Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Nghị quyết 351/2017/UBTVQH14 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước

Mục 1. KỸ THUẬT TRÌNH BÀY NỘI DUNG VĂN BẢN

Tiểu mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TRÌNH BÀY NỘI DUNG VĂN BẢN

Điều 17. Trình bày bố cục của văn bản

1. Việc sắp xếp các quy định về cùng một vấn đề trong phần, chương, mục, tiểu mục phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể;

b) Quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục;

c) Quy định về quyền và nghĩa vụ được trình bày trước quy định về chế tài;

d) Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù;

đ) Quy định chung được trình bày trước quy định ngoại lệ.

2. Việc trình bày bố cục của văn bản phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Phần là bố cục lớn nhất được trình bày trong văn bản; nội dung của các phần trong văn bản phải độc lập với nhau;

b) Chương là bố cục lớn thứ hai được trình bày trong văn bản hoặc trong phần của văn bản; các chương trong văn bản phải có nội dung tương đối độc lập, có tính hệ thống và lô-gích với nhau;

c) Mục là bố cục lớn thứ ba được trình bày trong chương của văn bản; việc phân chia các mục theo nội dung tương đối độc lập, có tính hệ thống và lô- gích với nhau;

d) Tiểu mục là bố cục lớn thứ tư được trình bày trong mục của văn bản; việc phân chia các tiểu mục theo nội dung tương đối độc lập, có tính hệ thống và lô-gích với nhau;

đ) Điều là bố cục cơ bản của văn bản. Nội dung của điều phải thể hiện đầy đủ, trọn ý và trọn câu, đúng ngữ pháp; trong điều có thể có khoản, điểm;

e) Khoản được trình bày trong điều khi nội dung của điều có các ý tương đối độc lập với nhau. Nội dung mỗi khoản phải được thể hiện đầy đủ một ý;

g) Điểm được trình bày trong khoản khi nội dung của khoản có nhiều ý tương đối độc lập với nhau. Nội dung mỗi điểm phải được thể hiện đầy đủ một ý.

Điều 18. Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản

1. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.

2. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế và phải được phiên âm sang tiếng Việt hoặc có thể sử dụng trực tiếp nếu là từ ngữ thông dụng, phổ biến.

3. Trong văn bản có từ ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì từ ngữ đó phải được giải thích.

4. Từ ngữ viết tắt chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên trong văn bản.

Đối với văn bản sử dụng nhiều từ viết tắt, có thể quy định riêng một điều giải thích toàn bộ các từ viết tắt trong văn bản.

5. Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp từ ngữ được sử dụng có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích rõ nghĩa được sử dụng trong văn bản.

6. Từ ngữ chỉ nội dung giống nhau phải được sử dụng thống nhất trong toàn bộ văn bản.

7. Chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt và theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 19. Trình bày số, đơn vị đo lường, ký hiệu, công thức trong văn bản

1. Số trong văn bản phải được thể hiện bằng số Ả Rập, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Số chỉ khóa Quốc hội, số chỉ thứ tự của phần, chương được thể hiện bằng số La Mã.

3. Tên và cách thức trình bày của đơn vị đo lường được thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường.

4. Ký hiệu, công thức trong văn bản có phần chú giải kèm theo.

Điều 20. Trình bày thời hạn, thời điểm

1. Trường hợp thời hạn được xác định bằng giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, năm thì được trình bày bằng số chỉ độ dài của thời hạn và đơn vị thời hạn.

2. Trường hợp thời điểm được xác định bằng giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, quý, năm thì được trình bày bằng số chỉ thời điểm và đơn vị thời điểm.

3. Đơn vị thời hạn, đơn vị thời điểm được thể hiện bằng chữ và được trình bày liền sau số chỉ độ dài của thời hạn, số chỉ thời điểm.

Điều 21. Trình bày các nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ tại chương hoặc điều quy định về điều khoản thi hành

1. Trường hợp văn bản được ban hành có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm, cụm từ, từ của các văn bản khác thì các nội dung này được trình bày tại chương hoặc điều quy định về điều khoản thi hành.

Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ được bố cục thành điều, khoản, điểm tùy theo phạm vi và mức độ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

2. Tại nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ phải xác định rõ phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

3. Trường hợp có nhiều văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản bị thay thế, bãi bỏ thì có thể lập phụ lục ban hành kèm theo văn bản được ban hành.

Điều 22. Trình bày quy định chuyển tiếp

Quy định chuyển tiếp được quy định thành điều riêng tại phần cuối của văn bản, được đặt tên là “Quy định chuyển tiếp” hoặc quy định thành khoản riêng tại các điều cần phải có quy định chuyển tiếp hoặc quy định thành khoản riêng tại điều quy định về hiệu lực thi hành.

Điều 23. Trình bày quy định về hiệu lực thi hành

Văn bản phải xác định cụ thể ngày, tháng, năm có hiệu lực thi hành.

Điều 24. Kỹ thuật viện dẫn văn bản

1. Việc viện dẫn văn bản có liên quan được thực hiện như sau:

a) Đối với văn bản được viện dẫn là luật, pháp lệnh, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản và số, ký hiệu văn bản;

b) Đối với văn bản khác, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản; số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi của văn bản.

2. Trường hợp viện dẫn đến phần hoặc chương thì phải xác định rõ phần, chương của văn bản đó.

Trường hợp viện dẫn đến chương nằm trong phần, mục nằm trong chương, tiểu mục nằm trong mục thì phải nêu đầy đủ tiểu mục, mục, chương, phần của văn bản đó.

3. Trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó.

Trường hợp viện dẫn đến khoản, điểm thì phải xác định rõ khoản, điểm thuộc điều cần viện dẫn của văn bản đó.

4. Trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, tiểu mục, điều này đến mục, tiểu mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.

Tiểu mục 2. TRÌNH BÀY VĂN BẢN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

Điều 25. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều

1. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều là văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một hoặc một số quy định của văn bản hiện hành. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều phải xác định rõ phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

2. Tên của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều gồm có tên loại văn bản có kèm theo cụm từ “sửa đổi, bổ sung một số điều của” và tên đầy đủ của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ toàn bộ đối với một phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm thì sau tên loại văn bản kèm theo cụm từ “sửa đổi” hoặc “bãi bỏ” và số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm và tên đầy đủ của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Điều 26. Bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều

1. Tùy theo nội dung, văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của một văn bản có thể được bố cục thành các điều như sau:

a) Điều quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung;

b) Điều khoản thi hành quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản; trách nhiệm tổ chức thực hiện (nếu có).

2. Các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Điều 27. Cách đánh số thứ tự của điều khoản bổ sung và trật tự các điều khoản của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều

1. Việc đánh số thứ tự của điều khoản bổ sung được thực hiện như sau:

a) Căn cứ vào nội dung bổ sung để xác định vị trí của điều khoản bổ sung trong văn bản được sửa đổi, bổ sung;

b) Đánh số thứ tự của điều khoản bổ sung bằng cách ghi kèm chữ cái theo bảng chữ cái tiếng Việt vào sau số chỉ điều khoản đứng liền trước đó;

c) Số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản được bổ sung được thế hiện gồm phần số và phần chữ. Phần số được thể hiện theo số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản trong văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều. Phần chữ được sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Số thứ tự của điểm được bổ sung được thể hiện gồm phần chữ và phần số. Phần chữ được thể hiện theo thứ tự của điểm trong văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều. Phần số được sắp xếp theo thứ tự bắt đầu từ số 1.

2. Việc trình bày văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều không được làm thay đổi thứ tự các điều khoản không bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ của văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Tiểu mục 3. TRÌNH BÀY VĂN BẢN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NHIỀU VĂN BẢN

Điều 28. Văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

1. Văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản là văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đồng thời các quy định của nhiều văn bản có liên quan.

2. Tùy theo nội dung được sửa đổi, bổ sung, tên của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản gồm có tên loại văn bản kèm theo cụm từ “sửa đổi, bổ sung một số điều của” văn bản được sửa đổi, bổ sung có cùng nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan được khái quát hoặc liệt kê cụ thể tên các văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Điều 29. Bố cục của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản

1. Tùy theo nội dung, văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có thể được bố cục thành các điều như sau:

a) Các điều quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung; trong đó mỗi điều chứa đựng nội dung được sửa đổi, bổ sung của một văn bản;

b) Điều quy định về việc sửa đổi những nội dung mang tính kỹ thuật (nếu có);

c) Điều khoản thi hành quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản; trách nhiệm tổ chức thực hiện (nếu có).

2. Nội dung các điều, khoản của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản phải xác định rõ tên văn bản; số thứ tự điều, khoản, điểm của các văn bản liên quan được sửa đổi, bổ sung.

Tên điều của văn bản là quy định chỉ dẫn việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ của từng văn bản cụ thể.

3. Điều của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản có thể được bố cục thành các khoản; khoản có thể được bố cục thành các điểm.

4. Khoản gồm quy định chỉ dẫn việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm kèm theo nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế.

5. Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với thứ tự điều, khoản, điểm của các văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Nghị quyết 351/2017/UBTVQH14 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước

  • Số hiệu: 351/2017/UBTVQH14
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/03/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 287 đến số 288
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH