Hệ thống pháp luật

Điều 15 Thông tư 32/2014/TT-BGTVT hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Điều 15. Kiểm tra kỹ thuật các công trình trên đường GTNT

1. Kiểm tra kỹ thuật các công trình trên đường GTNT là việc xem xét bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng để đánh giá thực trạng công trình nhằm phát hiện các dấu hiệu hư hỏng của công trình trên đường GTNT, bao gồm: kiểm tra kỹ thuật phần đường, đường ngầm, bến phà đường bộ và hầm đường bộ.

2. Kiểm tra kỹ thuật phần đường:

a) Kiểm tra nền đường tại các vị trí có khả năng lún, sụt lở ta luy, đá lăn tại khu vực đường đi qua khu vực vách núi, các đoạn đường đèo, dốc cao nguy hiểm, các vị trí có nguy cơ ngập nước; kiểm tra sự ổn định và đánh giá các hư hỏng (nếu có) của các công trình kè, tường chắn;

b) Kiểm tra sự làm việc của mặt đường thông qua đánh giá độ bằng phẳng, dốc ngang, các hiện tượng trơn trượt; đánh giá các hư hỏng trên mặt đường, lề đường;

c) Kiểm tra khả năng thoát nước và tình trạng làm việc của hệ thống thoát nước (cống, rãnh dọc, hố thu, hố thăm, rãnh xương cá ở lề đường và các hạng mục khác); đánh giá các hư hỏng khác (nếu có);

d) Kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống biển báo hiệu đường bộ và các công trình an toàn giao thông.

3. Kiểm tra kỹ thuật đường ngầm thực hiện theo Quy trình quản lý, vận hành khai thác đường ngầm và một số quy định sau:

a) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của đường ngầm trước và sau khi kết thúc mùa mưa bão để có biện pháp sửa chữa khắc phục các hư hỏng (nếu có). Nội dung kiểm tra tập trung vào tình trạng ổn định, các hư hỏng (nếu có) của kè, móng, mái và thân nền đường ngầm; chiều rộng, hiện tượng nứt, vỡ, bong bật, ổ gà, trồi, lún của kết cấu mặt đường ngầm; hệ thống cọc tiêu hai bên đường ngầm, các biển báo hiệu đường bộ, bảng hướng dẫn, cột thủy chuẩn;

b) Trong mùa mưa bão, kiểm tra phát hiện các hư hỏng phát sinh để kịp thời sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

4. Kiểm tra đối với bến phà đường bộ thực hiện theo Quy trình quản lý, vận hành khai thác của bến phà và một số quy định sau:

a) Kiểm tra sự làm việc của bến phà (đoạn đường nối bến với phần đường, nền và mặt bến phà, hạng mục công trình đầu bến, khu vực mép nước và hai bên bến phà và các công trình khác thuộc bến); kiểm tra tình trạng hệ thống báo hiệu đường bộ, bảng hướng dẫn và công trình an toàn giao thông; kiểm tra, đánh giá các hư hỏng (nếu có);

b) Việc kiểm tra hệ thống báo hiệu trên sông (nếu có), phao và xuồng cứu sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa và các quy định khác có liên quan;

c) Đối với phà và thiết bị lai dắt, kéo, đẩy phà (ca nô và các thiết bị, động cơ khác), việc kiểm tra kỹ thuật theo Quy trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì thiết bị và các quy định khác có liên quan.

5. Kiểm tra đối với hầm đường bộ thực hiện theo Quy trình quản lý, vận hành khai thác hầm và một số quy định sau:

a) Kiểm tra tình trạng giao thông của các phương tiện đi qua hầm; tình trạng hầm, nền mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, bảng hướng dẫn trong hầm và khu vực cửa hầm; khả năng thoát nước của hầm; hệ thống chiếu sáng (nếu có) và các hạng mục công trình khác;

b) Đối với các thiết bị phục vụ vận hành khai thác (hệ thống thông gió, hệ thống điều khiển giao thông và các thiết bị khác), việc kiểm tra thực hiện theo Quy trình quản lý, vận hành và bảo trì của các thiết bị.

6. Trách nhiệm thực hiện kiểm tra kỹ thuật:

a) Chủ quản lý sử dụng đường GTNT tự thực hiện kiểm tra kỹ thuật. Trường hợp không đủ năng lực và điều kiện, Chủ quản lý sử dụng đường GTNT giao Đơn vị quản lý đường GTNT hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực thực hiện.

b) Số lần kiểm tra kỹ thuật định kỳ và đột xuất do Chủ quản lý sử dụng công trình quyết định theo hiện trạng đường GTNT, nhưng không được ít hơn số lần theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Khi phát hiện các công trình trên đường GTNT hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phải phối hợp với Chủ quản lý sử dụng đường GTNT kiểm tra xác định khả năng khai thác. Trường hợp mất an toàn phải tạm dừng khai thác ngay để khắc phục và tổ chức phân luồng giao thông.

7. Kết thúc kiểm tra kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện phải lập báo cáo kiểm tra với các nội dung sau:

a) Tên đường, các công trình trên đường GTNT được kiểm tra;

b) Ngày tháng năm tiến hành kiểm tra;

c) Tên tổ chức, cá nhân, chuyên gia, tư vấn thực hiện kiểm tra;

d) Kết quả kiểm tra các công trình;

đ) Nhận xét, đánh giá về thực trạng khai thác của đường GTNT, các công trình trên đường tại thời điểm kiểm tra; so sánh với các lần kiểm tra trước;

e) Kiến nghị các công việc sửa chữa, khắc phục hoặc kiến nghị khác (nếu có).

Thông tư 32/2014/TT-BGTVT hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 32/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/08/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 793 đến số 794
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH