Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 42/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương III

PHÂN BỔ NGUỒN NƯỚC

Điều 16. Nguyên tắc phân bổ nguồn nước

1. Phân bổ nguồn nước phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có xét đến quy hoạch khai thác, sử dụng nước của các ngành và các yêu cầu chuyển nước nếu có.

2. Mức độ chi tiết của quy hoạch phụ thuộc vào tài liệu hiện có, mức độ thiếu nước, cạnh tranh sử dụng nước trong vùng quy hoạch.

3. Phải xác định lượng nước có thể phân bổ trước khi tiến hành phân bổ cho các đối tượng sử dụng nước.

4. Dòng chảy tối thiểu phải được bảo đảm trước khi xác định lượng nước có thể phân bổ.

5. Các mục đích ưu tiên sử dụng nước cho ổn định xã hội, phát triển chiến lược, thỏa thuận quốc tế phải được bảo đảm trước khi phân bổ cho các đối tượng sử dụng nước.

6. Phải đánh giá hiệu quả của mục đích sử dụng nước ở các khu vực thiếu nước khi phân bổ nguồn nước.

7. Phải có phương án phân bổ nguồn nước cụ thể, phù hợp với sự biến động nguồn nước hàng năm và theo mùa.

8. Phải có phương án chia sẻ lượng nước đã được phân bổ hàng năm theo vùng đến các địa phương và đối tượng sử dụng nước.

9. Các phương án phân bố nguồn nước phải có tính linh hoạt để chủ động ứng phó các tình huống không lường trước do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn.

Điều 17. Các yếu tố chủ yếu cần xem xét khi phân bổ nguồn nước

1. Lượng nước sử dụng thực tế của các đối tượng sử dụng nước:

a) Lượng nước sử dụng cho từng mục đích sử dụng;

b) Nhu cầu sử dụng nước hiện tại;

c) Hiệu quả sử dụng nước, giá trị kinh tế sử dụng nước;

d) Chức năng nguồn nước.

2. Mức độ phụ thuộc vào nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước.

3. Diện tích của vùng so với diện tích toàn vùng quy hoạch.

4. Dân số của vùng so với dân số toàn vùng quy hoạch.

5. Lượng nước đóng góp của vùng so với lượng nước có thể phân bổ trên toàn vùng quy hoạch.

6. Nhu cầu sử dụng nước cho tăng trưởng GDP của các vùng, tăng trưởng của ngành theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

7. Giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị nước sử dụng.

Điều 18. Thu thập, điều tra bổ sung tài liệu liên quan đến phân bổ nguồn nước

1. Thu thập, điều tra bổ sung tài liệu nhằm có được thông tin chi tiết về: Đặc điểm nguồn nước; hiện trạng sử dụng nước; nhu cầu sử dụng nước để đáp ứng kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống trên vùng quy hoạch; lượng nước để thực hiện các thỏa thuận sử dụng nước liên lưu vực và thỏa thuận liên quốc gia.

2. Loại tài liệu và mức độ chi tiết của tài liệu thu thập bổ sung được quy định tại Phụ lục 01 Thông tư này.

Điều 19. Đánh giá tổng lượng tài nguyên nước

Tổng lượng tài nguyên nước bao gồm tổng lượng tài nguyên nước mặt, tổng lượng tài nguyên nước dưới đất và lượng nước chuyển đến lưu vực, được xác định cụ thể như sau:

1. Tổng lượng tài nguyên nước mặt tại điểm phân bổ được xác định trên cơ sở dòng chảy trung bình năm tại điểm phân bổ.

2. Tổng lượng tài nguyên nước dưới đất được xác định trên cơ sở trữ lượng động tự nhiên, trữ lượng tĩnh tự nhiên, trữ lượng bổ sung nhân tạo và trữ lượng cuốn theo.

3. Lượng nước chuyển đến lưu vực được xác định tại điểm phân bổ dựa trên lượng dòng chảy thực tế trung bình năm được chuyển đến lưu vực.

Điều 20. Xác định lượng nước có thể sử dụng

Lượng nước có thể sử dụng bao gồm tổng lượng nước mặt có thể sử dụng và lượng nước dưới đất có thể khai thác ổn định, được xác định cụ thể như sau:

1. Lượng nước mặt có thể sử dụng được xác định trên cơ sở tổng lượng tài nguyên nước mặt trừ đi lượng nước chuyển ra khỏi lưu vực và lượng nước lũ không thể trữ được.

2. Lượng nước dưới đất có thể khai thác ổn định được xác định trên cơ sở lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước mà không làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và biến đổi môi trường vượt mức cho phép.

3. Xác định lượng nước có thể sử dụng được tính toán theo các tháng, năm, mùa mưa, mùa khô theo các tần suất khác nhau.

Điều 21. Lượng nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu

1. Lượng nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu được xác định tại điểm phân bổ và phải xác định trước khi phân bổ nguồn nước.

2. Dòng chảy tối thiểu tại điểm phân bổ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Bảo đảm duy trì dòng chảy và chất lượng nguồn nước trong sông;

b) Bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh;

c) Bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nước của các đối tượng sử dụng nước.

Điều 22. Xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước

1. Xác định nguồn cấp nước sinh hoạt có nguy cơ xảy ra sự cố ô nhiễm ở khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội.

2. Xác định lượng nước dự phòng:

a) Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt tối thiểu và số dân được cấp nước sinh hoạt;

b) Khoảng thời gian có thể cấp nước dự phòng;

c) Tổng lượng nước dự phòng.

3. Xác định nguồn nước dự phòng như sau:

a) Nguồn nước lân cận có khả năng đáp ứng cho sinh hoạt của nguồn nước bị sự cố ô nhiễm;

b) Vị trí có thể khai thác, sử dụng.

Điều 23. Lượng nước bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu trước khi phân bổ

1. Lượng nước tối thiểu cho ăn uống, sinh hoạt.

2. Lượng nước bảo đảm duy trì các hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước ở khu vực nông thôn.

3. Lượng nước dành cho các mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển vùng.

4. Lượng nước quy định trong các thỏa thuận liên tỉnh, liên quốc gia.

5. Lượng nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Điều 24. Xác định lượng nước có thể phân bổ

Lượng nước có thể phân bổ được xác định dựa trên lượng nước có thể sử dụng trừ đi lượng nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu, lượng nước bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu, được tính toán cho từng thời điểm; có tính đến lượng nước bổ sung từ các công trình khai thác, sử dụng, công trình điều tiết và phát triển nguồn nước xây dựng trong kỳ quy hoạch.

Điều 25. Đánh giá lượng nước sử dụng thực tế của các đối tượng sử dụng nước

1. Xác định lượng nước khai thác, sử dụng theo tháng, năm gồm:

a) Tổng lượng nước khai thác, sử dụng của từng nguồn nước;

b) Tỷ lệ giữa lượng nước khai thác, sử dụng thực tế so với lượng nước có thể sử dụng của từng nguồn nước;

c) Lượng nước khai thác, sử dụng của đối tượng sử dụng trên toàn vùng quy hoạch.

2. Đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hiện tại cho các mục đích sử dụng nước theo từng nguồn nước.

3. Đánh giá hiệu quả sử dụng nước theo các mục đích sử dụng nước.

Điều 26. Dự báo nhu cầu sử dụng nước

Dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các đối tượng sử dụng nước theo tháng, năm như sau:

1. Rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu sử dụng nước trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch các ngành kinh tế - xã hội đã được phê duyệt phù hợp với kỳ quy hoạch.

2. Trường hợp chưa có quy hoạch các ngành có sử dụng nước, dự báo nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch dựa vào các quy định về tiêu chuẩn sử dụng nước của các ngành kinh tế - xã hội.

Điều 27. Phân vùng chức năng của nguồn nước

Căn cứ chức năng nguồn nước đã xác định sơ bộ trong giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch và định hướng khai thác, sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, phân vùng chức năng nguồn nước như sau:

1. Xác định phạm vi mục đích sử dụng nước của các nguồn nước.

2. Xác định yêu cầu về nguồn nước để đáp ứng mục đích sử dụng theo các mục tiêu quy hoạch.

3. Tổng hợp các mục đích sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước và phân vùng chức năng của từng nguồn nước.

Điều 28. Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước

Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước được xác định theo vùng và mục đích sử dụng nước. Căn cứ vào đặc điểm lưu vực, quy mô vùng quy hoạch, thứ tự ưu tiên được xác định theo các tiêu chí sau:

1. Ưu tiên phân bổ theo vùng:

a) Dựa trên thỏa thuận sử dụng nước giữa các vùng;

b) Căn cứ vào quyết định của các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Ưu tiên phân bổ theo các mục đích sử dụng nước chủ yếu sau:

a) Sinh hoạt;

b) Sản xuất nông nghiệp;

c) Nuôi trồng thủy sản;

d) Sản xuất điện;

đ) Sản xuất công nghiệp;

e) Giao thông thủy;

g) Bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, cải tạo môi trường;

h) Khai thác chế biến khoáng sản.

Điều 29. Xác định lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước

Dựa trên lượng nước có thể phân bổ đã được xác định theo các tháng, mùa, năm với các tần suất khác nhau tại điểm phân bổ và trên cơ sở các yếu tố cần phải xem xét khi phân bổ tại Điều 17 Thông tư này, xác định lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng trong phạm vi vùng quy hoạch.

Điều 30. Xác định lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng

1. Khi phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước phải có phương án phân bổ cụ thể trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

2. Lượng nước phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải được xác định tại các vị trí lấy nước từ đoạn sông, hồ, tầng chứa nước theo trình tự như sau:

a) Xác định khu vực, thời điểm xảy ra hạn hán, thiếu nước;

b) Xác định các đối tượng sử dụng nước bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng;

c) Xác định lượng nước tối thiểu cho ăn uống, sinh hoạt;

d) Xác định lượng nước tối thiểu cần phải dành cho các đối tượng sử dụng nước còn lại.

Điều 31. Xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước

Trong trường hợp cần thiết, xác định công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước theo các nội dung:

1. Lượng nước còn thiếu của các tiểu vùng.

2. Thời điểm xảy ra thiếu nước.

3. Loại hình, nhiệm vụ, vị trí của công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước.

Điều 32. Xác định nhu cầu chuyển nước

Trường hợp lưu vực hoặc tiểu lưu vực có lượng nước phân bổ không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng và không có khả năng xây dựng bổ sung các công trình phát triển nguồn nước trong kỳ quy hoạch, nhu cầu chuyển nước đến được xác định như sau:

1. Nhu cầu chuyển nước giữa các tiểu lưu vực trong lưu vực sông:

a) Xác định các tiểu lưu vực sông khan hiếm nguồn nước có nhu cầu chuyển nước trong kỳ quy hoạch;

b) Xác định các tiểu lưu vực sông có khả năng chuyển nước cho các tiểu lưu vực sông khan hiếm nước lân cận;

c) Xác định nguồn nước, vị trí chuyển nước và lượng nước có thể chuyển;

d) Sơ bộ xác định lợi ích kinh tế của việc chuyển nước;

đ) Xác định ảnh hưởng của việc chuyển nước đến việc khai thác, sử dụng nước, duy trì dòng chảy, kiểm soát lũ và tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt trong mùa khô.

2. Xác định nhu cầu chuyển liên lưu vực

Rà soát sự phù hợp của việc chuyển nước liên lưu vực có liên quan đến vùng quy hoạch đã được xác định trong quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước, kiến nghị các điều chỉnh (nếu có).

Điều 33. Mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước

1. Mạng giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước nhằm có được thông tin về hiện trạng nguồn nước và kiểm soát lượng nước được phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước phục vụ công tác điều hành phân bổ nguồn nước.

2. Xác định mạng giám sát gồm: Vị trí, thông số, thời gian và tần suất quan trắc.

3. Cơ sở xác định vị trí quan trắc:

a) Điểm phân lưu, nhập lưu của các sông;

b) Đặc điểm tầng chứa nước;

c) Trạm quan trắc thủy văn, tài nguyên nước;

d) Ranh giới hành chính;

đ) Công trình khai thác, sử dụng và phát triển nguồn nước;

e) Nguồn nước dự phòng cho các ngành ưu tiên phát triển.

4. Lập kế hoạch đầu tư, quản lý trạm quan trắc và xác định các tổ chức có liên quan thực hiện giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng nước.

Thông tư 42/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 42/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/09/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thái Lai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1073 đến số 1074
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH