Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

Mục 2. HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG

Điều 98. Tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên lao động

1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.

2. Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.

3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

4. Được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động.

5. Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.

Điều 99. Bổ nhiệm trọng tài viên lao động

1. Căn cứ số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động và tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên lao động quy định tại Điều 98 Nghị định này, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đề cử người tham gia làm trọng tài viên lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề cử người tham gia làm trọng tài viên lao động của Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, thẩm định, đồng thời đề cử người tham gia làm trọng tài viên lao động để tổng hợp chung, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm trọng tài viên lao động.

Việc đề cử người tham gia làm trọng tài viên lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải bảo đảm đúng thành phần quy định tại điểm a khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động để bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động.

3. Hồ sơ đề cử bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan đề cử;

b) Đơn đề nghị tham gia làm trọng tài viên lao động của người được đề cử;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

d) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;

đ) Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm trọng tài viên lao động để tham gia Hội đồng trọng tài lao động.

Thời gian bổ nhiệm của trọng tài viên lao động theo nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động. Trong nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động, nếu có sự bổ sung, thay thế đối với trọng tài viên lao động bị miễn nhiệm theo quy định tại Điều 100 Nghị định này thì thời gian bổ nhiệm đối với trọng tài viên lao động được bổ sung, thay thế được tính theo thời gian còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng trọng tài lao động.

Khi kết thúc thời gian bổ nhiệm, trọng tài viên lao động đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 98 Nghị định này và được các cơ quan quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động tiếp tục đề cử thì được xem xét bổ nhiệm lại làm trọng tài viên lao động theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều này.

Điều 100. Miễn nhiệm trọng tài viên lao động

1. Trọng tài viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có đơn xin thôi làm trọng tài viên lao động;

b) Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 98 Nghị định này;

c) Cơ quan đề cử có văn bản đề nghị miễn nhiệm, thay thế trọng tài viên lao động;

d) Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên lao động theo quy định của pháp luật;

đ) Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm trọng tài viên lao động

a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn xin thôi làm trọng tài viên lao động của trọng tài viên lao động, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động có văn bản báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với cơ quan đề cử và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm trọng tài viên lao động;

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b, c, d, và đ khoản 1 Điều này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ văn bản báo cáo của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động để rà soát, trao đổi với cơ quan đề cử và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm trọng tài viên lao động;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm trọng tài viên lao động.

Điều 101. Thành lập Hội đồng trọng tài lao động

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động với nhiệm kỳ 05 năm, bao gồm các trọng tài viên lao động được bổ nhiệm theo quy định tại Điều 99 Nghị định này, trong đó:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

b) Thư ký Hội đồng là công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, là thường trực của Hội đồng, làm việc theo chế độ chuyên trách;

c) Thành viên khác của Hội đồng là các trọng tài viên lao động còn lại, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

d) Hội đồng trọng tài lao động được sử dụng con dấu riêng.

2. Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm:

a) Giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các Điều 189, 193 và 197 của Bộ luật Lao động;

b) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Mục 3 Chương này;

c) Giải quyết tranh chấp lao động khác theo quy định của pháp luật;

d) Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

đ) Định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh kết quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

3. Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm:

a) Ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động sau khi lấy ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh;

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trọng tài viên lao động và điều hành các hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

c) Quyết định thành lập Ban trọng tài lao động; tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định này;

d) Hằng năm, chủ trì họp Hội đồng trọng tài lao động để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng trọng tài viên lao động theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Thư ký Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm:

a) Làm nhiệm vụ thường trực, thực hiện các công việc hành chính, tổ chức, hậu cần bảo đảm các hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

b) Giúp Hội đồng trọng tài lao động lập kế hoạch công tác, tổ chức các cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động của Ban trọng tài lao động;

c) Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, tham mưu, đề xuất cho Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động lựa chọn và thành lập Ban trọng tài lao động;

d) Tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định này;

đ) Phân loại, lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp lao động theo quy định;

e) Thực hiện các công việc khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

5. Trọng tài viên lao động có trách nhiệm:

a) Tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định này;

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động và phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động.

Điều 102. Thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 101 Nghị định này, Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm thành lập Ban trọng tài lao động.

2. Thành phần Ban trọng tài lao động được xác định theo quy định tại các điểm a, b, và c khoản 4 Điều 185 của Bộ luật Lao động. Trường hợp một bên hoặc cả hai bên tranh chấp không lựa chọn trọng tài viên lao động theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 185 của Bộ luật Lao động thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động quyết định lựa chọn thay cho bên tranh chấp không đưa ra lựa chọn đó.

Trường hợp hai trọng tài viên lao động được lựa chọn không thống nhất chọn một trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 185 của Bộ luật Lao động thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động quyết định chọn một trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động.

3. Khi Ban trọng tài lao động được thành lập hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu có bằng chứng rõ ràng về việc trọng tài viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp không vô tư, khách quan, có thể làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên tranh chấp thì bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động thay đổi trọng tài viên lao động đó.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Ban trọng tài lao động có trách nhiệm:

a) Tìm hiểu hồ sơ vụ việc, thu thập bằng chứng theo thẩm quyền quy định tại Điều 183 của Bộ luật Lao động để lên phương án giải quyết tranh chấp;

b) Tiến hành tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động;

c) Ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 185 của Bộ luật Lao động và gửi cho các bên tranh chấp.

Quyết định của Ban trọng tài lao động phải có các nội dung chính: Thời gian (ngày, tháng, năm) ban hành quyết định; tên, địa chỉ của các bên tranh chấp; nội dung đề nghị giải quyết tranh chấp; các căn cứ để giải quyết tranh chấp; nội dung cụ thể các phán quyết giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động; chữ ký của Trưởng Ban trọng tài lao động và đóng dấu của Hội đồng trọng tài lao động.

Trường hợp không ra quyết định thì Ban trọng tài lao động có văn bản thông báo cho các bên tranh chấp. Đối với các trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Trình tự tiến hành tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này được thực hiện như sau:

a) Ít nhất 05 ngày trước khi tổ chức cuộc họp, Ban trọng tài lao động phải có văn bản triệu tập tham gia cuộc họp gửi tới các bên tranh chấp, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp;

b) Khi nhận được văn bản triệu tập, các bên tranh chấp phải phản hồi cho Ban trọng tài lao động về việc tham gia phiên họp. Trường hợp một trong các bên có lý do chính đáng, không thể tham dự cuộc họp theo thời gian, địa điểm triệu tập thì có thể đề nghị Ban trọng tài lao động thay đổi thời gian tổ chức phiên họp vào thời điểm thích hợp. Ban trọng tài lao động có thẩm quyền quyết định cuối cùng việc thay đổi thời gian tiến hành cuộc họp và thông báo cho các bên;

c) Tại cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động phải có mặt đại diện các bên tranh chấp hoặc người được ủy quyền theo quy định. Trường hợp một trong các bên vắng mặt, kể cả trường hợp có đề nghị thay đổi thời gian họp nhưng không được chấp thuận thì Ban trọng tài lao động vẫn tiến hành phiên họp;

d) Trong phiên họp, Ban trọng tài lao động phải nêu rõ nội dung các bên đề nghị giải quyết, nghe các bên trình bày cụ thể về nội dung vụ việc và ghi thành biên bản, có chữ ký của từng trọng tài viên lao động và các bên tranh chấp tham gia phiên họp.

Điều 103. Chế độ, điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động

1. Trọng tài viên lao động được hưởng các chế độ:

a) Mỗi ngày thực tế nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập bằng chứng và tiến hành cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động theo phân công thì được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định áp dụng mức bồi dưỡng cao hơn mức quy định tại điểm này phù hợp với khả năng ngân sách địa phương;

b) Được cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi đang công tác tạo điều kiện bố trí thời gian thích hợp để tham gia Hội đồng trọng tài lao động, Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp;

c) Được áp dụng chế độ công tác phí quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thời gian tham gia Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp;

d) Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức;

đ) Được khen thưởng theo quy định Luật Thi đua, khen thưởng về thành tích trong thực hiện nhiệm vụ của trọng tài viên lao động theo quy định;

e) Được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

2. Thư ký Hội đồng trọng tài lao động được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,5 so với mức lương cơ sở theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Khi Chính phủ ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc theo quy định mới.

3. Điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động, Ban trọng tài lao động, Hội đồng trọng tài lao động:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện làm việc, tài liệu, văn phòng phẩm và các điều kiện cần thiết khác để trọng tài viên lao động, Ban trọng tài lao động, Hội đồng trọng tài lao động hoạt động;

b) Hội đồng trọng tài lao động được bố trí địa điểm làm việc tại trụ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Kinh phí hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí hằng năm cùng với dự toán chi thường xuyên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 104. Quản lý nhà nước đối với trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật về trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động;

b) Tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động theo quy định;

c) Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với trọng tài viên lao động.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm trọng tài viên lao động, thành lập Hội đồng trọng tài lao động;

b) Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng đối với trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Nghị định này.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Thẩm định hồ sơ và đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm trọng tài viên lao động, thành lập Hội đồng trọng tài lao động;

b) Tham gia ý kiến để Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

c) Bảo đảm điều kiện làm việc của trọng tài viên lao động, Ban trọng tài lao động, Hội đồng trọng tài lao động; thực hiện chi trả các chế độ, thi đua, khen thưởng đối với trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động; quản lý, lưu trữ hồ sơ về trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, hồ sơ vụ việc giải quyết tranh chấp lao động của Ban trọng tài lao động và các tài liệu liên quan khác theo quy định;

d) Chủ trì, phối hợp với đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với trọng tài viên lao động trên địa bàn;

đ) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác trọng tài lao động theo quy định của pháp luật;

e) Hằng năm, tổng hợp tình hình hoạt động của trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

  • Số hiệu: 145/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1203 đến số 1204
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH