Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006

Chương II

XÂY DỰNG, CÔNG BỐ VÀ ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN

Điều 10. Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn

Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm:

1. Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN;

2. Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS.

Điều 11. Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.

3. Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm:

a) Tổ chức kinh tế;

b) Cơ quan nhà nước;

c) Đơn vị sự nghiệp;

d) Tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Điều 12. Loại tiêu chuẩn

1. Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một phạm vi rộng hoặc chứa đựng các quy định chung cho một lĩnh vực cụ thể.

2. Tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.

3. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.

4. Tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.

5. Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hoá.

Điều 13. Căn cứ xây dựng tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:

1. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;

2. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;

3. Kinh nghiệm thực tiễn;

4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.

Điều 14. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

1. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm quy hoạch, kế hoạch năm năm và kế hoạch hằng năm được lập trên cơ sở sau đây:

a) Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

b) Đề nghị của tổ chức, cá nhân.

2. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức lập và thông báo công khai để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt.

Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và thông báo công khai quy hoạch, kế hoạch đó trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày phê duyệt.

3. Trong trường hợp cần thiết, quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được sửa đổi, bổ sung theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Quyền của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

1. Đề nghị, góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

2. Chủ trì biên soạn hoặc tham gia biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định, công bố.

3. Góp ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.

Điều 16. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia

1. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia là tổ chức tư vấn kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập cho từng lĩnh vực tiêu chuẩn.

2. Thành viên ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức khác có liên quan, người tiêu dùng và các chuyên gia.

3. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia có các nhiệm vụ sau đây:

a) Đề xuất quy hoạch, kế hoạch, phương án, giải pháp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia;

b) Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở dự thảo do tổ chức, cá nhân đề nghị; trực tiếp xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia; tham gia biên soạn, góp ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn quốc tế, dự thảo tiêu chuẩn khu vực; tham gia thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng;

c) Tham gia hoạt động tư vấn, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn khác;

d) Tham gia xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật khi được yêu cầu.

Điều 17. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia

1. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng được quy định như sau:

a) Căn cứ kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo tiêu chuẩn quốc gia; tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bên có liên quan để góp ý về dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày; trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, lập hồ sơ dự thảo và chuyển cho Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định;

d) Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại Điều 18 của Luật này. Thời hạn thẩm định không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

đ) Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có ý kiến thẩm định nhất trí với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia;

e) Trong trường hợp ý kiến thẩm định không nhất trí với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi ý kiến thẩm định cho bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia để hoàn chỉnh. Sau khi nhận được dự thảo đã được hoàn chỉnh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điểm đ khoản này. Trường hợp không đạt được sự nhất trí giữa hai bên, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức, cá nhân đề nghị được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân biên soạn dự thảo tiêu chuẩn hoặc đề xuất tiêu chuẩn sẵn có để đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở dự thảo do tổ chức, cá nhân đề nghị; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo; tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bên có liên quan để góp ý về dự thảo. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày; trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn;

c) Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và lập hồ sơ dự thảo trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét;

d) Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại Điều 18 của Luật này. Thời hạn thẩm định, thời hạn công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng được quy định như sau:

a) Căn cứ kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tương ứng xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại Điều 18 của Luật này. Thời hạn thẩm định, thời hạn công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.

Điều 18. Nội dung thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia

1. Sự phù hợp của tiêu chuẩn với tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sự phù hợp của tiêu chuẩn với quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật, cam kết quốc tế có liên quan, yêu cầu hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

3. Tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, việc tuân thủ nguyên tắc đồng thuận và hài hoà lợi ích của các bên có liên quan.

4. Việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ, trình tự, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

Điều 19. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức rà soát tiêu chuẩn quốc gia định kỳ ba năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, kể từ ngày tiêu chuẩn được công bố.

2. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 17 của Luật này trên cơ sở kết quả rà soát hoặc đề nghị của tổ chức, cá nhân.

3. Việc huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện trên cơ sở kết quả rà soát tiêu chuẩn quốc gia hoặc đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định hồ sơ huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia và công bố huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia sau khi có ý kiến nhất trí bằng văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.

Điều 20. Xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở

1. Tiêu chuẩn cơ sở do người đứng đầu tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này tổ chức xây dựng và công bố để áp dụng trong các hoạt động của cơ sở.

2. Tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng dựa trên thành tựu khoa học và công nghệ, nhu cầu và khả năng thực tiễn của cơ sở. Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.

3. Tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trình tự, thủ tục xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 21. Xuất bản và phát hành tiêu chuẩn

1. Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia.

2. Cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về tiêu chuẩn thực hiện việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của tổ chức đó.

Việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực mà Việt Nam không là thành viên và tiêu chuẩn nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận với tổ chức ban hành tiêu chuẩn đó.

3. Tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn cơ sở.

Điều 22. Thông báo, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm sau đây:

1. Thông báo công khai việc công bố tiêu chuẩn quốc gia và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia trong thời hạn ít nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định;

2. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia;

3. Định kỳ hằng năm phát hành danh mục tiêu chuẩn quốc gia.

Điều 23. Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn

1. Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện.

Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.

2. Tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.

Điều 24. Phương thức áp dụng tiêu chuẩn

1. Tiêu chuẩn được áp dụng trực tiếp hoặc được viện dẫn trong văn bản khác.

2. Tiêu chuẩn được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Điều 25. Nguồn kinh phí xây dựng tiêu chuẩn

1. Nguồn kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước cấp theo dự toán ngân sách hằng năm được duyệt;

b) Các khoản hỗ trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Nguồn kinh phí xây dựng tiêu chuẩn cơ sở do tổ chức, cá nhân tự trang trải và được tính là chi phí hợp lý.

3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006

  • Số hiệu: 68/2006/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 29/06/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH