Điều 3 Thông tư 175/2013/TT-BTC quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là nguy cơ không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
2. Danh mục rủi ro là danh sách các rủi ro cần kiểm soát, do cơ quan hải quan xây dựng trong từng lĩnh vực, thời kỳ cụ thể.
3. Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả quản lý hải quan, quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan hải quan phân bổ hợp lý nguồn lực, áp dụng hiệu quả các biện pháp quản lý hải quan, quản lý thuế.
4. Tiêu chí quản lý rủi ro là các tiêu chuẩn được ban hành làm cơ sở để đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong từng thời kỳ.
5. Tần suất rủi ro là số lần rủi ro xuất hiện trong một khoảng thời gian, trên một phạm vi lĩnh vực nhất định.
6. Hậu quả rủi ro là những thiệt hại hoặc tác động, ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp rủi ro xảy ra.
7. Xác định rủi ro là việc thu thập, phân tích thông tin để tìm ra nguy cơ không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
8. Phân tích rủi ro là việc sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin để dự đoán tần suất và hậu quả của rủi ro.
9. Đánh giá rủi ro là việc xem xét một cách có hệ thống các rủi ro đã được phân tích, đối chiếu với tiêu chí quản lý rủi ro và những rủi ro đã được xử lý trước đó để xác định tính cấp thiết của việc xử lý rủi ro.
10. Xác định trọng điểm là việc thu thập, phân tích thông tin, xác định các nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế để đề xuất áp dụng có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ khác trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
11. Đo lường tuân thủ là việc lựa chọn mẫu, tổng hợp, phân tích các chỉ số tuân thủ trên từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
12. Đánh giá tuân thủ là việc sử dụng kết quả đo lường tuân thủ, kết hợp với các thông tin khác liên quan để xác định mức độ tuân thủ trên từng lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
13. Cảnh báo rủi ro là việc thông báo và cung cấp thông tin về nguy cơ không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
14. Người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bao gồm chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải, người trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, người nộp thuế, người được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải, người nộp thuế ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế.
15. Thông tin hải quan là những thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động này.
16. Thông tin nghiệp vụ hải quan là thông tin hải quan đã được cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, có giá trị cho việc quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hải quan.
17. Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan là hệ thống thông tin, dữ liệu do cơ quan hải quan quản lý để thu thập, xử lý và cung cấp các sản phẩm thông tin nghiệp vụ cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan.
18. Hệ thống thông tin tích hợp tập trung là hệ thống mà thông tin, dữ liệu được quản lý tập trung; hệ thống được kết nối và tiếp nhận thông tin từ các hệ thống thông tin dữ liệu liên quan.
Thông tư 175/2013/TT-BTC quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
- Điều 5. Trình tự áp dụng quản lý rủi ro
- Điều 6. Nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
- Điều 7. Biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
- Điều 8. Thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
- Điều 9. Quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan
- Điều 10. Phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính
- Điều 11. Phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành
- Điều 12. Thu thập thông tin hải quan từ nước ngoài
- Điều 13. Thu thập thông tin của người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
- Điều 14. Quản lý thông tin hồ sơ người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
- Điều 15. Quản lý thông tin vi phạm pháp luật của người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
- Điều 16. Quản lý tuân thủ pháp luật đối với người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
- Điều 17. Đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
- Điều 18. Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
- Điều 19. Đánh giá điều kiện áp dụng chính sách ưu tiên, chế độ chính sách quản lý hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
- Điều 28. Xác định trọng điểm kiểm tra sau thông quan