Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 20/2013/TT-BGTVT Quy định về quản lý và bảo trì công trình đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 2.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT

Điều 8. Lập và phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường sắt

1. Lập kế hoạch bảo trì

a) Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật, nhu cầu vận tải trên từng tuyến đường sắt đang khai thác, quy trình bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định hiện hành của Nhà nước, Đơn vị bảo trì công trình đường sắt lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường sắt và gửi 01 bộ báo cáo về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 15 tháng 6 hàng năm;

b) Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của các Đơn vị bảo trì công trình đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát và tổng hợp kế hoạch bảo trì công trình đường sắt (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này) trình Bộ Giao thông vận tải. Kế hoạch bảo trì công trình đường sắt được lập thành 02 bộ (gửi 01 bộ đến Bộ Giao thông vận tải, 01 bộ đến Cục Đường sắt Việt Nam). Đồng thời, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập dự toán thu, chi ngân sách nguồn vốn sự nghiệp kinh tế gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính;

c) Nội dung kế hoạch bảo trì công trình đường sắt hàng năm bao gồm: kế hoạch bảo dưỡng, kế hoạch sửa chữa theo từng tuyến (đoạn tuyến) và các công tác khác (nếu có). Kế hoạch bảo trì công trình đường sắt phải nêu được đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình chủ yếu; đơn vị, khối lượng, dự toán kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện và mức độ ưu tiên.

2. Phê duyệt kế hoạch bảo trì

a) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm thẩm tra và lập báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải;

b) Trên cơ sở kế hoạch bảo trì công trình đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình, báo cáo thẩm tra của Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường sắt; tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường sắt vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 7 hàng năm;

c) Sau khi có thông báo của Bộ Tài chính về dự toán thu, chi ngân sách hàng năm, Bộ Giao thông vận tải phân bổ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường sắt phù hợp với nguồn kinh phí được phân bổ; lập hồ sơ và gửi đến các đơn vị liên quan để thẩm tra, thẩm định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Cục Đường sắt Việt Nam tiến hành thẩm tra và lập báo cáo theo quy định, gửi Bộ Giao thông vận tải;

d) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường sắt hàng năm sau khi nhận đầy đủ hồ sơ kế hoạch bảo trì công trình đường sắt, tờ trình, báo cáo thẩm tra và ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan (nếu có).

3. Kế hoạch bảo trì công trình đường sắt được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ Giao thông vận tải quyết định việc điều chỉnh kế hoạch bảo trì.

4. Việc sửa chữa công trình, thiết bị đường sắt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tùy theo mức độ chi phí, thủ tục được thực hiện như sau:

a) Đối với việc sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí dưới 500 triệu đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự quyết định theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị đường sắt có chi phí từ 500 triệu đồng trở lên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

5. Việc lập và phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường sắt chuyên dùng và đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư được thực hiện theo quy định của chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền.

Điều 9. Thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt

1. Đối với đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, căn cứ kế hoạch bảo trì công trình đường sắt hàng năm được phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt quốc gia.

2. Đối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt do mình đầu tư.

Điều 10. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và đánh giá sự an toàn công trình đường sắt

1. Đơn vị bảo trì công trình đường sắt thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt theo quy trình bảo trì công trình được duyệt; tổ chức đánh giá sự an toàn công trình khi cần thiết.

2. Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 11 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Đánh giá sự an toàn công trình đường sắt thông qua kiểm định chất lượng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Đề cương kiểm định chất lượng công trình đường sắt bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Mục đích kiểm định, yêu cầu kiểm định, nội dung thực hiện kiểm định, quy trình và phương pháp kiểm định;

b) Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng trong việc thực hiện kiểm định;

c) Danh sách nhân sự và người được phân công chủ trì thực hiện kiểm định, các thông tin về năng lực của các cá nhân tham gia thực hiện;

d) Các thiết bị chính, phòng thí nghiệm được sử dụng để thực hiện kiểm định;

đ) Thứ tự các bước kiểm định;

e) Chi phí thực hiện, thời gian dự kiến hoàn thành công tác kiểm định;

g) Các điều kiện khác để thực hiện kiểm định.

5. Kết quả kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình phải được ghi chép, lập hồ sơ để quản lý, theo dõi; phải được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 11. Công trình, bộ phận công trình đường sắt bắt buộc phải quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng

1. Trong quá trình khai thác, sử dụng, các công trình đường sắt có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ và các công trình sau đây bắt buộc phải được quan trắc:

a) Cầu: cấp đặc biệt, cấp 1;

b) Hầm: cấp đặc biệt, cấp 1;

c) Nhà ga: cấp đặc biệt, cấp 1.

2. Các bộ phận công trình đường sắt cần được quan trắc là hệ kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình.

3. Nội dung quan trắc công trình đường sắt bao gồm: vị trí quan trắc, thông số quan trắc (biến dạng, nghiêng, lún, nứt, võng ...), thời gian quan trắc, số lượng chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác do Đơn vị thực hiện quan trắc lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Yêu cầu chung đối với công tác quan trắc công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng:

a) Phải quan trắc theo phương án do Đơn vị thực hiện quan trắc lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phương án quan trắc phải quy định về phương pháp đo, các thiết bị đo, sơ đồ bố trí và cấu tạo các dấu mốc; tổ chức thực hiện quan trắc; phương pháp xử lý số liệu đo và các nội dung cần thiết khác;

c) Đơn vị thực hiện quan trắc phải lập và báo cáo kết quả quan trắc, trong đó các số liệu quan trắc phải được đánh giá so sánh với giá trị giới hạn đã nêu trong quy trình bảo trì công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; đề xuất và khuyến cáo đối với chủ sở hữu công trình trong trường hợp số liệu quan trắc vượt quá giá trị giới hạn cho phép đã nêu trong quy trình bảo trì công trình hoặc có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời; tiến hành đánh giá an toàn công trình theo các quy định hiện hành;

d) Đơn vị thực hiện quan trắc phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, kinh nghiệm trong quan trắc công trình, có kinh nghiệm trong việc xử lý sự cố công trình theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt

1. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư) và các chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền (đối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư) chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng công trình đường sắt theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hồ sơ bảo trì công trình đường sắt được lập theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Thời hạn bảo hành đối với công tác sửa chữa công trình đường sắt theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 13. Xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng đối với công trình đường sắt hết tuổi thọ thiết kế

1. Công trình đường sắt hết tuổi thọ thiết kế là công trình đã có thời gian khai thác, sử dụng lớn hơn tuổi thọ thiết kế của công trình. Tuổi thọ thiết kế của công trình được xác định theo quy định của hồ sơ thiết kế.

Trường hợp hồ sơ thiết kế của công trình bị mất hoặc không quy định tuổi thọ, tuổi thọ của công trình được xác định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan hoặc theo kết quả kiểm định chất lượng công trình.

2. Trước khi công trình đường sắt hết hạn tuổi thọ thiết kế, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư) và các chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền (đối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư) phải thực hiện các công việc sau:

a) Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;

b) Sửa chữa công trình (nếu có hư hỏng) để đảm bảo công năng, an toàn sử dụng và quyết định việc tiếp tục sử dụng đối với công trình từ cấp II trở xuống nhưng không gây ra thảm họa khi có sự cố theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

c) Báo cáo Bộ Giao thông vận tải đối với công trình từ cấp I trở lên, công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Nội dung báo cáo bao gồm:

a) Kết quả đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;

b) Đề nghị việc xử lý công trình theo một trong các tình huống: tiếp tục sử dụng công trình hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, sửa chữa công trình nếu cần thiết; sử dụng hạn chế một phần công trình; hạn chế sử dụng công trình hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn công trình. Việc đề xuất xử lý công trình cần có thứ tự ưu tiên và phù hợp với nguồn vốn được bố trí.

4. Báo cáo gửi về Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam để được xem xét, xử lý đối với công trình đường sắt đến hạn tuổi thọ thiết kế.

5. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

a) Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra và lập báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với công trình đường sắt đến hạn tuổi thọ thiết kế, gửi Bộ Giao thông vận tải;

b) Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định biện pháp xử lý đối với công trình đường sắt đến hạn tuổi thọ thiết kế theo quy định.

Điều 14. Chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường sắt

1. Chế độ báo cáo:

a) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư gửi về Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam, định kỳ 06 tháng trước ngày 15 tháng 7, hàng năm trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo; đồng thời báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền quản lý, bảo trì công trình đường sắt chuyên dùng, đường sắt do chủ sở hữu khác đầu tư thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình gửi về Cục Đường sắt Việt Nam định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo;

c) Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt (bao gồm cả đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, đường sắt chuyên dùng và đường sắt do chủ sở hữu khác đầu tư) về Bộ Giao thông vận tải, định kỳ hàng năm trước ngày 25 tháng 01 của năm tiếp theo.

2. Nội dung báo cáo phải nêu đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình thực hiện; khối lượng và kinh phí thực hiện; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát sinh so với kế hoạch được duyệt; đánh giá kết quả thực hiện (theo kế hoạch được duyệt); đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện công tác bảo trì công trình đường sắt (theo Biểu mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này).

Điều 15. Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình đường sắt không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng

1. Công trình, bộ phận công trình đường sắt không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng là công trình, bộ phận công trình hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ biểu hiện qua các dấu hiệu như nứt, võng, lún, nghiêng vượt quá giá trị giới hạn cho phép đã nêu trong quy trình bảo trì công trình đường sắt hoặc trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.

2. Khi phát hiện công trình đường sắt không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đối với đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư) và các chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền (đối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt do các chủ sở hữu khác đầu tư) chịu trách nhiệm báo cáo ngay về Bộ Giao thông vận tải; đồng thời thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về biểu hiện xuống cấp về chất lượng công trình đường sắt, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, Bộ Giao thông vận tải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Trường hợp công trình đường sắt xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 16. Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác bảo trì công trình đường sắt

1. Đối với công tác bảo dưỡng công trình đường sắt:

a) Áp dụng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Đối với các hạng mục công trình chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, áp dụng các định mức tương ứng của các ngành khác hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất công trình đường sắt: áp dụng theo quy định đối với công trình xây dựng cơ bản và các quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư 20/2013/TT-BGTVT Quy định về quản lý và bảo trì công trình đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 20/2013/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/08/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 521 đến số 522
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH