Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Thông tư 05/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật phương pháp thăm dò trọng lực mặt đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Mục 1. CÔNG TÁC TRỌNG LỰC

Điều 13. Máy trọng lực

1. Trước khi thi công thực địa, các máy trọng lực đều phải được theo dõi ở trạng thái tĩnh, trạng thái động; chuẩn máy và xác định hằng số C.

2. Việc theo dõi máy ở trạng thái tĩnh, trạng thái động; chuẩn máy và xác định hằng số C phải được tiến hành trước khi thi công, sau 6 tháng thi công, sau khi sửa chữa và khi máy bị va đập mạnh.

3. Máy phải được bảo quản theo quy định của nhà sản xuất.

Điều 14. Điểm tựa trọng lực và mạng lưới điểm tựa trọng lực

1. Điểm tựa trọng lực và mạng lưới điểm tựa trọng lực được sử dụng để:

a) Loại trừ sai số tích luỹ tại các điểm thường;

b) Tính dịch chuyển điểm 0 và kiểm tra chất lượng các chuyến đo thường;

c) Đưa toàn bộ số liệu về một mức thống nhất.

2. Điểm tựa trọng lực phải bố trí ở những vị trí đi lại thuận lợi, yên tĩnh, dễ tìm, có các địa vật cố định và có mốc đánh dấu đảm bảo tồn tại ít nhất 5 năm. Điểm tựa phải có phiếu mô tả và ảnh chụp kèm theo.

3. Độ chính xác đo tại điểm tựa trọng lực phải cao hơn ít nhất 1,5 lần độ chính xác đo tại điểm thường. Có thể sử dụng một máy đo nhiều lần, hoặc đo bằng nhiều máy.

4. Mạng lưới tựa trọng lực bao gồm các đa giác khép kín, các cạnh tựa treo và phải được thành lập trước khi đo điểm thường. Độ dày mạng lưới điểm tựa phải đảm bảo sao cho các chuyến đo điểm thường có dịch chuyển điểm 0 của máy là tuyến tính.

5. Mạng lưới tựa trọng lực phải liên kết với điểm tựa trọng lực Quốc gia hoặc điểm trọng lực đo theo phương pháp tuyệt đối (g). Khi thăm dò nếu ở tỷ lệ từ 1:10.000 và lớn hơn, diện tích nhỏ hơn 70km2 hoặc tuyến đo ngắn hơn 20km, mạng lưới tựa có thể liên kết với một điểm tựa gốc quy ước trong vùng.

6. Mạng lưới tựa trọng lực thực hiện bằng những chuyến đo độc lập. Trong điều kiện địa hình phân cắt, giao thông khó khăn được phép bố trí một số cạnh tựa trọng lực treo. Các cạnh tựa trọng lực treo phải được liên kết với đa giác tựa trọng lực khép kín. Nếu cạnh tựa trọng lực treo có 2 đến 3 điểm thì phải đo móc xích. Số gia số trọng lực đo ở cạnh tựa trọng lực treo phải lớn hơn số gia số trọng lực đo trên cạnh tựa đa giác ít nhất 1,5 lần. Sai số đo trên cạnh tựa trọng lực treo phải đảm bảo như sai số trên cạnh tựa đa giác.

Điều 15. Mạng lưới điểm thường trọng lực

1. Điểm thường trọng lực là các điểm đo theo mạng lưới thiết kế, được bố trí rải đều trên diện tích, theo lộ trình hoặc theo tuyến.

2. Mỗi chuyến đo phải xuất phát và kết thúc ở điểm tựa. Vị trí điểm đo phải được đánh dấu sơn ở địa vật cố định ngoài thực địa, chấm điểm lên bản đồ thi công và lập phiếu mô tả điểm theo quy định.

3. Ở tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn, các điểm trọng lực được tiến hành trên tuyến định sẵn, đã đóng cọc và ghi số hiệu. Tuỳ theo độ chính xác đo đạc của dự án đặt ra, có thể đo 2 hoặc 3 lần độc lập tại mỗi điểm thường. Nếu đo bằng nhiều máy thì giá trị đo của mỗi máy là giá trị đo độc lập.

4. Mật độ điểm đo: Các điểm thường phải bố trí đúng mật độ quy định. Mật độ điểm đo quy định chung cho các loại bản đồ trọng lực tỷ lệ khác nhau từ 0,33 đến 1 điểm/cm2 của tỷ lệ bản đồ tương ứng. Độ dày mạng lưới cụ thể của mỗi tỷ lệ bản đồ theo dự án đã được phê duyệt.

5 Trình tự đo đạc: Các điểm thường được tiến hành đo hàng loạt trên diện tích đã đo xong mạng lưới điểm tựa. Trong trường hợp đặc biệt, cho phép đo một số chuyến thường trong khi đo tựa. Số điểm đo, chuyến đo như vậy phải được nêu rõ trong dự án.

6. Thời gian chuyến đo: Chuyến đo riêng biệt được tiến hành liên tục, không gián đoạn. Thời gian mỗi chuyến đo phải tiến hành trong khoảng dịch chuyển tuyến tính điểm 0 của máy .

7. Các giá trị đo đạc bằng máy trọng lực thạch anh được ghi vào sổ đo theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Mỗi điểm phải ghi 3 số đọc và tính giá trị trung bình.

8. Với các máy tự động ghi số phải thao tác kỹ thuật đúng theo quy trình mà lý lịch đã quy định cho từng loại máy đó. Mỗi chuyến đo đều phải ghi chép vào nhật ký chuyến đo. Sau mỗi ngày đo phải chuyển số liệu từ máy trọng lực sang máy tính để lưu giữ.

Thông tư 05/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật phương pháp thăm dò trọng lực mặt đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 05/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH