Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Chương IV

QUẢN LÝ NGƯỜI THAM GIA BÁN HÀNG ĐA CẤP

Điều 28. Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp

1. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:

a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;

c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 29. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp.

2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, thông tin liên hệ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú (hoặc đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài), nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người tham gia bán hàng đa cấp; số giấy phép lao động trong trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp là người nước ngoài;

c) Họ tên, mã số của người giới thiệu (người bảo trợ);

d) Thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp;

đ) Thông tin về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên, đảm bảo tuân thủ các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

g) Quy định thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng;

h) Quy định về việc mua lại hàng hóa;

i) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và nghĩa vụ phát sinh kèm theo;

k) Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng.

3. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức sau:

a) Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, cỡ chữ ít nhất là 12;

b) Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng phải tương phản nhau.

Điều 30. Chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

1. Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng ít nhất là 10 ngày làm việc.

2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm các quy định tại Điều 41 Nghị định này.

3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận trong quá trình tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Điều 31. Chương trình đào tạo cơ bản

1. Chương trình đào tạo cơ bản là chương trình đào tạo bắt buộc dành cho người tham gia bán hàng đa cấp.

2. Nội dung đào tạo cơ bản bao gồm các nội dung sau:

a) Pháp luật về bán hàng đa cấp;

b) Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp;

c) Các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng;

d) Cơ chế đánh giá việc hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản phù hợp với nội dung và phương thức đào tạo.

3. Thời lượng đào tạo tối thiểu là 08 giờ.

Điều 32. Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp

1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm tham gia và nắm bắt đầy đủ các nội dung của chương trình đào tạo cơ bản.

3. Chỉ những người được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ định làm Đào tạo viên mới được thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.

4. Chương trình đào tạo cơ bản có thể được thực hiện thông qua các phương thức đảm bảo khả năng tương tác trong quá trình đào tạo, bao gồm:

a) Đào tạo trực tiếp;

b) Đào tạo từ xa.

5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp và xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp.

6. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm thời gian, cách thức, địa điểm (nếu có) và kết quả đào tạo.

7. Khi có thay đổi liên quan tới nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo bổ sung hoặc thông báo cho người tham gia bán hàng đa cấp qua trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Điều 33. Thẻ thành viên

1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được cấp Thẻ thành viên cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản và có cam kết bằng văn bản theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cấp miễn phí Thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp.

3. Thẻ thành viên bao gồm các nội dung sau:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Thông tin liên hệ của doanh nghiệp;

c) Ảnh của người tham gia bán hàng đa cấp;

d) Thông tin của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm: Tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thành viên hoặc số thẻ, ngày cấp thẻ, nơi cấp thẻ.

4. Thẻ thành viên hết hiệu lực khi hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt.

5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm công bố công khai việc chấm dứt hiệu lực của Thẻ thành viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Điều 34. Đào tạo viên

1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chỉ định Đào tạo viên để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình.

2. Điều kiện đối với Đào tạo viên:

a) Đã được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 38 Nghị định này;

b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

3. Những trường hợp sau không đủ điều kiện trở thành Đào tạo viên:

a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;

c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

4. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lập danh sách Đào tạo viên, lưu trữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương.

5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cập nhật danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi trong danh sách Đào tạo viên.

6. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Đào tạo viên trong quá trình thực hiện đào tạo cơ bản.

Điều 35. Đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

1. Nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bao gồm:

a) Quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, pháp luật về quảng cáo, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp.

2. Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải được Bộ Công Thương công nhận.

Điều 36. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

1. Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận;

b) Bản sao quyết định thành lập cơ sở có chức năng đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;

c) Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp;

d) Danh sách bao gồm ít nhất 02 giảng viên có trình độ từ đại học trở lên.

2. Trình tự, thủ tục công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận, Bộ Công Thương xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo bổ sung hồ sơ;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận hợp lệ, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định công nhận.

3. Quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có thời hạn hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký.

4. Bộ Công Thương quy định khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

Điều 37. Hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

1. Tổ chức đào tạo:

a) Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tiến hành đào tạo theo đúng nội dung, chương trình đã được công nhận và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản về kết quả đào tạo tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo.

2. Lưu trữ hồ sơ:

Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Hồ sơ lưu trữ gồm:

a) Hồ sơ nhập học của học viên, danh sách học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo của từng khóa đào tạo;

b) Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho mỗi khóa đào tạo;

c) Hồ sơ quản lý việc cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

3. Kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp:

a) Trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo tổng kết hoạt động đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của năm trước đó (bao gồm kết quả đào tạo, kiểm tra và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp) tới Bộ Công Thương;

b) Hàng năm, Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc đào tạo và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

Căn cứ kết quả kiểm tra, tùy theo mức độ sai phạm, Bộ Công Thương có thể yêu cầu cơ sở đào tạo khắc phục sai phạm hoặc tạm đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

c) Bộ Công Thương thu hồi, đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong các trường hợp sau: Cơ sở đào tạo bị giải thể; cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ hoặc các sai phạm không thể khắc phục được.

Điều 38. Xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

1. Người đã hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp do Bộ Công Thương tổ chức.

2. Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

3. Bộ Công Thương quy định cụ thể việc kiểm tra, cấp, thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

Điều 39. Trình tự, thủ tục cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp;

b) Danh sách những người được đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bao gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân;

c) 02 ảnh kích thước 3 x 4cm của những người trong danh sách quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) 01 Bản sao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả.

Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

  • Số hiệu: 40/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/03/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 469 đến số 470
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH