Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở Trung ương

1. Trách nhiệm của Cục Thú y

a) Xây dựng Chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh dại ở động vật, để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình ở các địa phương.

b) Tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giám sát bệnh dại ở các địa phương;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc về công tác phòng chống bệnh dại;

d) Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống bệnh dại.

2. Trách nhiệm của Cục Chăn nuôi

a) Hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định về quản lý đàn chó theo Nghị định số 05/2007/NĐ của Chính phủ ngày 09/01/2007 về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật và việc chăn nuôi trở lại sau khi có dịch xảy ra.

b) Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền người chăn nuôi thực hành chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho người.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân ở địa phương

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cấp tỉnh

a) Chỉ đạo ngành thú y, các cấp, các ngành có liên quan xây dựng Chương trình phòng, chống bệnh và xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại ở động vật tại địa phương; khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chó hoặc không nuôi chó; có biện pháp kiểm soát đàn chó nuôi.

b) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dại của tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban, đại diện các sở, ban, ngành liên quan là thành viên.

c) Củng cố, tăng cường cho hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là mạng lưới thú y xã, phường có đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị để thực thi nhiệm vụ. Các địa phương chưa có mạng lưới thú y xã, phường thì cần nhanh chóng triển khai thực hiện Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho thú y xã, phường, Thông tư liên Bộ số 61 /2008/TTLT-BNN-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

d) Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành thú y và y tế ở các cấp trong công tác phòng, chống bệnh dại.

đ) Chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tại địa phương thường xuyên triển khai công tác thông tin tuyên truyền phòng chống bệnh dại.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch, công bố hết dịch dại trên địa bàn của tỉnh theo quy định; quyết định tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh dại và chó thả rông hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tiêu hủy.

2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng chương trình phòng chống bệnh dại của tỉnh và kế hoạch hàng năm trên cơ sở Chương trình phòng chống bệnh dại cấp quốc gia;

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng có nguy cơ cao với bệnh dại;

c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại của tỉnh.

3. Trách nhiệm của Chi cục Thú y cấp tỉnh

a) Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, thành phố;

b) Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống bệnh, tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh dại, thành lập tổ bắt chó thả rông, thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch xảy ra, báo cáo về công tác phòng, chống bệnh dại về Cục Thú y một năm 2 lần vào 30/6 và 30/12 hàng năm về các nội dung (số chó, mèo, kết quả tiêm phòng, tình hình bệnh dại (nếu có), công tác giám sát bệnh dại và quản lý chó nuôi của tỉnh, thành phố).

c) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự trù kinh phí quản lý giám sát công tác phòng, chống dịch tại dịa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí thực hiện.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế, Trạm Thú y huyện làm Phó Trưởng ban;

b) Thành lập đội chuyên trách phòng chống bệnh dại, các thành viên phải được tiêm phòng vắc xin và được tập huấn (kinh phí lấy từ ngân sách phòng, chống dịch của địa phương);

c) Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo Trạm Thú y huyện, các ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn huyện;

d) Huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống bệnh, đặc biệt công tác tiêm phòng, tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh;

đ) Cấp ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch của huyện.

5. Trách nhiệm của Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trạm Thú y.

a) Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng chống bệnh dại tại huyện;

b) Hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp phòng chống đến tận xã, thôn;

c) Báo cáo kịp thời nhu cầu về kinh phí, vật tư hóa chất, vắc xin, lao động, cho Ủy ban nhân dân huyện và Chi cục Thú y.

d) Hàng tháng báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại về Chi Cục Thú y với các nội dung: số chó mèo, kết quả tiêm phòng, tình hình bệnh dại (nếu có) của các huyện.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban với sự tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ thú y, y tế, nông nghiệp;

b) Bố trí tổ chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật, thường trực và tổng hợp tình hình nuôi chó, mèo, kết quả tiêm phòng, quản lý đàn chó;

c) Chỉ đạo Trưởng thôn trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và tích cực tham gia chiến dịch tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi. Mỗi thôn tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này.

d) Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, y tế, công an để tiêu hủy gia súc bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, giám sát người ra vào ổ dịch, trực gác tại các chốt kiểm dịch động vật.

đ) Chỉ đạo ngành y tế áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người.

7. Trách nhiệm của nhân viên thú y xã, cộng tác viên thú y xã:

a) Báo cáo ngay với Trạm thú y huyện bằng phương tiện nhanh nhất khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi dại tại địa phương.

b) Giám sát phát hiện bệnh dại đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân xã và Trạm Thú y huyện;

c) Trực tiếp tham gia công tác phòng chống bệnh, trực tiếp tiêm phòng vắc xin, thông báo cho ngành y tế khi phát hiện chó không tiêm phòng, nghi dại cắn người;

d) Trực tiếp tham gia giám sát công tác phòng chống bệnh dại đến chủ chăn nuôi.

8. Trách nhiệm của Trưởng thôn, ấp hoặc Tổ trưởng dân phố:

Quản lý trực tiếp đàn chó, mèo tại thôn, ấp, tổ dân phố; phối hợp với Thú y viên thôn, ấp, xã, phường phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật và Thông tư này.

Điều 19. Trách nhiệm của chủ vật nuôi

1. Đảm bảo điều kiện chăn nuôi chó hợp vệ sinh; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người theo hướng dẫn của cán bộ thú y, chính quyền địa phương.

2. Chủ vật nuôi chịu mọi trách nhiệm khi để chó thả rông, cắn người hay phóng uế làm ô nhiễm môi trường công cộng. Bồi thường tổn thất về sức khoẻ, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng.

3. Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị. Nếu có chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian đợt điều trị, chủ nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan cho hậu quả do người bị chết để lại theo Quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về việc quy định phòng, chống bệnh dại ở động vật.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký;

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.

Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 48/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/08/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 387 đến số 388
  • Ngày hiệu lực: 18/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra