Hệ thống pháp luật

Điều 3 Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

Giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống.

2. Giống vật nuôi thuần chủng là giống ổn định về di truyền và năng suất; giống nhau về kiểu gen, ngoại hình và khả năng kháng bệnh.

3. Đàn giống cụ kỵ là đàn giống vật nuôi thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn, tạo, nuôi dưỡng để sản xuất ra đàn giống ông bà.

4. Đàn giống ông bà là đàn giống vật nuôi nhân từ đàn giống cụ kỵ để sản xuất ra đàn giống bố mẹ.

5. Đàn giống bố mẹ là đàn giống vật nuôi nhân từ đàn giống ông bà để sản xuất ra giống thương phẩm.

6. Đàn giống hạt nhân sử dụng trong nhân giống gia súc lớn là đàn giống tốt nhất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được nuôi dưỡng và chọn lọc theo một quy trình nhất định nhằm đạt được tiến bộ di truyền cao để sản xuất ra đàn nhân giống.

7. Đàn nhân giống sử dụng trong nhân giống gia súc lớn là đàn giống do đàn giống hạt nhân sinh ra để sản xuất giống thương phẩm hoặc được chọn lọc để bổ sung vào đàn giống hạt nhân.

8. Giống thương phẩm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống bố mẹ hoặc từ đàn nhân giống.

9. Giống giả là giống không đúng với tên giống đã ghi trên nhãn.

10. Chọn giống là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chọn lọc và giữ lại làm giống những cá thể có đặc điểm có lợi đáp ứng yêu cầu của con người.

11. Tạo giống là việc chọn và phối giống hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật di truyền khác để tạo ra một giống mới.

12. Cải tạo giống là việc làm thay đổi một hoặc nhiều đặc tính của giống hiện có bằng cách cho phối giống để có các đặc tính tương ứng tốt hơn.

13. Kiểm tra năng suất cá thể là việc đánh giá năng suất, chất lượng của con giống trước khi đưa vào sử dụng.

14. Hợp tử là tế bào được tạo ra do sự thụ tinh của tinh trùng và trứng.

15. Phôi là hợp tử đã phát triển ở các giai đoạn khác nhau.

16. Nguồn gen vật nuôi là những động vật sống hoàn chỉnh và các sản phẩm giống của chúng mang thông tin di truyền có khả năng tạo ra hay tham gia tạo ra giống vật nuôi mới.

17. Bảo tồn nguồn gen vật nuôi là việc bảo vệ và duy trì nguồn gen vật nuôi.

18. Khảo nghiệm giống vật nuôi là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi trong điều kiện và thời gian nhất định giống vật nuôi mới nhập khẩu lần đầu hoặc giống vật nuôi mới được tạo ra trong nước nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống đó.

19. Kiểm định giống vật nuôi là việc kiểm tra, đánh giá lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh của giống vật nuôi sau khi đưa ra sản xuất hoặc làm cơ sở công bố chất lượng giống vật nuôi phù hợp tiêu chuẩn.

20. Giống vật nuôi có gen đã bị biến đổi là giống vật nuôi có mang một tổ hợp mới vật liệu di truyền (ADN) nhận được qua việc sử dụng công nghệ sinh học hiện đại.

21. Giống vật nuôi nhân bản vô tính là giống vật nuôi được tạo ra bằng kỹ thuật nhân bản từ một tế bào sinh dưỡng.

22. Giống vật nuôi mới là giống mới được tạo ra hoặc giống mới được nhập khẩu lần đầu nhưng chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh.

Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004

  • Số hiệu: 16/2004/PL-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 24/03/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH