Chương 2 Thông tư 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
THỦ TỤC ĐIỆN TỬ CHO TÀU THUYỀN HOẠT ĐỘNG TUYẾN NỘI ĐỊA VÀO, RỜI CẢNG BIỂN
Điều 7. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển
1. Thông báo tàu đến cảng
a) Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng biển, người làm thủ tục phải khai báo và gửi Thông báo tàu đến cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Trường hợp tàu biển di chuyển giữa các cảng biển Việt Nam hoặc khu vực hàng hải không quá 20 hải lý, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu biển dự kiến đến cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi Thông báo tàu đến cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Xác báo tàu biển đến cảng
Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu đến vùng đón trả hoa tiêu, người làm thủ tục phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải biết chính xác thời gian tàu đến cảng bằng VHF, điện thoại hoặc các phương thức thông tin liên lạc phù hợp khác.
Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi nhận được xác báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu, Cảng vụ hàng hải cấp Lệnh điều động điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 02 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời và nêu rõ lý do.
3. Thủ tục khai báo điện tử
Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ, kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các vị trí khác trong vùng nước cảng, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hồ sơ điện tử bao gồm:
a) 01 Bản khai chung theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 01 Danh sách thuyền viên theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) 01 Danh sách hành khách (nếu có) theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của, tàu thuyền, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để nộp, xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp: Giấy phép rời cảng cuối cùng;
b) Giấy tờ phải xuất trình: Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định; số thuyền viên; Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên.
5. Thời hạn giải quyết thủ tục: Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin về tàu biển và thuyền viên để gửi thông báo xác nhận hoàn thành thủ tục cho người làm thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Điều 8. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển
1. Thời hạn làm thủ tục: Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến rời cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
2. Hồ sơ phải khai báo điện tử bao gồm:
a) 01 Bản khai chung theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 01 Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) 01 Danh sách hành khách (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục đề xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:
a) Các giấy chứng nhận của tàu thuyền và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên nếu thay đổi so với khi đến;
b) Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật (nếu có).
4. Thời hạn giải quyết thủ tục
Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin về tàu biển và thuyền viên để cấp Giấy phép rời cảng biển điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và Giấy phép rời cảng bản giấy nếu người làm thủ tục có yêu cầu. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.
5. Trường hợp tàu biển vào cảng và chỉ lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ, thuyền trưởng phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết để làm thủ tục điện tử cho tàu vào, rời cảng cùng một lúc.
6. Trường hợp tàu biển đã được cấp Giấy phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ kể từ thời điểm tàu biển được phép rời cảng, tàu biển đó phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định tại Điều này.
Điều 9. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào cảng biển
1. Thời hạn làm thủ tục:
a) Đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB: Chậm nhất 02 giờ trước khi phương tiện đến cảng, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 12 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến số Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.
b) Đối với phương tiện thủy nội địa khác: Trước khi phương tiện đến cảng hoặc sau khi vào neo đậu an toàn, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Tổng đài làm thủ tục phương tiện thủy nội địa tại cảng biển.
2. Hồ sơ khai báo điện tử bao gồm:
a) Bản khai chung theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Danh sách thuyền viên theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách) theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn, sau khi phương tiện vào neo đậu an toàn, người làm thủ tục phải nộp tại trụ sở Cảng vụ hàng hải các giấy tờ sau:
a) Danh sách hành khách;
b) Giấy phép rời cảng, bến hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi phương tiện thủy rời cảng, bến cuối cùng.
4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của phương tiện, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để nộp, xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp: Giấy phép rời cảng, bến hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi phương tiện thủy nội địa rời cảng, bến cuối cùng.
b) Giấy tờ phải xuất trình: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp); Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; Sổ Danh bạ thuyền viên; Bằng hoặc Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ của thuyền viên, người lái phương tiện.
5. Thời hạn giải quyết thủ tục
Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin phương tiện và thuyền viên để cấp Giấp phép vào cảng điện tử cho phương tiện thủy nội địa trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo Mẫu số 11 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến người làm thủ tục (đối với trường hợp làm thủ tục theo tin nhắn điện thoại). Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 10. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng biển
1. Thời hạn làm thủ tục: trước khi phương tiện rời cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.
2. Hồ sơ phải khai báo điện tử bao gồm:
a) Bản khai chung theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách, nếu có thay đổi) theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn, người làm thủ tục phải nộp tại trụ sở Cảng vụ hàng hải Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách, nếu có thay đổi).
4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của phương tiện, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:
a) Các giấy chứng nhận của phương tiện và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên nếu thay đổi so với khi đến;
b) Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật (nếu có).
5. Thời hạn giải quyết thủ tục
Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin phương tiện và thuyền viên để cấp Giấp phép rời cảng điện tử cho phương tiện thủy nội địa trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo Mẫu số 12 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư và Giấy phép rời cảng bản giấy nếu người làm thủ tục có yêu cầu. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn thì Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng bản giấy cho người làm thủ tục. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.
6. Trường hợp phương tiện thủy nội địa vào cảng biển và lưu lại trong khoảng thời gian không quá 72 giờ hoặc giấy tờ, tài liệu khi làm thủ tục rời cảng không thay đổi so với khi đến thì được làm thủ tục vào, rời cảng cùng một lúc.
7. Trường hợp phương tiện đã được cấp Giấy phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ, kể từ thời điểm phương tiện được phép rời cảng, phương tiện đó phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định tại Điều này.
Khi tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển thì chỉ phải làm thủ tục vào, rời một lần. Tàu biển, phương tiện thủy nội địa không phải làm thủ tục khi di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa, bến cảng biển, cầu cảng biển (gọi chung là cảng, bến) trong một khu vực hàng hải. Thủ tục vào, rời thực hiện tại cảng, bến đầu tiên và cảng, bến cuối cùng mà tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời.
Thông tư 54/2015/TT-BGTVT về quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Khai báo làm thủ tục điện tử đối với tàu thuyền
- Điều 5. Kiểm tra các loại giấy chứng nhận của tàu thuyền và thuyền viên
- Điều 6. Thanh toán phí, lệ phí
- Điều 7. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển
- Điều 8. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển
- Điều 9. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào cảng biển
- Điều 10. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng biển
- Điều 11. Thủ tục đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào và rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển có cảng, bến thủy nội địa
- Điều 12. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam
- Điều 13. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
- Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
- Điều 16. Trách nhiệm của Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải
- Điều 17. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải
- Điều 18. Hiệu lực thi hành
- Điều 19. Quy định chuyển tiếp
- Điều 20. Tổ chức thực hiện