Điều 3 Thông tư 44/2011/TT-BTC về hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành
Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. Hàng giả bao gồm:
a) Giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá;
b) Giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá;
c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;
d) Các loại đề can, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng;
e) Đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả.
2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 216, Mục 2, chương XVIII Luật Sở hữu trí tuệ và các biện pháp quy định tại khoản 8, 9, 10, Điều 4, Chương I và Mục 5, chương III Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan.
3. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
4. Kiểm tra hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải do cơ quan hải quan thực hiện nhằm phát hiện hàng hóa có nghi ngờ là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
5. Giám sát hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để đảm bảo sự nguyên trạng của hàng hóa đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
6. Kiểm soát hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các biện pháp tuần tra, điều tra hoặc biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan áp dụng để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới.
7. Đơn yêu cầu bao gồm: Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ và đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan ( mẫu đơn được ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Người nộp đơn yêu cầu là chủ thể quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ) hoặc người được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ủy quyền hợp pháp.
9. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các hành vi nêu tại các điều 28, điều 35, điều 126, điều 127, điều 129 và điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ.
Thông tư 44/2011/TT-BTC về hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan
- Điều 5. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hải quan
- Điều 8. Kiểm tra hải quan
- Điều 9. Thông báo về hàng hóa có nghi ngờ
- Điều 10. Tạm dừng làm thủ tục hải quan
- Điều 11. Tiếp tục làm thủ tục hải quan
- Điều 14. Quy định về đơn yêu cầu
- Điều 15. Tài liệu kèm theo Đơn yêu cầu
- Điều 16. Kiểm tra và xử lý đơn
- Điều 17. Chấm dứt hiệu lực đơn yêu cầu