Hệ thống pháp luật

Điều 26 Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 26. Quy định chuyển tiếp đối với các khoản góp vốn, mua cổ phần

Tại thời điểm Thông tư có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng có các khoản góp vốn, mua cổ phần không đảm bảo các quy định tại Điều 103, Điều 110, Điều 115, Điều 129 và Điều 135 Luật các tổ chức tín dụngĐiều 18, Điều 19 và Điều 20 Thông tư này được xử lý như sau:

1. Ngân hàng thương mại đang trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Các hoạt động kinh doanh mà ngân hàng thương mại đang trực tiếp thực hiện; số lượng hợp đồng và tổng giá trị các hợp đồng đối với từng hoạt động kinh doanh;

b) Biện pháp và kế hoạch khắc phục để bảo đảm trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

2. Công ty tài chính đang có các khoản góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Danh sách tổ chức tín dụng mà công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh); mức góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính tại từng tổ chức tín dụng so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận vốn góp;

b) Biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

3. Công ty tài chính có công ty con, công ty liên kết hoạt động ngoài các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Luật các tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Danh sách các công ty con, công ty liên kết hoạt động ngoài các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức vốn điều lệ của từng công ty con, công ty liên kết; mức góp vốn, mua cổ phần của công ty tài chính tại từng công ty con, công ty liên kết (số tiền đã góp vốn, mua cổ phần và tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần so với vốn điều lệ của công ty con, công ty liên kết);

b) Biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

4. Công ty cho thuê tài chính đã thành lập công ty con, công ty liên kết hoặc có các khoản góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Danh sách các doanh nghiệp mà công ty cho thuê tài chính đã góp vốn, mua cổ phần (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức góp vốn, mua cổ phần của công ty cho thuê tài chính tại từng tổ chức, doanh nghiệp so với vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức nhận vốn góp;

b) Danh sách các công ty con, công ty liên kết do công ty cho thuê tài chính thành lập (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức vốn điều lệ của công ty con, công ty liên kết và tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của công ty cho thuê tài chính so với vốn điều lệ của công con, công ty liên kết;

c) Biện pháp, kế hoạch thoái vốn để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

5. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính có các khoản góp vốn, mua cổ phần vượt các giới hạn quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụngkhoản 5 Điều 18 Thông tư này:

a) Không được thực hiện thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần nào cho đến khi bảo đảm tuân thủ các quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng và khoản 5 Điều 18 Thông tư này;

b) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

(i) Danh sách cụ thể các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác mà doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này là cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng thương mại, công ty tài chính, người có liên quan của cổ đông lớn, của người quản lý của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức nhận vốn góp) và khoản góp vốn, mua cổ phần đối với từng đối tượng này, tổng số tiền đã góp, mua cổ phần, tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần so với vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức nhận vốn góp;

(ii) Danh sách các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn, người có liên quan của cổ đông lớn, của người quản lý của ngân hàng thương mại, công ty tài chính mà ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhận vốn góp), tổng số tiền đã góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần so với vốn điều lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhận vốn góp;

(iii) Biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

6. Ngân hàng thương mại có các khoản mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác vượt quá giới hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư này:

a) Ngân hàng thương mại không được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác đó cho đến khi tuân thủ quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư này, trừ trường hợp nhận cố tức bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác đó;

b) Người đại diện theo ủy quyền phần vốn góp của ngân hàng thương mại là thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng nhận góp vốn phải làm đơn xin từ chức thành viên Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng nhận góp vốn để Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm, bãi nhiệm chậm nhất vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực;

c) Ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

(i) Danh sách cụ thể từng tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đang nắm giữ cổ phần và các khoản mua, nắm giữ cổ phiếu tại từng tổ chức tín dụng, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại từng tổ chức tín dụng, mức nắm giữ cổ phiếu;

(ii) Biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

7. Công ty con, công ty liên kết của cùng một ngân hàng thương mại, một công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần của nhau, ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

a) Danh sách cụ thể các công ty con, công ty liên kết (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh) đã góp vốn, mua cổ phần của nhau; mức góp vốn, mua cổ phần của các công ty con, công ty liên kết đó với nhau;

b) Biện pháp và kế hoạch xử lý để thông qua quyền cổ đông, thành viên góp vốn của mình tại công ty con, công ty liên kết đảm bảo các công ty con, công ty liên kết đó không thực hiện thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần nào của nhau và bảo đảm trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

8. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần của công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát ngân hàng thương mại, công ty kiểm soát công ty tài chính:

a) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính không thực hiện thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần nào của công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát ngân hàng thương mại, công ty kiểm soát công ty tài chính;

b) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

(i) Danh sách cụ thể từng công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát ngân hàng thương mại, công ty kiểm soát công ty tài chính mà ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã tham gia góp vốn, mua cổ phần (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tại từng công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát ngân hàng thương mại, công ty kiểm soát công ty tài chính so với vốn điều lệ của công ty con, công ty liên kết nhận vốn góp;

(ii) Biện pháp và kế hoạch thoái vốn của công ty con, công ty liên kết để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

9. Công ty con, công ty liên kết của cùng một ngân hàng thương mại, một công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần của chính ngân hàng thương mại, công ty tài chính đó:

a) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính không được nhận thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần nào của công ty con, công ty liên kết; công ty con, công ty liên kết không được góp vốn, mua cổ phần bổ sung của ngân hàng thương mại, công ty tài chính;

b) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

(i) Danh sách cụ thể từng công ty con, công ty liên kết đã góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại, công ty tài chính (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức góp vốn, mua cổ phần của từng công ty con, công ty liên kết tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính so với vốn điều lệ của ngân hàng thương mại, công ty tài chính;

(ii) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

10. Ngân hàng thương mại, công ty tài chính là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát đã góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó:

a) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính không được thực hiện thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát; công ty kiểm soát không được thực hiện thêm bất kỳ khoản góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại, công ty tài chính;

b) Ngân hàng thương mại, công ty tài chính phải xây dựng phương án xử lý, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:

(i) Danh sách cụ thể công ty kiểm soát mà ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã góp vốn, mua cổ phần (tên, địa chỉ, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh); mức góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại, công ty tài chính so với vốn điều lệ của công ty kiểm soát;

(ii) Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 36/2014/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phước Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1033 đến số 1034
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH