Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 52/2013/TT-BTNMT quy định việc vận chuyển hàng nguy hiểm là chất độc hại, lây nhiễm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương 3.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG NGUY HIỂM BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

Điều 12. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại hoặc tước Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho chủ hàng nguy hiểm hoặc chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với những trường hợp vận chuyển quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

b) Bảng kê danh mục, khối lượng và lịch trình vận chuyển hàng nguy hiểm; Danh sách phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư này;

c) Bản sao chứng thực Giấy phép điều khiển phương tiện còn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển, Giấy đăng ký phương tiện vận chuyển, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển, do cơ quan có thẩm quyền cấp;

d) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận cần thiết còn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm theo quy định tạiKhoản 2 Điều 10 Thông tư này;

đ) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và các hồ sơ khác (nếu có), thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động kinh doanh hoặc vận chuyển hàng hóa;

e) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

g) Hợp đồng kinh tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của các bên ký hợp đồng (trong trường hợp chủ hàng nguy hiểm thuê vận chuyển);

h) Phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

i) Kết quả thử nghiệm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (nếu có);

k) Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này;

l) Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 Thông tư này.

2. Hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải được tổ chức, cá nhân lập thành 02 (hai) bộ đóng dấu giáp lai, 01 (một) bộ lưu tại Tổng cục Môi trường và 01 (một) bộ trả lại tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm sau khi có xác nhận của Tổng cục Môi trường.

Điều 14. Trình tự cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Chủ hàng nguy hiểm hoặc chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm lập 02 (hai) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và gửi đến Tổng cục Môi trường để xem xét cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm thông báo qua điện thoại, email hoặc bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục Môi trường tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 Thông tư này.

4. Nếu thông tin trong hồ sơ đăng ký có dấu hiệu khai báo sai hoặc hàng nguy hiểm vận chuyển với khối lượng lớn hoặc có tính nguy hại cao, Tổng cục Môi trường sẽ trực tiếp kiểm tra hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở địa phương kiểm tra điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Thông tư này trước khi cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Thời hạn kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

5. Tổng cục Môi trường có thể lấy ý kiến tham khảo của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh về việc đồng thuận hoặc không đồng thuận đối với việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 15. Cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phải cấp lại để điều chỉnh khi có thay đổi, bổ sung một trong các nội dung của Giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

b) Nội dung thay đổi, bổ sung so với nội dung của Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

c) Bản sao chứng thực Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

3. Thời hạn hiệu lực của Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được điều chỉnh theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, nhưng không vượt quá 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày cấp.

4. Trình tự đăng ký, cấp điều chỉnh Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được thực hiện tương tự như cấp lần đầu theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Điều 16. Cấp gia hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 (mười hai) tháng kể từ ngày gia hạn. Việc đề nghị cấp gia hạn được thực hiện trước thời hạn Giấy phép hết hiệu lực 01 (một) tháng.

2. Hồ sơ đề nghị cấp gia hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp gia hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

b) Báo cáo quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này;

c) Bản sao chứng thực Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

3. Trình tự đăng ký, cấp gia hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được thực hiện tương tự như cấp lần đầu theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Điều 17. Cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Trường hợp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bị mất, bị cháy hoặc bị rách, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ gửi về Tổng cục Môi trường đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

b) Báo cáo quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này;

c) Bản sao chứng thực Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (nếu có).

3. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp lại không vượt quá thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy phép đã được cấp.

4. Trình tự đăng ký, cấp lại Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được thực hiện tương tự như cấp lần đầu theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Điều 18. Hiệu lực của Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo thời hạn hoặc theo từng chuyến hàng theo hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân.

2. Thời hạn hiệu lực của Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm không quá 12 tháng, kể từ ngày cấp.

3. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo từng chuyến hàng sẽ hết hiệu lực ngay sau thời điểm quy định kết thúc việc vận chuyển.

Điều 19. Tước Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm sẽ bị tước khi chủ Giấy phép vận chuyển vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền có yêu cầu tước Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

b) Cho thuê, mượn hoặc tự ý sửa đổi nội dung Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

c) Thực hiện không đúng nội dung được quy định trong Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;

d) Khi để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm từ 02 (hai) lần trở lên.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm ban hành quyết định tước Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và nêu rõ lý do.

3. Tổ chức, cá nhân bị tước Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm không được phép nộp hồ sơ xin cấp mới Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bị tước.

Thông tư 52/2013/TT-BTNMT quy định việc vận chuyển hàng nguy hiểm là chất độc hại, lây nhiễm do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 52/2013/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Cách Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 151 đến số 152
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH