Hệ thống pháp luật

Chương 5 Thông tư 78/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Chương V

VẬN TẢI HÀNH LÝ KÝ GỬI, BAO GỬI

Điều 23. Xác định tên hàng hóa trong hành lý gửi, bao gửi

Người gửi hành lý ký gửi, bao gửi có trách nhiệm ghi đúng tên hàng hóa trong tờ khai gửi hàng. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do khai không đúng tên hàng.

Điều 24. Điều kiện vận chuyển hành lý ký gửi

Hành khách có quyền gửi hành lý theo tàu mà hành khách đi với các điều kiện sau đây:

1. Hành khách đã có vé đi tàu theo quy định.

2. Hành lý được gửi đến cùng ga đến của hành khách ghi trên vé.

3. Hành lý không thuộc loại hàng hóa cấm vận chuyển bằng tàu khách hoặc không phải hàng hóa cấm lưu thông.

4. Có đóng gói đúng quy định. Kích thước, trọng lượng mỗi kiện hàng không được vượt quá quy định của doanh nghiệp.

Điều 25. Điều kiện vận chuyển bao gửi

Bao gửi được gửi đi bằng tàu phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không thuộc loại hàng hóa cấm vận chuyển bằng tàu hoặc không phải hàng hóa cấm lưu thông;

2. Được đóng gói đúng quy định của doanh nghiệp.

Điều 26. Đóng gói hành lý ký gửi, bao gửi

1. Hành lý ký gửi, bao gửi phải do người gửi đóng gói chắc chắn theo quy định của doanh nghiệp để bảo đảm không bị hư hỏng, hao hụt, mất mát trong quá trình vận chuyển.

2. Bên ngoài bao gói của hành lý ký gửi, bao gửi phải có các thông tin sau:

a) Đối với hành lý ký gửi: họ tên, địa chỉ của hành khách và số điện thoại, số fax (nếu có);

b) Đối với bao gửi: họ tên, địa chỉ của người gửi, người nhận và số điện thoại, số fax (nếu có);

c) Số hiệu vé hành lý ký gửi, bao gửi;

d) Ký hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa.

3. Trước khi nhận vận chuyển, doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra hàng, bao gói và yêu cầu sửa chữa, bổ sung cho đúng quy định, Trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của hàng hóa chứa bên trong, doanh nghiệp được quyền yêu cầu hành khách, người gửi bao gửi mở bao gói để kiểm tra.

4. Những loại hàng không bắt buộc phải đóng gói gồm:

a) Xe máy, xe đạp điện, xe đạp, xe đẩy trẻ em, xe chuyên dùng cho người khuyết tật;

b) Những loại hàng không có, không cần bao bọc mà không bị hư hỏng, hao hụt hoặc làm ảnh hưởng đến các loại hàng khác khi được xếp trong cùng toa xe.

Điều 27. Khối lượng, chủng loại hành lý ký gửi, bao gửi

Doanh nghiệp niêm yết công khai tại các ga về chủng loại hàng hóa, khối lượng, số lượng tối đa nhận vận chuyển tùy theo loại tàu và tuyến đường.

Điều 28. Thủ tục gửi hành lý ký gửi, bao gửi

1. Khi gửi hành lý ký gửi, bao gửi, người gửi phải ghi đúng, ghi đủ nội dung của tờ khai gửi hàng theo mẫu do doanh nghiệp quy định.

2. Hành khách, người gửi bao gửi phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hàng hóa trong hành lý ký gửi, bao gửi.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra bao bì, số lượng, ký hiệu, mã hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng.

Điều 29. Kê khai giá trị hành lý ký gửi, bao gửi

Hành khách, người gửi bao gửi có thể kê khai giá trị hành lý ký gửi, bao gửi. Việc kê khai giá trị dựa trên cơ sở hóa đơn mua hàng hoặc kết quả giám định về giá trị hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 30. Trách nhiệm xếp, dỡ, bảo quản hành lý ký gửi, bao gửi

1. Việc xếp, dỡ hành lý ký gửi, bao gửi do doanh nghiệp chịu trách nhiệm và được thu tiền xếp, dỡ theo quy định của doanh nghiệp.

2. Trong quá trình vận chuyển, xếp, dỡ, bảo quản, hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, mất mát, nếu do lỗi của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đền bù phần hàng hóa bị mất mát, hư hỏng theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này, trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng thì thực hiện theo quy định khoản 3 Điều 107 của Luật Đường sắt.

Điều 31. Báo tin hành lý ký gửi, bao gửi đến

1. Khi bao gửi đã được vận chuyển tới ga đến, trên cơ sở thông tin và theo đề nghị của người gửi, doanh nghiệp phải báo tin ngay cho người nhận biết.

2. Đối với hành lý ký gửi đến ga chậm hơn hành khách, doanh nghiệp có trách nhiệm báo tin kịp thời cho hành khách.

Điều 32. Giao trả hành lý ký gửi, bao gửi

1. Khi nhận hành lý ký gửi, hành khách phải trả lại vé hành lý cho doanh nghiệp, trả thẻ gửi xe cho nhân viên hành lý. Nếu mất vé hành lý hoặc thẻ gửi xe, hành khách phải làm tờ khai ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình; tên, trạng thái và đặc điểm của hành lý; xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc các giấy tờ xác định nhân thân có giá trị theo quy định của pháp luật.

2. Người nhận bao gửi phải nộp cho doanh nghiệp giấy báo tin hàng đến (nếu có), xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy giới thiệu của cơ quan, chính quyền địa phương nơi cư trú để làm thủ tục nhận bao gửi.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hành khách và người gửi bao gửi nhận hành lý ký gửi, bao gửi.

Điều 33. Kỳ hạn vận chuyển, nhận hành lý ký gửi, bao gửi và bồi thường vi phạm

1. Kỳ hạn vận chuyển hành lý ký gửi, bao gửi bao gồm thời hạn nhận tại ga đi, thời gian vận chuyển trên đường và kỳ hạn nhận hành lý ký gửi, bao gửi tại ga đến.

2. Kỳ hạn nhận hành lý ký gửi là thời gian doanh nghiệp trao trả hành lý ký gửi cho người gửi được tính từ khi tàu tới ga đến.

3. Kỳ hạn nhận bao gửi là thời gian doanh nghiệp trao trả bao gửi cho người nhận được tính từ khi doanh nghiệp báo tin bao gửi tới ga đến cho người nhận.

4. Doanh nghiệp quy định và công bố công khai kỳ hạn quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này và trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm kỳ hạn.

5. Định mức kỳ hạn vận chuyển, nhận hành lý ký gửi, bao gửi do doanh nghiệp xác định, được thỏa thuận với người gửi.

Thông tư 78/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 78/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH