Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 33/2017/TT-BTC quy định chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Chương IV

KIỂM KÊ VÀ XỬ LÝ THỪA THIẾU TIỀN MẶT, GIẤY TỜ CÓ GIÁ, TÀI SẢN QUÝ

Mục 1. KIỂM KÊ TIỀN MẶT, GIẤY TỜ CÓ GIÁ, TÀI SẢN QUÝ

Điều 32. Kiểm kê tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý cuối ngày

1. Đối với tiền mặt:

a) Hàng ngày, khi hết giờ giao dịch, Trưởng ban Quản lý kho, thành viên Ban Quản lý kho là kế toán trưởng phải thực hiện kiểm kê tồn quỹ tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý thực tế đến cuối ngày.

b) Đối với bó, túi, gói còn nguyên niêm phong phải trực tiếp kiểm tra, xem xét việc đóng bó và niêm phong. Đối với thếp lẻ, tờ lẻ, miếng lẻ thì phải kiểm đếm từng tờ, miếng. Kiểm đếm xong, người kiểm đếm phải đóng bó, niêm phong đúng quy định. Nếu xét thấy cần thiết, có thể mở một số bó hoặc tất cả các bó để kiểm đếm lại theo từng; tờ, miếng.

c) Đối chiếu số liệu thực tế đã kiểm kê với số dư trên sổ quỹ, sổ kế toán; nếu có chênh lệch giữa thực tế với sổ sách thì phải tìm nguyên nhân và xử lý theo đúng quy định.

d) Kiểm kê xong, trưởng ban Quản lý kho, thành viên Ban Quản lý kho là kế toán trưởng, thủ quỹ phải ký trên sổ quỹ, sổ kế toán và sổ kiểm quỹ.

đ) Trưởng ban Quản lý kho có thể huy động một số công chức giúp việc thực hiện kiểm kê.

2. Đối với giấy tờ có giá:

a) Hàng ngày, khi hết giờ giao dịch, kế toán bàn, thủ quỹ bàn phải đối chiếu có sự kiểm soát của thành viên Ban Quản lý kho là kế toán trưởng, đảm bảo số giấy tờ có giá còn lại cuối ngày khớp đúng với số tồn đầu ngày cộng với số nhận trong ngày (nếu có) trừ đi số đã sử dụng trong ngày; tổng số tiền thu được của các loại mệnh giá phải khớp đúng với số liệu trên sổ kế toán và sổ quỹ.

b) Sau khi đối chiếu đảm bảo khớp đúng, thủ quỹ bàn, kế toán bàn và thành viên Ban Quản lý kho là kế toán trưởng ký vào Sổ theo dõi tình hình sử dụng giấy tờ có giá.

3. Đối với tài sản quý: Nếu có phát sinh nhập, xuất thì Ban Quản lý kho kiểm kê, đối chiếu số tồn thực tế với sổ sách đảm bảo khớp đúng đồng thời ký tên trên sổ theo dõi tài sản quý.

Điều 33. Kiểm kê định kỳ, đột xuất kho tiền

1. Kiểm kê, đảo kho định kỳ kho tiền được thực hiện cuối giờ ngày làm việc của ngày làm việc cuối cùng của tất cả các tháng trong năm.

2. Kiểm kê đột xuất được tiến hành trong các trường hợp:

a) Khi thay đổi thành viên Ban Quản lý kho tiền, khi thực hiện ủy quyền;

b) Khi có nghi vấn kẻ gian đột nhập kho, quỹ;

c) Khi có sai lệch về tài sản, số liệu kho quỹ;

d) Khi có quyết định của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp trên.

Mục 2. XỬ LÝ THỪA, THIẾU TIỀN MẶT, GIẤY TỜ CÓ GIÁ, TÀI SẢN QUÝ

Điều 34. Nguyên tắc xử lý thừa, thiếu

1. Thừa tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý:

a) Thừa tiền mặt do tiền lẻ phát sinh trong giao dịch, cuối tháng kế toán lập phiếu thu, hạch toán số tiền này vào tài khoản tiền gửi của Kho bạc.

b) Thừa tiền mặt chưa rõ nguyên nhân, kế toán lập phiếu thu, hạch toán số tiền này vào tài khoản thừa, thiếu chờ xử lý; thừa giấy tờ có giá, tài sản quý chưa rõ nguyên nhân, kế toán lập phiếu thu, hạch toán số thừa vào tài khoản ngoại bảng chờ xử lý.

2. Thiếu, mất tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý:

a) Thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong bó, túi nguyên niêm phong của Kho bạc thì công chức có tên ký trên niêm phong chịu trách nhiệm bồi hoàn.

b) Thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý do công chức nào quản lý thì công chức đó chịu trách nhiệm bồi hoàn.

c) Không được lấy số tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý thừa bù trừ cho số tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý thiếu (chỉ được bù trừ của bó thừa cho bó thiếu nếu trên niêm phong ghi tên của cùng một người đã kiểm đếm, đóng gói trong cùng một ngày).

Điều 35. Xử lý khi phát hiện thừa, thiếu tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong kho quỹ

1. Mọi trường hợp phát hiện thừa, thiếu tiền mặt (trừ trường hợp tiền lẻ phát sinh trong giao dịch), giấy tờ có giá, tài sản quý trong kho tiền, ở quầy giao dịch và trên đường vận chuyển phải báo cáo ngay với Thủ trưởng đơn vị có kho tiền.

2. Thủ trưởng đơn vị có kho tiền cùng các thành phần có trách nhiệm quản lý phải kiểm kê ngay toàn bộ tiền, tài sản của nơi xảy ra thừa, thiếu; lập biên bản, xác định rõ mức độ, nguyên nhân, quy trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân gây ra thừa, thiếu; có biện pháp kịp thời để thu hồi tài sản bị thiếu, mất; đồng thời, điện báo Kho bạc Nhà nước cấp trên chậm nhất trong 24 giờ kể từ khi xảy ra vụ việc.

3. Những vụ thiếu, mất tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý có dấu hiệu do kẻ gian đột nhập lấy cắp, cướp; do tham ô, lợi dụng (có yếu tố cấu thành tội phạm), phải giữ nguyên hiện trường và báo cáo ngay cơ quan công an địa phương và thủ trưởng Kho bạc Nhà nước cấp trên.

4. Trường hợp phát hiện có tiền giả trong kho quỹ Kho bạc Nhà nước, phải xác định rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm; người có tên trên niêm phong bó tiền hoặc người thực hiện kiểm đếm thếp, tờ lẻ, thỏi lẻ có tiền giả phải chịu trách nhiệm bồi hoàn đủ giá trị thiếu mất.

5. Đối với các vụ việc thừa, thiếu, mất tiền có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, Kho bạc Nhà nước tỉnh ngoài việc điều tra, xác minh, xử lý còn phải lập hồ sơ, báo cáo kịp thời, đầy đủ với Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 33/2017/TT-BTC quy định chế độ quản lý tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý trong hệ thống Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 33/2017/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/04/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 353 đến số 354
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH