Hệ thống pháp luật

Mục 5 Chương 2 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Mục 5. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không hướng dẫn hành khách đứng, nằm, ngồi đúng vị trí quy định trong xe;

b) Không thực hiện đúng quy định về tắt, bật sáng hộp đèn “TAXI”;

c) Không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên của lái xe theo quy định.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy;

b) Để người ngồi trên xe khi xe lên, xuống phà, cầu phao hoặc khi xe đang ở trên phà (trừ người già yếu, người bệnh, người khuyết tật);

c) Không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định;

d) Để người mắc võng nằm trên xe hoặc đu bám ở cửa xe, bên ngoài thành xe khi xe đang chạy;

đ) Sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa không bảo đảm an toàn; để rơi hành lý, hàng hóa trên xe xuống đường; để hàng hóa trong khoang chở hành khách;

e) Chở hành lý, hàng hóa vượt quá kích thước bao ngoài của xe;

g) Vận chuyển hàng có mùi hôi thối trên xe chở hành khách;

h) Điều khiển xe vận chuyển hành khách không có nhân viên phục vụ trên xe đối với những xe quy định phải có nhân viên phục vụ;

i) Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe;

k) Điều khiển xe taxi không sử dụng đồng hồ tính tiền cước hoặc sử dụng đồng hồ tính tiền cước không đúng theo quy định khi chở khách;

l) Điều khiển xe niêm yết hành trình chạy xe không đúng với hành trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

m) Điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để người lên, xuống xe khi xe đang chạy;

b) Sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;

c) Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền;

d) Xếp hành lý, hàng hóa trên xe làm lệch xe;

đ) Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách hoặc dừng đón, trả hành khách quá thời gian quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này;

e) Đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất, trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này;

g) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định;

h) Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển hoặc có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định;

i) Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có hoặc không mang theo Lệnh vận chuyển hoặc có mang theo Lệnh vận chuyển nhưng không ghi đầy đủ thông tin, không có xác nhận của bến xe hai đầu tuyến theo quy định;

k) Đón, trả hành khách không đúng địa điểm đón, trả hành khách được ghi trong hợp đồng, trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này;

l) Vận chuyển khách liên vận quốc tế theo tuyến cố định không có danh sách hành khách theo quy định hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 Nghị định này;

m) Chở hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải theo thiết kế của xe.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách trên xe chở hành khách;

b) Chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe;

c) Hành hung hành khách;

d) Điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ;

đ) Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

e) Điều khiển xe chở hành khách liên vận quốc tế không có hoặc không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia, phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi đón, trả hành khách trên đường cao tốc.

8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l, Điểm m Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều này (trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện) bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;

c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm đ, Điểm e Khoản 6 Điều này bị tịch thu phù hiệu (biển hiệu) đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều này (trường hợp chở hành khách) bị buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm m Khoản 3 Điều này (trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định) bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc không chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe.

2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng) và trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng;

b) Chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;

c) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy;

d) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe taxi tải không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định;

b) Chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%;

b) Điều khiển xe quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ;

c) Điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.

7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%.

8. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.

9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2; Điểm b Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;

c) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;

d) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này bị tịch thu phù hiệu đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2; Điểm b Khoản 4; Điểm a Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7; Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm.

Điều 25. Xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định;

b) Không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng, kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này bị tịch thu Giấy phép lưu hành đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này nếu gây hư hại cầu, đường còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Điều 26. Xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư, công trình quan trọng; không có báo hiệu hàng nguy hiểm theo quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Vận chuyển các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 23 Nghị định này.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải thực hiện đúng các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, bảo vệ môi trường; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Điều 27. Xử phạt người điều khiển xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không chạy đúng tuyến, phạm vi, thời gian quy định.

Điều 28. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 50%;

b) Xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe ô tô chở hành khách theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều này;

b) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng bản thân xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên cánh cửa xe ô tô tải theo quy định;

c) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng bản thân ô tô đầu kéo, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép kéo theo trên cánh cửa xe ô tô đầu kéo theo quy định; không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên rơ moóc, sơ mi rơ moóc theo quy định;

d) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh taxi tải, chữ taxi tải, tự trọng của xe, trọng tải được phép chở của xe ở mặt ngoài hai bên thành xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái xe taxi tải theo quy định;

đ) Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định trên xe ô tô chở hành khách về: Biển số xe; khối lượng hành lý miễn cước; số điện thoại đường dây nóng; khẩu hiệu “tính mạng con người là trên hết”;

e) Không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách theo quy định;

g) Sử dụng xe buýt có màu sơn khác với màu sơn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để kinh doanh vận tải bằng xe buýt;

h) Không lưu trữ theo quy định các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị;

i) Không lập hồ sơ lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe theo quy định;

k) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định;

l) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định hoặc có nhưng không duy trì hoạt động nghiệp vụ của bộ phận này theo quy định;

b) Không thực hiện việc đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều này;

c) Sử dụng loại xe ô tô chở người có thiết kế từ 10 chỗ ngồi trở lên làm xe taxi chờ hành khách;

d) Sử dụng xe taxi chở hành khách không có hộp đèn “TAXI” hoặc có nhưng không có tác dụng, không gắn cố định trên nóc xe theo quy định; không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định; không có thiết bị in hóa đơn được kết nối với đồng hồ tính tiền cước theo quy định.

đ) Sử dụng xe taxi chở hành khách không có hoặc có biểu trưng (lô gô), số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký của doanh nghiệp (hợp tác xã);

e) Không bố trí đủ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chở hành khách theo phương án kinh doanh đã đăng ký;

g) Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà không được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách và an toàn giao thông theo quy định (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ);

h) Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định;

i) Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng hoặc niên hạn sử dụng không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 16 Nghị định này;

k) Sử dụng người được giao trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;

l) Sử dụng phương tiện thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã theo quy định hoặc sử dụng phương tiện không thuộc quyền sử dụng hợp pháp để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

m) Không bảo đảm đủ số lượng phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh đã đăng ký; không có nơi đỗ xe theo quy định;

n) Bến xe không xác nhận hoặc xác nhận không chính xác, đầy đủ các thông tin trong Lệnh vận chuyển theo quy định hoặc xác nhận vào Lệnh vận chuyển khi xe không có ở bến;

o) Không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển khách tới Sở Giao thông vận tải trước khi thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định;

p) Sử dụng từ 02 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch;

q) Bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định;

b) Để xe ô tô không đủ điều kiện kinh doanh vận tải khách vào bến xe ô tô khách đón khách;

c) Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định;

d) Không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải;

đ) Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định;

e) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100%.

5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định;

b) Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải;

c) Thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc);

d) Bến xe không thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i, Điểm l, Điểm o, Điểm p, Điểm q Khoản 3; Điểm d, Điểm đ Khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có) đối với xe vi phạm;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3, Điểm b Khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng.

7. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm k Khoản 2; Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm g Khoản 3; Điểm c, Điểm đ Khoản 4 Điều này bị buộc phải niêm yết, cung cấp đầy đủ các thông tin, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, lắp đặt hộp đèn “TAXI”, đồng hồ tính tiền cước, thiết bị in hóa đơn, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều này (trường hợp thu tiền cước, tiền dịch vụ cao hơn quy định) bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;

c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm l Khoản 2, Điểm e Khoản 4 Điều này buộc phải hạ phần hàng xếp vượt quá tải trọng cho phép chở của xe trong trường hợp phương tiện được xếp hàng chưa rời khỏi khu vực xếp hàng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

  • Số hiệu: 46/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/05/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 375 đến số 376
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH