Điều 16 Thông tư 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Điều 16. Lập Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện
1. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư theo đúng quy định hiện hành, Chủ đầu tư dự án thủy điện mới được tổ chức lập Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện (sau đây gọi tắt là Dự án đầu tư).
2. Nội dung Dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và phải thực hiện các nội dung sau:
a) Điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ các điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, động đất kiến tạo), dân sinh, kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, công trình lưới điện...trong khu vực.
b) Cập nhật hiện trạng và quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước có liên quan trên lưu vực, làm cơ sở tính toán xác định các đặc trưng thủy văn thiết kế và quan hệ lưu lượng - mực nước tại các tuyến nghiên cứu.
c) Tính toán xác định dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi (Nghị định số 112/2008/NĐ-CP) và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có biện pháp công trình đảm bảo xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du.
d) Phân tích, so sánh các phương án để lựa chọn tuyến công trình, mực nước dâng bình thường MNDBT, mực nước chết MNC, công suất lắp máy Nlm, số tổ máy, kết cấu đập dâng, quy mô và kết cấu đập tràn, giải pháp tiêu năng, phương án đấu nối nhà máy thủy điện với hệ thống điện, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội.
đ) Đánh giá ảnh hưởng của dự án đến an toàn, điện lượng, năng lực khai thác của các công trình, dự án liền kề trên lưu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Tính toán an toàn ổn định, độ bền, chống thấm, chế độ thủy lực...của các hạng mục công trình chính như đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, đường hầm, kênh dẫn nước, bể áp lực, tháp điều áp, đường ống áp lực, nhà máy thủy điện, kênh xả, các mái đào hố móng trong mọi điều kiện làm việc của công trình.
g) Bố trí đầy đủ các thiết bị quan trắc sự làm việc của công trình và nền theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04-05:2012/BNNPTNT (Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế) và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8215:2009 (Công trình thuỷ lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế bố trí thiết bị quan trắc cụm công trình đầu mối).
h) Lập phương án đấu nối nhà máy thủy điện với hệ thống điện quốc gia, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch đấu nối các nhà máy thủy điện vào hệ thống điện quốc gia đã được phê duyệt; có văn bản thỏa thuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương án kỹ thuật đấu nối, các thiết bị đo lường, điều khiển, bảo vệ...của công trình đấu nối điện.
i) Lập phương án giao thông phục vụ thi công xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông trong khu vực; lập phương án tổ chức thi công và tiến độ đầu tư xây dựng công trình đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng tiến độ phát điện theo quy định.
k) Đánh giá kỹ các tác động của dự án đối với môi trường trong khu vực theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Trong đó, phải điều tra cụ thể diện tích chiếm dụng đất các loại (đất ở, đất trồng lúa, đất trồng màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất sông suối...) của công trình thủy điện, công trình phục vụ thi công xây dựng, vận hành khai thác, các khu và/hoặc điểm tái định cư, khu vực trồng hoàn trả diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án.
l) Có văn bản thống nhất chủ trương của các cơ quan có thẩm quyền liên quan về việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất cho dự án.
m) Lấy ý kiến của UBND các tỉnh có liên quan về các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội như: công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển mục đích sử dụng cho dự án; hoàn trả mặt bằng sau khi xây dựng công trình.
n) Đánh giá các hiệu ích kết hợp khác của dự án như: cắt giảm lũ, tạo nguồn cấp nước cho hạ du; phát triển du lịch, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản; số lao động có việc làm trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành khai thác công trình.
o) Có phương án bố trí vốn đầu tư phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng công trình; phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế - tài chính của dự án.
Thông tư 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Điều 3. Quy hoạch thủy điện
- Điều 4. Nguyên tắc lập quy hoạch thủy điện
- Điều 5. Lập quy hoạch thủy điện
- Điều 6. Nội dung, hồ sơ quy hoạch thủy điện
- Điều 7. Thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện
- Điều 8. Phê duyệt quy hoạch thủy điện
- Điều 9. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện
- Điều 10. Công bố quy hoạch thủy điện
- Điều 11. Kinh phí lập, thẩm định phê duyệt và công bố quy hoạch thủy điện
- Điều 12. Nguyên tắc quản lý đầu tư xây dựng dự án thủy điện
- Điều 13. Các yêu cầu đối với Chủ đầu tư dự án thủy điện
- Điều 14. Kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thủy điện
- Điều 15. Lựa chọn Chủ đầu tư dự án thủy điện
- Điều 16. Lập Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện
- Điều 17. Thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư thủy điện
- Điều 18. Lập, thẩm định, phê duyệt Thiết kế xây dựng công trình thủy điện
- Điều 19. Khởi công xây dựng công trình thủy điện
- Điều 20. Đầu tư xây dựng công trình đấu nối điện và truyền tải công suất của nhà máy thủy điện
- Điều 21. Quản lý thi công xây dựng công trình thủy điện
- Điều 22. Giám sát, đánh giá đầu tư xây dựng dự án thủy điện
- Điều 23. Xử lý đối với các dự án thủy điện thực hiện chậm tiến độ