Hệ thống pháp luật

Chương 5 Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia năm 2004

Chương 5:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh về dự trữ quốc gia;

b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia theo thẩm quyền;

c) Quy định cụ thể về hệ thống tổ chức quản lý dự trữ quốc gia; chỉ đạo tổ chức và phối hợp các hoạt động liên quan đến dự trữ quốc gia;

d) Quyết định chiến lược, quy hoạch phát triển dự trữ quốc gia, kế hoạch dự trữ quốc gia;

đ) Xây dựng tổng mức dự trữ quốc gia, tổng mức tăng dự trữ quốc gia hàng năm trình Quốc hội;

e) Giao dự toán ngân sách chi cho dự trữ quốc gia; quyết định danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia từng loại hàng, phân công các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; định kỳ sáu tháng và hàng năm báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về danh mục hàng dự trữ quốc gia;

g) Quy định cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với hoạt động của ngành dự trữ quốc gia;

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

2. Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia;

b) Quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách;

c) Quyết định tỷ lệ giữa dự trữ quốc gia bằng hàng và dự trữ quốc gia bằng tiền;

d) Phê duyệt kế hoạch đặt hàng của Nhà nước về dự trữ quốc gia;

đ) Trong trường hợp cần thiết, quyết định điều chỉnh, bổ sung: danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ quốc gia và phân công các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;

e) Quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia do Chính phủ quy định.

Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự án luật, pháp lệnh và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự trữ quốc gia;

2. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự án chiến lược, quy hoạch phát triển dự trữ quốc gia, chính sách về dự trữ quốc gia;

3. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm, thời hạn bảo quản các mặt hàng dự trữ quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật khác về dự trữ quốc gia theo thẩm quyền;

4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tổng mức dự trữ quốc gia, tổng mức tăng dự trữ quốc gia, lập dự toán và phương án phân bổ vốn bổ sung dự trữ quốc gia hàng năm cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;

5. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch dự trữ quốc gia, đặt hàng của Nhà nước về dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia và mức dự trữ từng loại hàng để tổng hợp trình Chính phủ;

6. Tổ chức chỉ đạo, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện dự trữ quốc gia theo kế hoạch hàng năm và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xử lý theo thẩm quyền những vi phạm pháp luật về dự trữ quốc gia;

7. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch dự trữ quốc gia hàng năm được phê duyệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, định mức kinh tế - kỹ thuật, đặt hàng của Nhà nước, bảo đảm đủ nguồn tài chính dự trữ quốc gia cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; thẩm định và tổng hợp quyết toán ngân sách chi cho dự trữ quốc gia;

8. Ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về chế độ quản lý tài chính, ngân sách, quyết định giá giới hạn tối đa, giá giới hạn tối thiểu, giá bồi thường thiệt hại hàng dự trữ quốc gia và mức chi phí cho việc nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia; hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra về số lượng, chất lượng và giá trị hàng dự trữ quốc gia; thực hiện các quy định về quản lý, bảo quản, mua, bán, nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia;

9. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác dự trữ quốc gia;

10. Hợp tác quốc tế về dự trữ quốc gia;

11. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác quản lý dự trữ quốc gia;

12. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thẩm định chiến lược, quy hoạch phát triển dự trữ quốc gia trình Chính phủ;

2. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ kế hoạch dự trữ quốc gia, tổng mức dự trữ quốc gia, tổng mức tăng dự trữ quốc gia, lập dự toán và phương án phân bổ vốn bổ sung dự trữ quốc gia hàng năm cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia, mức dự trữ từng loại hàng; trình Thủ tướng Chính phủ đặt hàng của Nhà nước về dự trữ quốc gia;

3. Phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ dự án chiến lược, quy hoạch phát triển dự trữ quốc gia, chính sách dự trữ quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện dự trữ quốc gia theo kế hoạch và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia

Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch, đặt hàng của Nhà nước, danh mục hàng dự trữ quốc gia và mức dự trữ từng loại hàng;

2. Tổ chức chỉ đạo các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc thực hiện kế hoạch, hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước và quản lý dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật;

3. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách

Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; trực tiếp tổ chức quản lý hàng dự trữ quốc gia thuộc danh mục được Chính phủ giao; theo dõi việc quản lý toàn bộ hàng dự trữ quốc gia chuyên ngành được Chính phủ phân công cho các bộ, ngành quản lý;

2. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát việc nhập, xuất, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh này và việc thực hiện hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia của các đơn vị dự trữ quốc gia;

3. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định yêu cầu đặt hàng của Nhà nước về: danh mục, chủng loại mặt hàng, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, địa điểm để hàng, thời gian nhập và thời hạn bảo quản, định mức kinh tế - kỹ thuật, hao hụt, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia, các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; ký, thực hiện hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia và theo dõi, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ;

4. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định kinh phí quản lý, bảo quản cho các đơn vị trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị dự trữ quốc gia

Đơn vị dự trữ quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Bảo quản hàng dự trữ quốc gia bảo đảm đủ số lượng, đúng chất lượng, chủng loại hàng và tại các địa điểm đã quy định theo đặt hàng của Nhà nước;

2. Bảo đảm lượng tồn kho dự trữ quốc gia tại các điểm kho đáp ứng kịp thời yêu cầu huy động và thuận tiện trong mọi tình huống;

3. Chỉ được xuất hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của cấp có thẩm quyền;

4. Mở hệ thống sổ sách, chứng từ để theo dõi việc nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia và lưu trữ theo đúng chế độ quy định; định kỳ báo cáo việc nhập, xuất, tồn kho cho cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách và bộ, ngành chủ quản;

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ nhập, xuất, bảo vệ, bảo quản, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia, bảo đảm bí mật, an toàn các hoạt động dự trữ quốc gia tại địa phương;

2. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng hàng dự trữ quốc gia

1. Cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia được giao nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm thực hiện ngay việc xuất kho, vận chuyển, giao hàng tại địa điểm quy định, bảo đảm khẩn trương, kịp thời, đúng số lượng, chất lượng, thủ tục quy định.

2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, phân phối hàng đúng chế độ, chính sách, đúng đối tượng quy định; chấp hành chế độ quản lý tài chính, ngân sách, chế độ kế toán, thống kê và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ khi hoàn thành việc phân phối, phải báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia năm 2004

  • Số hiệu: 17/2004/PL-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 29/04/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH