phục vụ cho công tác kiểm soát an ninh hàng không tại điểm kiểm tra an ninh hàng không, điểm kiểm soát an ninh hàng không.

37. Vụ việc vi phạm an ninh hàng không là hành vi vi phạm an ninh hàng không nhưng chưa đến mức là hành vi can thiệp bất hợp pháp.

38. ICAO là tên viết tắt của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Thông tư 13/2019/TT-BGTVT hướng dẫn Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 13/2019/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/03/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 385 đến số 386
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH