Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 6 Nghị định 40-CP năm 1996 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa

MỤC 2: TÍN HIỆU

Điều 60.- Quy tắc chung:

A. Về âm hiệu:

1. Mọi phương tiện hoạt động phải trang bị còi hoặc chuông, kẻng. 2. Phương tiện cơ giới có công suất máy từ 30CV trở lên, âm hiệu còi phải nghe thấy được ở tầm xa tối thiểu 500m.

3. Phương tiện cơ giới có công xuất máy dưới 30 CV, âm hiệu còi phải nghe thấy được ở tầm xa tối thiểu 300m.

4. Tiếng còi dài từ 4-6 giây, tiếng còi ngắn chừng 1 giây, khoảng cách giữa các tiếng còi chừng 1 giây.

5. Phương tiện thô sơ dùng còi, chuông, kẻng phải nghe rõ âm thanh ở tầm xa tối thiểu 100m.

B. Về đèn hiệu:

1. Ban đêm từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc và ban ngày trong trường hợp ngoài 300m không trông rõ, các phương tiện phải thắp đèn theo quy định. Các loại đèn phải thắp liên tục, không được chờ khi thấy một phương tiện đến gần mới thắp sáng, sau đó lại tắt.

2. Đặc điểm của đèn:

a. Cường độ sáng của các loại đèn những đêm tối, trời quang: Đèn trắng của phương tiện loại A cách xa 1500m phải trông rõ.

Đèn trắng của phương tiện loại C, D, E cách xa 100m phải trông rõ.

Đèn mầu của phương tiện loại A, B cách xa 100m phải trông rõ.

Đèn mầu của phương tiện loại C, E, F cách xa 800m phải trông rõ.

b. Khoảng chiếu của các loại đèn hành trình trên các phương tiện loại A, B, C quy định như sau:

Đèn trắng mũi trên phương tiện loại A: 225o theo trục dọc phương tiện về phía trước mũi, phân đều ra hai bên mạn.

Đèn xanh ve trên phương tiện loại A và C: 112o30' theo đường song song với trục dọc phương tiện từ phía trước mũi qua mạn bên phải. Đèn đỏ trên phương tiện loại A và C: 112 o 30' theo đường song song với trục dọc phương tiện từ phía trước mũi qua mạn bên trái.

Đèn nửa xanh, nửa đỏ: nửa xanh ve mạn phải, nửa đỏ mạn trái trên phương tiện loại B, phạm vi mỗi phần ánh sáng 180o theo trục dọc phương tiện.

Đèn trắng sau lái trên phương tiện loại A và C: 135o từ phía sau lái theo trục dọc phương tiện phân đều ra hai bên mạn.

c. Các đèn xanh ve và đèn đỏ trên phương tiện loại A và C phải có giá chắn để đứng ở phía mũi bên phải không nhìn thấy đèn đỏ, đứng ở phía mũi bên trái không nhìn thấy đèn xanh ve.

Ngoài các đèn quy định cho phương tiện loại A, B, C của Điều này, các đèn khác quy định trong Nghị định này đều sáng bốn phía (360o).

C. Về dấu hiệu:

Các dấu hiệu phải treo từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn ở chỗ nhìn thấy rõ nhất, mầu sắc phải rõ ràng.

D. Về cờ hiệu:

Ý nghĩa của cờ hiệu tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị định này.

Điều 61.- Tín hiệu điều động:

1. Phương tiện đang chạy, khi trông thấy phương tiện khác, phải phát âm hiệu điều động thích hợp báo phía đi của mình:

a. Một tiếng ngắn có nghĩa là tôi đi bên phải của tôi. b. Hai tiếng ngắn có nghĩa là tôi đi bên trái của tôi.

c. Ba tiếng ngắn có nghĩa là tôi đang chạy lùi.

2. Ngoài những âm hiệu như quy định tại khoản 1 của Điều này, phương tiện có thể phát đồng thời tín hiệu ánh sáng:

a. Một chớp đèn có nghĩa là tôi đi bên phải của tôi. b. Hai chớp đèn có nghĩa là tôi đi bên trái của tôi.

c. Ba chớp đèn có nghĩa là tôi đang chạy lùi.

Mỗi chớp đèn kéo dài 1 giây, khoảng cách giữa các chớp khoảng 1 giây.

Đèn sử dụng để phát tín hiệu này phải là đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía, nhìn thấy ở khoảng cách ít nhất là 1000m.

Điều 62.- Tín hiệu thông báo:

Phương tiện thông báo tình trạng hoạt động của mình bằng âm hiệu như sau:

1. Bốn tiếng ngắn: gọi các phương tiện khác đến giúp đỡ.

2. Năm tiếng ngắn: không thể nhường đường được.

3. Một tiếng dài: chú ý, coi chừng, xin đường.

4. Hai tiếng dài: dừng lại.

5. Ba tiếng dài: sắp cập bến, rời bến, chào nhau.

6. Bốn tiếng dài: xin mở cầu, cống, âu.

7. Ba tiếng ngắn, tiếp theo ba tiếng dài, tiếp theo ba tiếng ngắn: có người ngã xuống nước.

8. Một tiếng dài, tiếp theo hai tiếng ngắn: phương tiện bị mắc cạn, phương tiện đo lưu lượng nước, phương tiện đang thi công công trình.

9. Hai tiếng dài, tiếp theo hai tiếng ngắn: phương tiện không làm chủ được sự điều động của mình.

10. Thuyền buồm: một tiếng ngắn được gió mạn phải, hai tiếng ngắn được gió mạn trái, ba tiếng ngắn được gió sau lái.

Điều 63.- Tín hiệu khi tầm nhìn xa hạn chế:

1. Khi có sương mù, mưa to hay có khói cách 300m không trông rõ các phương tiện phải phát âm hiệu sau:

a. Cách hai phút phát một tiếng dài: phương tiện đi chậm hay đã tắt máy nhưng còn trớn.

b. Cách hai phút phát hai tiếng dài: phương tiện đã tắt máy và không còn trớn.

2. —m hiệu phải phát liên tục đến khi trông rõ ở khoảng cách 300m.

Điều 64.- Phân loại phương tiện để bố trí tín hiệu:

Các phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa được chia ra 6 loại như sau:

Loại A: Phương tiện cơ giới có công suất máy từ 30 CV trở lên.

Loại B: Phương tiện cơ giới có công suất máy dưới 30CV.

Loại C: Sà lan, thuyền trọng tải từ 20 tấn trở lên.

Loại D: Sà lan, thuyền trọng tải dưới 20 tấn.

Loại E: Bè dài trên 25m, rộng trên 5m.

Loại F: Bè dài từ 25m, rộng từ 5m trở xuống.

Điều 65.- Đèn hành trình của các loại phương tiện đi một mình:

1. Loại A:

a. Một đèn trắng mũi trên trục dọc của tầu cao ít nhất 3m so với mặt nước khi tàu chở đủ tải.

b. Hai đèn mạn: đèn xanh ve bên phải, đèn đỏ bên trái, đặt ngang nhau gần với mặt phẳng thẳng đứng của mạn tàu. Vị trí đèn mạn phải đặt thấp hơn ít nhất 1/4 chiều cao đèn trắng mũi.

c. Một đèn trắng sau lái.

2. Loại B:

Một đèn nửa xanh, nửa đỏ sáng khắp bốn phía trên trục dọc của tàu cao ít nhất 2m so với mặt nước khi tàu chở đủ tải, đặt ở vị trí nhìn thấy rõ nhất.

3. Loại C:

a. Hai đèn mạn: đèn xanh ve bên phải, đèn đỏ bên trái.

b. Một đèn trắng sau lái.

4. Loại D:

Một đèn trắng sáng khắp bốn phía cao ít nhất 2m so với mặt boong.

5. Loại E:

a. Một đèn đỏ ở giữa bè.

b. Hai đèn trắng trên trục dọc giữa bè, một ở đầu, một ở cuối bè. Nếu bè rộng trên 15m thì bỏ đèn trắng ở trục dọc và thắp bốn đèn trắng ở bốn góc bè.

Các đèn trên, cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m.

6. Loại F:

Một đèn đỏ giữa bè, cao hơn mặt nước ít nhất 1,5m.

Điều 66.- Tín hiệu trên đoàn tàu kéo:

1. Tín hiệu trên tàu kéo (là phương tiện loại A).

a. Ngoài những đèn hành trình quy định, ngay khi bắt dây lai, tầu kéo phải thắp thêm những đèn sau đây:

Một đèn trắng trên đèn trắng mũi, tổng cộng là hai đèn trắng mũi, nếu đoàn tàu kéo dài dưới 100m (tính từ mũi tầu kéo đến lái của phương tiện bị lai đi cuối cùng).

Hai đèn trắng trên đèn trắng mũi, tổng cộng là ba đèn trắng mũi, nếu đoàn lai dài từ 100 m trở lên.

Các đèn trắng thắp thêm phải cùng một kiểu với đèn trắng mũi, chiếc nọ đặt trên chiếc kia, cách nhau 1m trên trục thẳng đứng.

b. Ban ngày, mỗi đèn trắng mũi thay bằng một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

2. Tín hiệu trên tầu kéo (là phương tiện loại B):

a. Ngoài đèn nửa xanh, nửa đỏ, ngay khi bắt dây lai, tầu kéo phải lắp thêm một đèn trắng phạm vi chiếu sáng 360o trên cùng trục thẳng đứng và cao hơn đèn nửa xanh nửa đỏ 0,5m.

b. Ban ngày, thay vào vị trí đèn trắng và đèn nửa xanh nửa đỏ bằng hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

3. Tín hiệu trên phương tiện bị lai:

a. Phương tiện loại A và C chỉ thắp đèn mạn, chiếc cuối cùng thắp thêm một đèn trắng sau lái, sáng bốn phía, cách xa 1000m phải nhìn rõ cao ít nhất 3m tính từ mặt boong của phương tiện đó.

Nếu lai nhiều hàng, các phương tiện ở hàng ngoài cùng chỉ thắp một đèn mạn tương ứng theo phía của mình. Những chiếc ở không phải thắp đèn.

b. Phương tiện loại B, D, E, F thắp đèn như khi đi một mình.

c. Trường hợp tầu chỉ kéo theo một thuyền, trên thuyền không có người và từ lái thuyền đến lái của tàu không quá 6m thì thuyền không phải thắp đèn.

Điều 67.- Tín hiệu trên đoàn tầu lai áp mạn.

1. Tín hiệu trên tàu lai (là phương tiện loại A)

a. Ban đêm, ngoài các đèn quy định cho phương tiện loại mình, tàu lai phải thắp thêm một đèn trắng cao hơn đèn trắng mũi 1m cùng kiểu với đèn trắng mũi.

b. Ban ngày, mỗi đèn trắng mũi được thay bằng một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

2. Tín hiệu trên tàu lai (là phương tiện loại B)

Thực hiện như quy định đối với tàu kéo tại khoản 2 Điều 65.

3. Tín hiệu trên phương tiện bị lai:

a. Nếu là phương tiện loại A và C thắp đèn mạn và đèn lái.

b. Nếu là phương tiện loại B, D và F thì chiếc ngoài cùng thắp đèn như khi đi một mình. Các phương tiện ở giữa không phải thắp đèn.

c. Nếu là bè loại E thì chỉ thắp một đèn đỏ ở giữa bè, hai đèn trắng ở hai góc ngoài. Các đèn phải cao hơn mặt bè ít nhất là 1,5m.

Điều 68.- Tín hiệu trên đoàn tàu đẩy:

1. Tín hiệu trên tầu đẩy (là phương tiện loại A)

a. Ban đêm, ngoài các đèn quy định cho phương tiện loại mình, tàu đẩy phải thắp thêm một đèn xanh, phạm vi chiếu sáng 360o đặt cao hơn đèn trắng mũi 1m, cách xa 1000m phải nhìn thấy rõ.

b. Ban ngày, thay đèn xanh bằng một dấu hiệu gồm hai hình tam giác đều, đỉnh hướng lên trên, màu đen, mỗi cạnh 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

2. Tín hiệu trên tàu đẩy (là phương tiện loại B)

a. Ban đêm, ngoài các đèn quy định cho loại phương tiện của mình, phải thắp thêm một đèn xanh phạm vi chiếu sáng 360o đặt cao hơn đèn nửa xanh, nửa đỏ 0,5m, cách xa 1000m phải nhìn thấy rõ.

b. Ban ngày, treo tín hiệu như quy định tại khoản 1 của Điều này.

3. Tín hiệu trên phương tiện bị đẩy:

a. Nếu là phương tiện loại A và C, đèn xanh ve mạn phải, đèn đỏ mạn trái, chỉ thắp ở tầm phương tiện đi đầu, các tầm khác không phải thắp đèn mạn. Các phương tiện bị đẩy không phải thắp đèn lái.

b. Nếu là phương tiện loại B, tầm đi đầu thắp đèn như khi đi một mình.

c. Nếu ghép hàng đôi thì phương tiện ở bên nào chỉ thắp đèn mạn ngoài theo quy định cho bên đó, mạn trong không phải thắp đèn.

Điều 69.- Tín hiệu trên đoàn tàu lai hỗn hợp:

1. Tín hiệu trên tàu lai:

a. Tín hiệu trên tàu lai chính (là phương tiện loại A)

Ngoài các đèn quy định cho phương tiện loại mình, tàu lai chính phải thắp thêm hai đèn xanh cùng cột thẳng đứng với đèn trắng mũi. Phạm vi chiếu sáng 360o, đặt ở trên và dưới đèn trắng mũi, cách đèn trắng mũi 1m.

Ban ngày, thay mỗi đèn trên bằng một dấu hiệu gồm hai hình chữ nhật màu đen, có kích thước 0,3mx0,6m ghép theo kiểu múi khế.

b. Tín hiệu trên tàu lai chính (là phương tiện loại B)

Ban đêm, ngoài đèn quy định cho phương tiện loại mình, tàu lai chính phải thắp thêm hai đèn xanh cách nhau 0,5m cùng cột thẳng đứng với đèn nửa xanh, nửa đỏ, phạm vi chiếu sáng 360o; đặt cao hơn đèn nửa xanh nửa đỏ 0,5m, cách xa 1000m phải nhìn thấy rõ.

Ban ngày, treo tín hiệu như quy định tại khoản 1 của Điều này.

2. Tín hiệu trên tàu hỗ trợ:

Tuỳ theo vị trí của tầu hỗ trợ kéo, đẩy hay áp mạn, sử dụng tín hiệu ban đêm và ban ngày theo quy định đối với tàu kéo, đẩy hay áp mạn là phương tiện loại A hoặc B (quy định tại Điều 66, Điều 67, Điều 68).

3. Tín hiệu trên phương tiện bị lai:

Ban đêm chỉ thắp một đèn mạn ngoài, quy định cho bên đó ở các phương tiện ngoài cùng. Các phương tiện ở giữa không phải thắp đèn.

Điều 70.- Tín hiệu trên các phương tiện không làm chủ được sự điều động của mình:

a. Phương tiện cơ giới không làm chủ được sự điều động của mình ban đêm phải thắp một đèn đỏ đặt ở trên cao, nơi có thể nhìn thấy rõ nhất. Nếu còn trớn phải thắp thêm đèn mạn và đèn lái (đối với phương tiện loại A); đèn nửa xanh, nửa đỏ (đối với phương tiện loại B).

b. Ban ngày, thay đèn đỏ bằng một dấu hiệu gồm hai hình thoi góc vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

Điều 71.- Tín hiệu trên phương tiện neo:

Phương tiện dài từ 45m trở xuống, thắp ở phía mũi một đèn trắng, cao hơn mặt boong ít nhất 2m.

Phương tiện dài trên 45m thắp thêm ở đằng lái một đèn trắng và thấp hơn đèn trắng mũi 1m.

Trường hợp phương tiện neo trong luồng hẹp thì phải thắp thêm một đèn trắng ở chỗ phương tiện nhô ra gần luồng nhất.

Các bè neo ở ngoài bến thắp một đèn đỏ ở giữa bè và phía luồng tàu chạy hai đèn trắng ở góc bè.

Ban ngày, các phương tiện neo treo ở phía mũi một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen, đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

Điều 72.- Tín hiệu trên phương tiện bị mắc cạn trên luồng đi:

1. Trong luồng đi, nếu có phương tiện bị mắc cạn và nếu một bên luồng còn có thể đi được thì phải thắp ở vị trí cột đèn một đèn đỏ trên đèn xanh, cách nhau 1m.

Ban ngày, thay đèn đỏ và đèn xanh bằng một dấu hiệu gồm hai hình vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

Phía luồng còn đi được treo một đèn trắng cao hơn mặt boong chính 1m (nếu phương tiện dài từ 45m trở xuống); hai đèn trắng (nếu phương tiện dài trên 45m); đèn trắng thứ hai cao hơn đèn trắng thứ nhất 1m.

2. Trường hợp luồng bị chắn hết lối đi thì phải thắp hai đèn đỏ, chiếc nọ trên chiếc kia, cách nhau 1m.

Ban ngày, thay hai đèn đỏ bằng hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

Nếu tại nơi luồng giao nhau hay quãng sông khúc khuỷu không nhìn xa được 500m, các phương tiện bị mắc cạn phải bố trí người canh gác và phát tín hiệu như quy định tại khoản 8 Điều 62 của Nghị định này.

Những tín hiệu trên phải được người điều khiển phương tiện thi hành ngay sau khi phương tiện bị mắc cạn.

Điều 73.- Tín hiệu của phương tiện làm công tác trên đường thuỷ nội địa:

Các phương tiện làm nhiệm vụ về luồng lạch, thuỷ văn, thi công công trình phải được báo hiệu như phương tiện bị mắc cạn (Điều 72).

Điều 74.- Tín hiệu trên phương tiện chuyên chở hành khách:

1. Phương tiện cơ giới chuyên chở hành khách:

Ban đêm, ngoài những đèn quy định cho phương tiện loại A, loại B đi một mình, phải thắp thêm một đèn trắng nhấp nháy (1 giây tối, 1 giây sáng) liên tục trong thời gian hành trình, tầm nhìn xa tối thiểu 1000m thấy được ánh sáng đèn. Đèn trắng nhấp nháy đặt cao hơn đèn trắng mũi 1m (đối với phương tiện loại A) và cao hơn đèn nửa xanh, nửa đỏ 0,5m (đối với phương tiện loại B).

2. Phương tiện thô sơ chuyên chở hành khách:

Ban đêm phải thắp hai đèn trắng trên cùng một trục thẳng đứng cách nhau 0,5m.

Điều 75.- Tín hiệu trên phương tiện chở chất dễ cháy, dễ nổ:

Ngoài những đèn quy định cho loại mình khi đi một mình, phải thắp thêm một đèn đỏ cạnh cột đèn, cao hơn đèn trắng mũi ít nhất 1m. Thuyền và sà lan treo đèn đỏ ở đằng mũi, cao hơn mặt boong ít nhất 3m.

Ban ngày thay đèn đỏ bằng cờ chữ "B".

Điều 76.- Tín hiệu trên các tàu thuyền đánh cá và tín hiệu trên đăng đáy cá:

1. Tín hiệu trên các tàu, thuyền đánh cá:

Tầu, thuyền đánh cá ban đêm phải thắp ở đằng lái một đèn trắng mũi và ở phía có lưới một đèn đỏ thấp hơn đèn trắng. Đèn đỏ phải cao hơn mặt nước ít nhất 2m. Khi còn trớn tầu, thuyền đánh cá phải thắp đèn mạn và đèn lái (đối với phương tiện loại A) hoặc đèn nửa xanh, nửa đỏ (đối với phương tiện loại B).

Ban ngày, thay đèn đỏ bằng một dấu hiệu gồm bốn hình tam giác đều, cạnh 0,3m, màu trắng, ghép theo kiểu múi khế thành hai cặp đối đỉnh nhau.

Tầu, thuyền có chiều dài dưới 20m có thể thay dấu hiệu trên bằng một dấu hiệu gồm hai hình tròn, màu trắng, đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

2. Tín hiệu của đăng đáy cá:

a. Nếu đăng đáy đóng từng hàng ngang, dọc theo luồng và dài dưới 30m thì mỗi đầu đáy thắp một đèn đỏ, nếu dài trên 30m thì cứ 30m thắp một đèn đỏ. Ban ngày mỗi đèn thay bằng hai hình tròn đen đường kính 0,30m ghép theo kiểu múi khế. Đèn và dấu hiệu phải treo cao ít nhất là 1,50m trên mặt nước.

b. Nếu đăng, đáy đóng ngang luồng thì cũng thắp đèn và treo dấu hiệu như trên, nhưng hai bên lối đi phải thắp thêm mỗi bên một đèn trắng cao hơn đèn đỏ 1,00m. Ban ngày mỗi đèn trắng thay bằng một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3m ghép theo kiểu múi khế.

Điều 77.- Tín hiệu trên phương tiện báo có người ngã xuống nước:

Khi có người ngã xuống nước, phương tiện phải thắp một đèn xanh giữa hai đèn đỏ trên cùng một trục dọc thẳng đứng, mỗi đèn cách nhau 1m. Đèn đỏ dưới đặt cao hơn mặt boong chính 1m, đồng thời phát âm hiệu ba tiếng ngắn, tiếp theo ba tiếng dài, tiếp theo ba tiếng ngắn. Ban đêm dùng đèn, đồng thời với âm hiệu trên.

Ban ngày treo cờ chữ "O" trên cột đèn và cũng phát âm hiệu như trên.

Điều 78.- Tín hiệu trên phương tiện xin cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông:

Muốn xin cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa lên phương tiện, ngoài những đèn quy định phải thắp thêm một đèn xanh trên một đèn đỏ cách nhau 1m. Ban ngày kéo cờ xanh ve.

Điều 79.- Tín hiệu trên phương tiện có người hay súc vật mắc bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch:

Ban đêm treo một đèn vàng trên đỉnh cột đèn.

Ban ngày treo cờ chữ "Q" trên cờ chữ "L".

Điều 80.- Tín hiệu trên phương tiện bị nạn xin cấp cứu:

Ban ngày treo cờ chữ "N" trên cờ chữ "C" và phát một hay đồng thời các âm hiệu sau đây:

Đánh liên hồi chuông hay kẻng;

Phát những tiếng còi ngắn liên tiếp.

Ban đêm, cũng phát những âm hiệu như trên đồng thời dùng đèn đỏ nhấp nháy liên tục.

Điều 81.- Tín hiệu gọi các phương tiện để kiểm tra:

Cảnh sát giao thông trật tự có thẩm quyền muốn kiểm tra phương tiện thì dùng đồng thời các tín hiệu sau:

Ban ngày treo cờ chữ "K", phát âm hiệu một tiếng còi dài tiếp theo một tiếng còi ngắn và một tiếng còi dài;

Ban đêm phát âm hiệu như trên và thắp một đèn xanh trên một đèn trắng, cách nhau 0,6m

Nghị định 40-CP năm 1996 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa

  • Số hiệu: 40-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/07/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/09/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH