Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật các cơ sở dữ liệu điện tử sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

b) Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu;

c) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam;

d) Các Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC), Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) và giấy chứng nhận xác nhận giấy huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt cho tàu chuyên dùng;

đ) Sổ thuyền viên;

e) Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu năm 1992 (CLC);

g) Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu năm 2001 (BCC);

h) Các giấy chứng nhận khác do Cục Hàng hải Việt Nam cấp.

2. Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

2. Bằng, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên.

3. Các giấy chứng nhận khác do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử sau:

1. Đối với tàu biển:

a) Giấy chứng nhận dung tích;

b) Giấy chứng nhận mạn khô;

c) Giấy chứng nhận phân cấp;

d) Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm dầu;

đ) Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị;

e) Giấy chứng nhận đối với tàu chuyên dùng.

2. Đối với phương tiện thủy nội địa: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3. Các Giấy chứng nhận khác do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với các giấy tờ:

1. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

2. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3. Bằng, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên.

4. Các Giấy chứng nhận khác do Sở Giao thông vận tải cấp.

Điều 16. Trách nhiệm của Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải

1. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho thủ tục điện tử đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển theo quy định của Thông tư này.

2. Cấp tài khoản truy cập Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục điện tử quy định tại Thông tư này.

3. Đăng ký, công bố và duy trì hoạt động của Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển. Tiếp nhận số điện thoại của chủ tàu do Cảng vụ hàng hải gửi và công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải.

4. Bảo đảm vận hành hệ thống để xử lý tình huống bất thường, khắc phục sự cố nhằm bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử tại địa chỉ dichvucong.mt.gov.vn và thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu với Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với thủ tục quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này.

5. Thực hiện lưu trữ hồ sơ điện tử theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 17. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải

1. Áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai báo thủ tục điện tử khi làm thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng biển.

2. Cập nhật dữ liệu về giấy phép rời cảng điện tử và hồ sơ giấy của tàu thuyền rời cảng biển tại khu vực quản lý của cảng vụ trên cơ sở dữ liệu của Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Tổng hợp số điện thoại do chủ phương tiện đăng ký gửi Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa theo quy định của Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 03 năm 2016.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này 01 Phụ lục bao gồm 12 Mẫu bản khai và giấy phép.

Điều 19. Quy định chuyển tiếp

Đối với tàu thuyền chưa đủ điều kiện thực hiện thủ tục điện tử theo quy định tại Thông tư này thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 8 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Thông tư 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 54/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/09/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1045 đến số 1046
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH