Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước được quy định tại Điều 31 của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng là nguồn nước được cộng đồng dân cư coi là nguồn nước linh thiêng hoặc là nơi tổ chức các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng.

2. Nguồn nước liên quan đến hoạt động bảo tồn văn hóa là đoạn sông, suối, kênh, rạch, hồ gắn liền với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa truyền thống của địa phương.

3. Nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học là nguồn nước gắn liền với môi trường sống thường xuyên hoặc theo mùa của các loài động, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

4. Sông, suối, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm:

a) Đoạn sông, suối, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp, làng nghề;

b) Sông, suối, kênh, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp;

c) Sông, suối, kênh, rạch có chức năng cấp, thoát nước nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tại các đô thị, khu dân cư tập trung;

d) Sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông.

5. Mép bờ của sông, suối, kênh, rạch là ranh giới giữa mái dốc tự nhiên của bờ sông, suối, kênh, rạch với mặt đất tự nhiên theo chiều ngang. Trường hợp sông, suối, kênh, rạch đã được kè bờ thì mép bờ là đỉnh của bờ kè. Mép bờ của đầm, phá, ao, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo không phải là hồ chứa thủy điện, thủy lợi do cơ quan lập phương án cắm mốc xác định trên cơ sở mực nước cao nhất; đối với đầm, phá ven biển thì xác định trên cơ sở mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm.

Điều 4. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng sau đây:

a) Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước;

b) Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;

c) Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;

d) Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

2. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Khoản 1 Điều này được xác định cho toàn bộ hành lang hoặc từng đoạn của hành lang theo yêu cầu bảo vệ nguồn nước.

3. Chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trong Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và là căn cứ để xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của Nghị định này.

Điều 5. Nguyên tắc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải bảo đảm việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.

4. Việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm công khai, dân chủ.

Điều 6. Các hành vi bị cấm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Các hành vi gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa.

2. Lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại.

Nghị định 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

  • Số hiệu: 43/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/05/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 553 đến số 554
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH