Điều 31 Luật Thủ đô 2024
Điều 31. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
1. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (sau đây gọi là mô hình TOD) là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Khu vực TOD là khu vực bao gồm nhà ga, đề-pô đường sắt đô thị, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và vùng phụ cận được xác định theo quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có liên quan để xây dựng tuyến giao thông, đường sắt đô thị kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển đô thị.
2. Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, quy hoạch tuyến giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và khu vực TOD được áp dụng các quy định sau đây:
a) Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các phương thức vận tải hành khách công cộng khác, phát triển đô thị trong khu vực TOD;
b) Trong khu vực TOD, Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô;
c) Đối với khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt nhưng khi lập phương án tuyến đường sắt đô thị, tuyến giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác hoặc khi lập quy hoạch khu vực TOD, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ lập phương án tuyến, quy hoạch có đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt thì trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định. Quyết định phê duyệt phương án tuyến đường sắt đô thị hoặc quy hoạch chi tiết khu vực TOD có giá trị thay thế cho phần nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực có liên quan trong quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt và không phải làm thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
3. Việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Thành phố được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững và được áp dụng các quy định sau đây:
a) Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập;
b) Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
c) Nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định các dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện tương tự như dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công;
d) Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố.
4. Trong khu vực TOD, Thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng:
a) Tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD;
b) Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD;
c) Phí cải thiện hạ tầng.
5. Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD; phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu quy định tại khoản 4 Điều này, bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác.
Luật Thủ đô 2024
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Vị trí, vai trò của Thủ đô
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Áp dụng Luật Thủ đô
- Điều 5. Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô
- Điều 6. Biểu tượng của Thủ đô
- Điều 7. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô
- Điều 8. Tổ chức chính quyền đô thị
- Điều 9. Hội đồng nhân dân Thành phố
- Điều 10. Ủy ban nhân dân Thành phố
- Điều 11. Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố
- Điều 12. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố
- Điều 13. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
- Điều 14. Phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân
- Điều 15. Tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức
- Điều 16. Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
- Điều 17. Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô
- Điều 18. Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch
- Điều 19. Quản lý, sử dụng không gian ngầm
- Điều 20. Cải tạo, chỉnh trang đô thị
- Điều 21. Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch
- Điều 22. Phát triển giáo dục và đào tạo
- Điều 23. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Điều 24. Phát triển các khu công nghệ cao
- Điều 25. Thử nghiệm có kiểm soát
- Điều 26. Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Điều 27. Chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
- Điều 28. Bảo vệ môi trường
- Điều 29. Phát triển nhà ở
- Điều 30. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông
- Điều 31. Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
- Điều 32. Phát triển nông nghiệp, nông thôn
- Điều 33. Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
- Điều 34. Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô
- Điều 35. Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô
- Điều 36. Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước
- Điều 37. Thẩm quyền về đầu tư
- Điều 38. Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập
- Điều 39. Thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
- Điều 40. Thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao
- Điều 41. Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng
- Điều 42. Thu hút nhà đầu tư chiến lược
- Điều 43. Ưu đãi đầu tư
- Điều 44. Mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng
- Điều 45. Chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng
- Điều 46. Nguồn vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng
- Điều 47. Trách nhiệm của Bộ, ngành và các địa phương tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng
- Điều 48. Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội
- Điều 49. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
- Điều 50. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Điều 51. Trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô
- Điều 52. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và Nhân dân Thủ đô