Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Chương II

QUẢN LÝ QUY HOẠCH THỦY ĐIỆN

Điều 3. Quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện bao gồm quy hoạch bậc thang thủy điện, quy hoạch thủy điện tích năng và quy hoạch thủy điện nhỏ.

2. Quy hoạch bậc thang thủy điện được lập thống nhất cho từng lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính. Đối với các lưu vực sông đã phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính, cho phép lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông nhánh nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính.

3. Quy hoạch thủy điện tích năng được lập cho phạm vi toàn quốc hoặc theo từng vùng, miền của hệ thống điện quốc gia.

4. Quy hoạch thủy điện nhỏ được lập theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

Điều 4. Nguyên tắc lập quy hoạch thủy điện

1. Đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác có liên quan.

2. Đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch ngành thủy lợi, quy hoạch phát triển điện lực và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Quy hoạch thủy điện nhỏ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện tích năng đã được phê duyệt; quy hoạch thủy điện tích năng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch bậc thang thủy điện đã được phê duyệt.

Điều 5. Lập quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện được lập 01 lần và có thể được điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

2. Quy hoạch thủy điện phải do cơ quan tư vấn có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật lập.

3. Thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch thủy điện:

a) Tổng cục Năng lượng tổ chức lập quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện tích năng trong phạm vi cả nước.

b) UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn. Đối với dự án thủy điện nhỏ nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, UBND tỉnh nơi dự kiến bố trí nhà máy thủy điện thống nhất với UBND các tỉnh có liên quan để tổ chức lập quy hoạch. Trường hợp UBND các tỉnh liên quan không thống nhất, UBND tỉnh nơi dự kiến bố trí nhà máy thủy điện có văn bản báo cáo Bộ Công Thương xem xét giải quyết.

Điều 6. Nội dung, hồ sơ quy hoạch thủy điện

1. Nội dung quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện nhỏ thực hiện theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Cập nhật quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án; hiện trạng và quy hoạch các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước có liên quan trên lưu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Điều tra, khảo sát, đánh giá đầy đủ các điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, động đất kiến tạo), dân sinh, kinh tế - xã hội, giao thông vận tải, công trình lưới điện...trong khu vực nghiên cứu quy hoạch.

c) Đánh giá sự phù hợp, ảnh hưởng của các dự án thủy điện đề xuất quy hoạch đối với các quy hoạch và dự án có liên quan khác trên lưu vực.

d) Nghiên cứu các phương án sơ đồ và quy mô khai thác; đánh giá hiệu quả kinh tế - năng lượng của các dự án đề xuất để kiến nghị phương án quy hoạch.

đ) Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường (Nghị định số 29/2011/NĐ-CP).

e) Khảo sát, đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của các dự án đề xuất quy hoạch đối với dân cư, đất đai, nhu cầu khai thác và sử dụng nước phía hạ lưu. Ngoại trừ các dự án thủy điện đa mục tiêu, các dự án khác được đề xuất quy hoạch phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại hoặc không di dời quá 01 hộ dân với 01 MW công suất lắp máy.

g) Sơ bộ đánh giá và kiến nghị giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội như: xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng hoàn trả diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án.

h) Xếp hạng thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án kiến nghị trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và tác động môi trường - xã hội của từng dự án.

2. Nội dung quy hoạch thủy điện tích năng bao gồm:

a) Các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này.

b) Cập nhật kết quả dự báo cung - cầu điện và các biểu đồ phụ tải của hệ thống điện trong nghiên cứu quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; cập nhật hiện trạng vận hành của các nhà máy điện và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện có liên quan của hệ thống điện.

c) Phân tích, đánh giá sự cần thiết và quy mô của các dự án thủy điện tích năng trong việc phát điện phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống điện quốc gia.

3. Hồ sơ quy hoạch thủy điện bao gồm bản in trên giấy có đóng dấu của cơ quan tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định và đĩa CD bao gồm đầy đủ các nội dung quy hoạch nêu tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này (sau đây gọi là bộ hồ sơ quy hoạch thủy điện).

Điều 7. Thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện

1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch thủy điện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt quy hoạch, kèm theo 01 bộ hồ sơ quy hoạch thủy điện.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản trình duyệt và bộ hồ sơ quy hoạch thủy điện, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định và có văn bản kèm theo 01 bản sao bản in của hồ sơ quy hoạch gửi các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến về quy hoạch thủy điện theo quy định.

3. Các cơ quan, đơn vị liên quan được lấy ý kiến về quy hoạch thủy điện nêu tại khoản 2 Điều này gồm:

a) Đối với quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện tích năng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh khu vực dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan khác (nếu cần thiết).

b) Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan khác (nếu cần thiết).

4. Nội dung thẩm định, góp ý kiến về quy hoạch thủy điện phải bao gồm:

a) Sự phù hợp của đề xuất quy hoạch thủy điện với các dự án, công trình hiện có và chiến lược, quy hoạch liên quan khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Mức độ tin cậy, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các tài liệu, số liệu được sử dụng để lập quy hoạch.

c) Sự phù hợp về mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của hệ thống bậc thang và của từng dự án đề xuất quy hoạch.

d) Đánh giá các tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội của các dự án đề xuất quy hoạch.

đ) Sự phù hợp của tiến độ đầu tư xây dựng các dự án kiến nghị trong quy hoạch với hiện trạng công trình lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn.

5. Các cơ quan, đơn vị liên quan được lấy ý kiến về quy hoạch thủy điện có trách nhiệm trả lời Bộ Công Thương trong thời hạn nêu tại văn bản lấy ý kiến. Quá thời hạn nêu trên, nếu các cơ quan, đơn vị nào không có ý kiến thì được coi như đã đồng ý với nội dung quy hoạch.

6. Sau khi có kết quả thẩm định và văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch thủy điện, trong thời gian 05 ngày làm việc, Bộ Công Thương có văn bản tổng hợp ý kiến thẩm định, gửi cơ quan trình duyệt quy hoạch để phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu hoàn chỉnh nội dung và hồ sơ quy hoạch thủy điện.

7. Cơ quan trình duyệt quy hoạch có trách nhiệm báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm định nêu tại khoản 6 Điều này, gửi Bộ Công Thương kèm theo hồ sơ quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan để xem xét phê duyệt quy hoạch thủy điện.

Điều 8. Phê duyệt quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện được phê duyệt phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có đủ hồ sơ và nội dung quy hoạch theo quy định.

b) Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, dự án và công trình có liên quan.

c) Các tài liệu, số liệu, kết quả tính toán, phân tích trong quy hoạch đảm bảo chất lượng và độ chính xác.

d) Khai thác hợp lý nguồn thủy năng của lưu vực nghiên cứu, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, đạt được lợi ích cao nhất cho xã hội và nhà nước.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và hồ sơ quy hoạch nêu tại khoản 7 Điều 7 của Thông tư này, Bộ Công Thương xem xét và có quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều này hoặc có văn bản trả lời cơ quan trình duyệt quy hoạch về lý do quy hoạch thủy điện không (hoặc chưa) được phê duyệt.

3. Nội dung chính phê duyệt quy hoạch thủy điện bao gồm:

a) Thông tin về vị trí dự kiến xây dựng công trình (tọa độ địa lý, tên xã - huyện - tỉnh, tên sông - suối), sơ đồ khai thác, các nhiệm vụ và thông số kỹ thuật chính (diện tích lưu vực đến tuyến đập Flv, mực nước dâng bình thường MNDBT, mực nước chết MNC, dung tích phòng lũ Wpl (nếu có), mực nước hạ lưu nhà máy nhỏ nhất MNHLmin, công suất lắp máy Nlm và điện lượng bình quân năm Eo) của các dự án.

b) Những vấn đề kinh tế - kỹ thuật, môi trường - xã hội của các dự án cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng.

c) Tiến độ dự kiến hoặc thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án.

4. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi phê duyệt quy hoạch thủy điện, Bộ Công Thương gửi 01 bản gốc quyết định phê duyệt kèm theo 01 bản sao hồ sơ quy hoạch hoàn chỉnh cho UBND tỉnh và Sở Công Thương khu vực có dự án thủy điện; gửi 01 bản gốc quyết định phê duyệt đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Điều 9. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện được điều chỉnh, bổ sung trong các trường hợp sau:

a) Điều chỉnh nội dung phê duyệt quy hoạch nêu tại điểm a khoản 3 Điều 8 của Thông tư này đối với các dự án thuộc quy hoạch thủy điện đã được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội hoặc để phù hợp với quy hoạch khác có liên quan.

b) Bổ sung các dự án vào quy hoạch thủy điện đã được phê duyệt.

2. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện thực hiện như sau:

a) Đối với các dự án quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Chủ đầu tư dự án trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kèm theo Báo cáo điều chỉnh quy hoạch với nội dung theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này hoặc hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này. Việc lấy ý kiến (nếu cần thiết) và trả lời ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan về nội dung điều chỉnh quy hoạch của dự án thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 7 của Thông tư này.

b) Đối với các dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này.

Điều 10. Công bố quy hoạch thủy điện

1. Quy hoạch thủy điện phải được công bố trong thời gian 30 ngày kể từ ngày phê duyệt để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan biết, triển khai thực hiện.

2. Bộ Công Thương công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện tích năng trên toàn quốc đã được phê duyệt.

3. UBND tỉnh công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt.

Điều 11. Kinh phí lập, thẩm định phê duyệt và công bố quy hoạch thủy điện

1. Kinh phí cho việc lập, thẩm định phê duyệt và công bố quy hoạch thủy điện (kể cả điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện) được cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

2. Bộ Công Thương đăng ký ngân sách trung ương theo kế hoạch năm phục vụ việc lập, thẩm định phê duyệt, công bố các quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện tích năng; UBND tỉnh đăng ký ngân sách của tỉnh theo kế hoạch năm phục vụ việc lập, thẩm định phê duyệt và công bố quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.

3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí tại khoản 1 Điều này thực hiện theo đúng các quy định liên quan của pháp luật.

4. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh phí và tham gia tổ chức lập quy hoạch thủy điện để phát triển nguồn thủy điện sau khi được cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư này chấp thuận. khoản kinh phí này được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành về đơn giá, định mức chi phí cho công tác quy hoạch phát triển điện lực.

Thông tư 43/2012/TT-BCT quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 43/2012/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Dương Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH