Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 95/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Tiếp nhận hồ sơ

1. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện trình tự, thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:

a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật.

2. Thông báo kết quả tiếp nhận hồ sơ

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công chức tiếp nhận phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;

b) Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công chức tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung đến tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;

c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật, công chức tiếp nhận phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và lưu 01 bản;

d) Người được cơ quan, tổ chức, cá nhân cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

3. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn trả lời.

4. Khi thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này, đối với các thủ tục quy định các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ là bản sao thì khi nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xuất trình bản chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đối chiếu.

5. Phiếu lý lịch tư pháp quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

Điều 29. Biểu mẫu sử dụng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

1. Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục các biểu mẫu sử dụng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng biểu mẫu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 30. Điều khoản chuyển tiếp

1. Điều khoản chuyển tiếp đối với khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định này

Đối với các công trình liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã tồn tại trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng được thực hiện như sau:

a) Đối với các công trình do cộng đồng dân cư quản lý, khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng thì người đại diện cộng đồng dân cư là đại diện chủ đầu tư để thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về cải tạo, nâng cấp, xây dựng như công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo;

b) Đối với các công trình do tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo quản lý, khi cải tạo, nâng cấp thì người đại diện cho tổ chức là đại diện chủ đầu tư để thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về cải tạo, nâng cấp như công trình tôn giáo.

2. Các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Việc tiếp nhận tài trợ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định tại Điều 26 Nghị định này được thực hiện kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan

1. Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về tôn giáo; các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Trong việc thực hiện các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này, những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cùng cấp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, trừ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được quy định tại các Điều 13, 14 và Điều 15 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2024.

2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định này.

Điều 33. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định 95/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

  • Số hiệu: 95/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/12/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 57 đến số 58
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH