Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác

1. Đơn vị xây dựng phương án tự chủ, xác định phân loại đơn vị theo một trong bốn loại tự chủ theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị định này, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

2. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp) xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi và mức kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; dự kiến phân loại các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc, gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, có ý kiến.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp) quyết định phân loại các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc và phê duyệt dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên đối với đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

3. Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 3 năm. Trường hợp nguồn thu, nhiệm vụ của đơn vị có biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, đơn vị báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn.

Đối với đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, trong giai đoạn ổn định phân loại 3 năm hoặc sau giai đoạn ổn định 3 năm.

Điều 22. Điều kiện, nội dung đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp

1. Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, Nhà nước không cần bao cấp;

b) Giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (bao gồm cả trích khấu hao tài sản cố định);

c) Được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao vốn cho đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

d) Hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp,

2. Nội dung được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp

a) Được xác định vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn;

b) Được vay vốn, huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị, theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định như doanh nghiệp;

d) Quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê áp dụng như doanh nghiệp.

Chi phí xây dựng Đề án và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được tính trong chi phí thường xuyên của đơn vị.

3. Đơn vị đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều này, xây dựng Đề án vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, báo cáo bộ, cơ quan trung ương, địa phương để phê duyệt theo phân cấp.

4. Các bộ, cơ quan trung ương xem xét quyết định đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp) xem xét quyết định đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính địa phương.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác rà soát, xây dựng lộ trình để đơn vị đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Điều 23. Đối tượng, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thành công ty cổ phần

Đối tượng, trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Điều 24. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Trách nhiệm của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, các bộ và cơ quan trung ương khác liên quan:

a) Căn cứ phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, tổ chức thực hiện các quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành:

- Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của bộ, cơ quan trung ương;

- Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc bộ, cơ quan trung ương.

c) Ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền:

- Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

- Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thuộc bộ, cơ quan trung ương.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Căn cứ phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, tổ chức thực hiện các quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thuộc địa phương quản lý;

c) Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác theo quy định tại Nghị định này.

4. Hàng năm, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác trực thuộc gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Điều 25. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác

1. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị.

2. Bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định.

4. Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức.

5. Quản lý, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước giao theo quy định của pháp luật, thực hiện chế độ hạch toán kế toán, thống kê, thông tin, báo cáo hoạt động, kiểm toán theo quy định.

6. Trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý theo quy định.

7. Thực hiện quy định công khai, trách nhiệm giải trình hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật.

8. Định kỳ hàng năm, có trách nhiệm báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị cho cơ quan quản lý cấp trên.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2016.

2. Các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác đang được cấp có thẩm quyền giao cơ chế tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thì tiếp tục được thực hiện đến hết năm 2016.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

  • Số hiệu: 141/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/10/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1139 đến số 1140
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH