Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ XÂY DỰNG, THỰC HIỆN QUY TRÌNH ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA BỘ PHẬN QUẢN LÝ, THEO DÕI CÁC ĐIỀU KIỆN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG

Điều 4. Quy định chi tiết về quy trình bảo đảm an toàn giao thông

Quy trình đảm bảo an toàn giao thông phải đảm bảo theo trình tự các bước và nội dung tối thiểu như sau:

1. Trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe, Bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe công-ten-nơ hoặc cán bộ được phân công theo dõi an toàn giao thông tại các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá (sau đây gọi chung là Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông) phải thực hiện các nhiệm vụ:

a) Hàng ngày, tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và qua các biện pháp quản lý khác của đơn vị để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm;

b) Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của người lái xe về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông;

c) Phối hợp với các bộ phận khác của đơn vị để tập hợp các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt các điều kiện về tuyến đường vận chuyển và các nội dung khác có liên quan đến an toàn giao thông;

d) Phối hợp với Bộ phận khác của đơn vị để bố trí xe và người lái xe thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đảm bảo thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, thời gian nghỉ ngơi của người lái xe theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ; không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi.

2. Trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây viết tắt là người điều hành vận tải) hoặc cán bộ quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe phải thực hiện các nội dung công việc như sau (riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi thực hiện theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị):

a) Kiểm tra giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch; giấy vận tải (giấy vận chuyển) đối với hoạt động vận tải hàng hoá; các giấy tờ khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị;

b) Thông báo trực tiếp hoặc qua phần mềm của đơn vị kinh doanh vận tải cho người lái xe các yêu cầu vận chuyển của khách hàng và các nội dung cần lưu ý để đảm bảo an toàn giao thông (nếu có);

c) Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra).

3. Sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện (riêng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị) tối thiểu các nội dung chính gồm: kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.

4. Trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.

5. Khi xe đang hoạt động trên đường

a) Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. Các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị để theo dõi;

b) Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của người lái xe, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện phải lắp) đảm bảo luôn hoạt động; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc

a) Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường;

b) Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

7. Theo định kỳ tháng, quý, năm, Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông phải thực hiện các nhiệm vụ:

a) Thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ tai nạn giao thông đã xảy ra của từng người lái xe và của toàn đơn vị;

b) Xây dựng và thực hiện phương án xử lý khi xảy ra sự cố gây mất an toàn giao thông trong quá trình kinh doanh vận tải;

c) Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm đối với toàn bộ người lái xe của đơn vị sau khi xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên trong quá trình kinh doanh vận tải;

d) Phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị để tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho toàn bộ người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) của đơn vị theo quy định;

đ) Lưu trữ hồ sơ, sổ sách ghi chép bằng bản giấy hoặc lưu trên phần mềm kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều này. Thời gian lưu trữ tối thiểu 03 năm.

Điều 5. Thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) được lựa chọn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại điểm a hoặc điểm b dưới đây:

a) Áp dụng, thực hiện đúng, đầy đủ nội dung theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 về Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng và phải đảm bảo phù hợp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

b) Xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Trường hợp chủ hộ kinh doanh vận tải đồng thời là người lái xe điều khiển phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thì thực hiện các nhiệm vụ quy định tại: điểm c, điểm d khoản 1; điểm a khoản 2; khoản 3; khoản 4; điểm b khoản 5; khoản 6; điểm đ khoản 7 Điều 4 của Thông tư này.

Điều 6. Quy định chi tiết về xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông áp dụng đối với bến xe khách, bến xe hàng

Bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo trình tự các bước như sau:

1. Công việc thực hiện khi xe vào bến

Nhân viên bến xe và người lái xe phải thực hiện các công việc sau:

a) Kiểm tra, xác định phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động vận tải tại bến và xác nhận xe đến bến (áp dụng đối với bến xe khách);

b) Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí trả khách, trả hàng; cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe theo quy định;

c) Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí dừng đỗ theo quy định tại bến.

2. Công việc thực hiện trước khi xe vào vị trí đón khách (xếp hàng)

Trước khi cho phép xe vào vị trí đón khách, xếp hàng, nhân viên bến xe phải thực hiện kiểm tra và ghi chép vào sổ theo dõi xe ra, vào bến hoặc cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe các nội dung sau:

a) Kiểm tra xe ô tô gồm: giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực; phù hiệu dán trên kính xe còn hiệu lực và theo đúng quy định; có dữ liệu vị trí của xe tại bến xe trên hệ thống Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, camera (đối với loại xe yêu cầu bắt buộc phải lắp theo quy định) có hoạt động; bình chữa cháy; dụng cụ thoát hiểm (nếu có);

b) Kiểm tra người lái xe ô tô gồm: số lượng người lái xe kèm giấy phép người lái xe; thẻ tên, đồng phục (nếu có); lệnh vận chuyển hoặc giấy vận tải (giấy vận chuyển);

c) Kiểm tra nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến, kiểm tra việc niêm yết giá vé (áp dụng đối với bến xe khách); kiểm tra việc niêm yết các thông tin trên xe đảm bảo đầy đủ và theo đúng quy định;

d) Kiểm tra thông tin về biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), người lái xe phải đúng thông tin ghi trên lệnh vận chuyển, trên hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận tải (giấy vận chuyển) theo quy định; kiểm tra người lái xe đảm bảo không sử dụng rượu bia, chất ma túy (trường hợp đơn vị có thiết bị, dụng cụ kiểm tra). Đối với bến xe hàng còn phải kiểm tra thông tin về giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định trong trường hợp xe vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;

Khi nhân viên bến xe thực hiện kiểm tra phát hiện trường hợp cơ quan chức năng thu giữ giấy tờ của xe hoặc của người lái xe khi đang thực hiện lượt đi bị cơ quan chức năng thu giữ để xử lý vi phạm thì người lái xe được phép điều khiển phương tiện để hoạt động đến hết lượt về liền kề tiếp theo trên lệnh vận chuyển.

3. Công việc thực hiện khi xe vào vị trí đón khách, xếp hàng

a) Sau khi nhân viên bến xe hoàn thành việc kiểm tra các nội dung tại khoản 2 Điều này:

Trường hợp có nội dung kiểm tra không đảm bảo yêu cầu, thì tùy theo mức độ của từng hạng mục để yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe thực hiện khắc phục ngay hoặc bố trí xe hoặc người lái xe khác thay thế;

Trường hợp tất cả các nội dung kiểm tra đều đạt yêu cầu, nhân viên bến xe hướng dẫn người lái xe cho xe vào vị trí đón khách, xếp hàng theo thời gian quy định và thực hiện các công việc tiếp theo tại các điểm b và điểm c khoản này;

b) Đối với bến xe khách: thực hiện việc bán vé cho hành khách đi xe nếu đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe khách bán vé; giám sát quá trình xếp khách và hành lý lên xe trong khu vực bến để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống trên xe khách; đảm bảo việc xếp hàng hóa ký gửi trên xe được thực hiện đúng quy định và không xếp hàng hóa ký gửi trên khoang hành khách; đảm bảo trên xe không xếp quá số lượng người được phép chở; hành khách đi xe đều phải có vé và được sắp xếp đúng chỗ theo số ghi trên vé;

c) Đối với bến xe hàng: thực hiện việc giám sát quá trình xếp hàng và hành lý lên xe trong khu vực bến để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển hàng cấm vận chuyển; đảm bảo việc xếp hàng hóa trên xe được thực hiện đúng quy định. Khuyến khích các bến xe hàng trang bị các thiết bị kỹ thuật để phát hiện hàng cấm vận chuyển trong khu vực bến xe; xếp hàng hóa trên xe đảm bảo không vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; yêu cầu người xếp hàng ký xác nhận vào giấy vận tải (giấy vận chuyển) sau khi xếp hàng hoá lên xe;

d) Giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe.

4. Các công việc giải quyết cho xe xuất bến.

Trước khi cho xe xuất bến, nhân viên bến xe và người lái xe thực hiện các công việc sau:

a) Đối với bến xe khách: xác định tổng số vé đã bán được (trừ trường hợp đơn vị vận tải tự bán vé), người lái xe thực hiện việc thanh toán các khoản dịch vụ (trừ trường hợp thanh toán khác theo hợp đồng dịch vụ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý, khai thác bến xe) và cùng với nhân viên bến xe ký xác nhận, bàn giao các giấy tờ theo quy định. Kiểm tra và ký xác nhận các thông tin trên lệnh vận chuyển;

b) Đối với bến xe hàng: xác định khối lượng hàng hoá, loại hàng hoá đã xếp lên xe, người lái xe thực hiện việc thanh toán các khoản dịch vụ (trừ trường hợp thanh toán khác theo hợp đồng dịch vụ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý, khai thác bến xe) và cùng với nhân viên bến xe ký xác nhận, bàn giao các giấy tờ theo quy định. Kiểm tra và ký xác nhận các thông tin trên giấy vận tải (giấy vận chuyển);

c) Nhân viên bến xe chịu trách nhiệm ghi chép, xác nhận việc người lái xe đã thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định cho xe xuất bến. Cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe khi xe xuất bến theo quy định; tổng hợp những trường hợp không cho xe xuất bến theo quy định và tình hình an toàn giao thông tại bến xe.

5. Lộ trình áp dụng quy trình bảo đảm an toàn giao thông đối với bến xe

a) Đối với bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 áp dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành;

b) Đối với các loại bến xe khách còn lại và bến xe hàng áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Điều 7. Nhiệm vụ của Bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông

1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Kiểm tra, theo dõi các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện chế độ kiểm định kỹ thuật và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật phương tiện.

3. Quản lý, theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe, thông tin hình ảnh từ camera lắp trên xe để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm; sử dụng thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, thông tin hình ảnh từ camera lắp trên xe phục vụ cho hoạt động quản lý của đơn vị và cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin bắt buộc của từng xe ô tô khi có yêu cầu; theo dõi, đề xuất sửa chữa, thay thế kịp thời hư hỏng của thiết bị giám sát hành trình, của camera lắp trên xe; định kỳ tháng, quý, năm lập báo cáo các hành vi vi phạm của đội ngũ người lái xe thuộc đơn vị.

Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 12/2020/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/05/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 643 đến số 644
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH