Hệ thống pháp luật

Điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền 2012

Điều 22. Báo cáo giao dịch đáng ngờ

1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Báo cáo giao dịch đáng ngờ được thực hiện theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

2. Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản bao gồm:

a) Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán;

b) Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính;

d) Số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không có số này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch;

đ) Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo uỷ quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;

e) Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo;

g) Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này;

h) Giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

3. Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm:

a) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không;

b) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo;

c) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường;

d) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh;

đ) Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn;

e) Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu;

g) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

h) Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn;

i) Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;

k) Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu;

l) Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc uỷ thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch;

m) Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.

4. Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bao gồm:

a) Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ;

b) Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng;

c) Người mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán từ tài khoản không phải là tài khoản của mình hoặc bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên;

d) Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định hoặc bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với người mua hợp đồng bảo hiểm;

đ) Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng và miễn cưỡng cung cấp lý do tham gia bảo hiểm; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng;

e) Khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và nhượng lại hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba;

g) Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường;

h) Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên chi trả bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.

5. Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:

a) Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện;

b) Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;

c) Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán;

d) Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam;

đ) Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;

e) Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi;

g) Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng;

h) Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.

6. Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, casino bao gồm:

a) Khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua tại casino;

b) Khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn tại casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại thành tiền mặt hoặc séc, hối phiếu ngân hàng hoặc chuyển tiền đến tài khoản khác;

c) Khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cược, trúng thưởng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng hoặc khi bên thứ ba không có nơi thường trú cùng với khách hàng;

d) Khách hàng bổ sung tiền mặt hoặc séc vào số tiền thắng cược, trúng thưởng và yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chuyển thành séc có giá trị lớn;

đ) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu casino, điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đổi số lượng đồng tiền quy ước thành tiền mặt;

e) Khách hàng nhiều lần trong một ngày yêu cầu bên thứ ba đổi hộ số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn và nhờ bên thứ ba chơi cá cược hộ;

g) Khách hàng nhiều lần trong một ngày mua vé xổ số, vé đặt cược, đổi đồng tiền quy ước ở gần mức giới hạn giao dịch có giá trị lớn;

h) Khách hàng mua lại vé số trúng thưởng có giá trị lớn từ người khác.

7. Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bao gồm:

a) Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý;

b) Khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả;

c) Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân;

d) Giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường.

8. Trong thực tế hoạt động, nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ ngoài các dấu hiệu cơ bản nêu trên, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Luật phòng, chống rửa tiền 2012

  • Số hiệu: 07/2012/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 18/06/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 473 đến số 474
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH