Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT

Điều 58. Xử phạt nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về Giấy phép lái tàu, bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lái tàu thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà không mang theo Giấy phép lái tàu hoặc sử dụng Giấy phép lái tàu quá hạn hoặc Giấy phép lái tàu không phù hợp với phương tiện điều khiển.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả hoặc không có Giấy phép lái tàu.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu bằng, chứng chỉ chuyên môn giả, Giấy phép lái tàu giả.

Điều 59. Xử phạt nhân viên điều độ chạy tàu; trưởng tàu; trực ban chạy tàu ga; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy toa xe; nhân viên tuần đường, cầu, hầm; nhân viên gác hầm, đường ngang, cầu chung; nhân viên kiểm tu theo tàu; nhân viên khách vận; nhân viên khám xe, thợ điện trên tàu vi phạm quy định về nồng độ cồn hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

2. Phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

c) Sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Điều 60. Xử phạt nhân viên đường sắt vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhân viên đường sắt có liên quan đến công tác chạy tàu, công tác phục vụ hành khách khi làm nhiệm vụ mà không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu, cấp hiệu, biển chức danh theo đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trưởng tàu để người đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đu bám ngoài thành toa xe, đầu máy, chỗ nối hai đầu toa xe;

b) Trưởng tàu hoặc lái tàu phụ trách đoàn tàu để người đi trên tàu hàng trái quy định;

c) Nhân viên phục vụ hành khách trên tàu để người bán hàng rong trên tàu, để người không có vé đi tàu, để người lên, xuống tàu khi tàu đang chạy;

d) Nhân viên tuần đường, tuần cầu, tuần hầm không kiểm tra, phát hiện kịp thời những hư hỏng của hầm, cầu, đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt hoặc đã phát hiện mà không có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, không báo cáo người có thẩm quyền giải quyết;

đ) Nhân viên đường sắt không tuân thủ quy trình tác nghiệp kỹ thuật gây chậm tàu.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều này mà xảy ra tai nạn giao thông đường sắt,

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải hướng dẫn người vi phạm về vị trí quy định.

Điều 61. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chở quá số người, quá tải trọng trên phương tiện giao thông đường sắt

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi bán vé vượt quá số chỗ được phép chở của toa xe tính trên mỗi hành khách bị vượt nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150.000.000 đồng, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa trên mỗi toa xe vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe trên 10% đến 40%.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa trên mỗi toa xe vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe trên 40% đến 100%.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức trực tiếp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa trên mỗi toa xe vượt quá tải trọng cho phép chở của toa xe trên 100%.

5. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của toa xe;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này buộc phải đưa xuống khỏi toa xe số hàng hóa chở quá tải trọng.

Điều 62. Xử phạt đối với lái tàu, phụ lái tàu

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phụ lái tàu không thực hiện đúng chế độ hô đáp, không giám sát tốc độ chạy tàu, không quan sát tín hiệu, biển báo, biển hiệu để báo cho lái tàu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với lái tàu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Rời vị trí lái máy khi đầu máy đang hoạt động;

b) Chở người không có trách nhiệm hoặc chở hàng hóa trên đầu máy;

c) Làm mất tác dụng của thiết bị cảnh báo để lái tàu tỉnh táo trong khi lái tàu;

d) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của tín hiệu, biển hiệu, của người chỉ huy chạy tàu;

đ) Không có hoặc có không đầy đủ cờ, đèn tín hiệu, pháo, chèn trên đầu máy khi lên ban theo quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với lái tàu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dừng tàu không đúng quy định mà không có lý do chính đáng;

b) Điều khiển tàu chạy vượt quá tín hiệu ngừng;

c) Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến 10 km/h.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/h đến 20 km/h;

b) Khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Khoản 6, Điểm a Khoản 7 Điều này.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với lái tàu điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.

6. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khi lên ban mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

c) Sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

8. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 01 tháng đến 03 tháng.

9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải đưa người, hàng hóa ra khỏi đầu máy.

Điều 63. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng lao động thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng nhân viên không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy phép phù hợp, không đủ tiêu chuẩn với chức danh mà nhân viên đó đang đảm nhận; sử dụng nhân viên không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

Điều 64. Xử phạt cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu theo quy định;

b) Không thực hiện đúng, đầy đủ quy chế tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ tuyển sinh từ 01 tháng đến 03 tháng.

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi và tiêu hủy bằng, chứng chỉ chuyên môn đã cấp trái phép.

Điều 65. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về xây dựng Quy tắc quản lý kỹ thuật ga, niêm yết Bản trích lục Quy tắc quản lý kỹ thuật ga, trạm đường sắt

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với Trưởng ga, Trưởng trạm không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ Bản trích lục Quy tắc quản lý kỹ thuật ga, trạm theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với Ga không thực hiện việc xây dựng Quy tắc quản lý kỹ thuật ga hoặc xây dựng nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

  • Số hiệu: 46/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/05/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 375 đến số 376
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH