Hệ thống pháp luật

Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 9. Xây dựng bãi chuẩn hiệu chỉnh mặt phẳng và độ cao

1. Số lượng bãi chuẩn hiệu chỉnh: phụ thuộc vào phạm vi bay quét LiDAR, hình dạng phân khu và đặc điểm địa hình đặc trưng có trong phân khu để xây dựng bãi chuẩn hiệu chỉnh. Yêu cầu xây dựng tối thiểu hai (02) bãi chuẩn hiệu chỉnh để phục vụ cho việc hiệu chỉnh mặt phẳng, độ cao và kiểm tra.

2. Bố trí các bãi chuẩn hiệu chỉnh: các bãi chuẩn hiệu chỉnh cần được bố trí phù hợp với đặc điểm, địa hình khu đo, không bố trí các bãi chuẩn hiệu chỉnh gần nhau mà phải ở các vị trí tương đối đều trong khu đo.

3. Lựa chọn khu vực đo đạc bãi chuẩn hiệu chỉnh: các bãi chuẩn hiệu chỉnh phải được lựa chọn ở các khu vực có địa hình bằng phẳng, dễ nhận biết, tối ưu cho khả năng chỉ phản hồi xung laser duy nhất. Khi khảo sát để lựa chọn bãi chuẩn hiệu chỉnh cần ưu tiên chọn tại các khu vực bãi đất trống, sân vận động, quảng trường, đường lớn.

4. Đo đạc bãi chuẩn hiệu chỉnh:

a) Phải xây dựng lưới khống chế đo vẽ tại bãi chuẩn hiệu chỉnh trong trường hợp không thể sử dụng trực tiếp các điểm khống chế mặt phẳng, độ cao cho đo đạc các điểm chi tiết;

b) Tại mỗi bãi chuẩn hiệu chỉnh, sử dụng các thiết bị đo đạc chính xác như máy toàn đạc điện tử, máy thủy chuẩn, máy thu GNSS xác định tọa độ, độ cao tối thiểu 50 điểm chi tiết trên mặt đất và tối thiểu 5 đồ hình địa vật sắc nét có sự tương phản khác biệt lớn với các địa vật xung quanh như: nhà, sân, bãi cỏ.

5. Sai số xác định tọa độ, độ cao các điểm chi tiết được quy định tại bảng 1.

Bảng 1

Độ chính xác của DEM cần thành lập

Sai số (m)

Mặt phẳng

Độ cao

0,2 m - 0,3 m

0,15

0,10

0,4 m - 0,5 m

0,20

0,15

1,0 m

0,30

0,20

6. Trường hợp không đo đồ hình địa vật sắc nét phải tiến hành xây dựng dấu mốc theo quy định như sau:

a) Dấu mốc phải được làm tại khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, không có thực phủ xung quanh. Hình dạng dấu mốc có thể là hình tròn, hình chữ thập có kích thước phụ thuộc mật độ điểm phản xạ xung laser với điều kiện các cánh của hình chữ thập (hoặc đường kính của đường tròn) không được nhỏ hơn hai (02) lần khoảng cách giữa các điểm phản xạ xung laser. Chất liệu phủ bề mặt của dấu mốc phải đảm bảo có độ phản xạ tốt với các xung laser và màu phải có độ tương phản cao với địa hình xung quanh;

b) Trường hợp dấu mốc là hình tròn thì tọa độ và độ cao của tâm dấu mốc phải được xác định chính xác ngoài thực địa. Trường hợp là hình chữ thập còn phải đo thêm vị trí của 8 điểm góc của 4 cánh hình chữ thập. Sai số xác định tọa độ, độ cao các điểm theo quy định tại bảng 1.

Thông tư 39/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thành lập mô hình số độ cao bằng công nghệ bay quét LiDAR do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 39/2014/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/07/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 719 đến số 720
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra