Chương 2 Thông tư 17/2014/TT-BNNPTNT về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Điều 5. Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Hàng năm, Chi cục Thú y chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo các bước sau:
1. Đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản của địa phương trong năm.
2. Phân tích kết quả giám sát dịch bệnh thủy sản của năm trước và tổ chức điều tra bổ sung ở các cơ sở sản xuất thủy sản giống, cơ sở nuôi thủy sản (nếu cần) phục vụ cho việc lập kế hoạch cho năm tiếp theo.
3. Phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, cảnh bảo môi trường; các nguồn nước chính cung cấp cho vùng nuôi, thời điểm thường xuất hiện bệnh dịch hàng năm để xác định vị trí, thời gian thu mẫu thủy lý, thủy hóa và mẫu vi sinh vật, các vật chủ trung gian; các yếu tố nguy cơ liên quan đến quá trình phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản ở địa phương; các chỉ tiêu dịch tễ và chỉ tiêu liên quan cần xét nghiệm nhằm xác định mức độ nguy cơ phát sinh, dự báo khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản tại địa phương.
4. Xác định các nguồn lực cần thiết, bao gồm: nhân lực, vật lực, tài chính để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giám sát môi trường, dịch bệnh, cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch và khi công bố dịch.
5. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam về giám sát, điều tra dịch bệnh, điều kiện vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, nuôi trồng thủy sản để đề xuất các chỉ tiêu, tần suất, vị trí thu mẫu, số lượng mẫu thủy sản, môi trường.
6. Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh với các nội dung theo quy định tại
7. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
8. Tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản được phê duyệt.
9. Gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được phê duyệt đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phối hợp chỉ đạo và giám sát thực hiện.
10. Trong trường hợp có điều chỉnh Kế hoạch, Chi cục Thú y gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được điều chỉnh đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.
Điều 6. Nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
1. Quan trắc môi trường: các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa, tần suất, số lượng mẫu và vị trí lấy mẫu để phân tích.
2. Giám sát dịch bệnh gồm các nội dung: loài thủy sản được giám sát, địa điểm, thời gian, tần suất lấy mẫu, loại mẫu thủy sản, mẫu môi trường, số lượng mẫu, các thông tin liên quan và mầm bệnh cần xác định; khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường cần phải lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
3. Điều tra ổ dịch và các biện pháp chống dịch.
4. Dự trù về vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống, bao gồm hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi khi công bố dịch và cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch ở địa phương.
5. Dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu.
6. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, người phụ trách công tác thú y cấp xã về chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
7. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Điều 7. Giám sát dịch bệnh thủy sản
1. Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát dịch bệnh thủy sản trên phạm vi toàn quốc.
2. Chi cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện các Chương trình giám sát dịch bệnh thủy sản ở phạm vi địa phương như sau:
a) Chỉ đạo Trạm Thú y và người phụ trách công tác thú y cấp xã phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát, bao gồm cả việc lấy mẫu thủy sản xét nghiệm định kỳ và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường;
b) Đối với các chỉ tiêu môi trường được kiểm tra tại cơ sở nuôi, cán bộ thú y thực hiện ghi chép, lưu trữ kết quả và báo cáo cho Trạm Thú y;
c) Đối với các chỉ tiêu môi trường và bệnh chưa xác định được nguyên nhân, Trạm Thú y tiến hành lấy mẫu, bảo quản và gửi đến phòng thử nghiệm của Chi cục Thú y;
d) Đối với các chỉ tiêu chưa đủ năng lực xét nghiệm, Chi cục Thú y gửi mẫu đến phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y hoặc phòng thử nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định (sau đây gọi chung là phòng thử nghiệm được chỉ định);
đ) Ngay sau khi nhận được kết quả phân tích, xét nghiệm, Chi cục Thú y thông báo kết quả kèm theo hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng bệnh để chủ cơ sở nuôi thực hiện;
e) Báo cáo kết quả giám sát về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phân tích và định hướng trong công tác phòng dịch bệnh thủy sản theo quy định tại
Điều 8. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng bệnh thủy sản
Thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản phải đảm bảo những nội dung sau:
1. Đối tượng: tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quan trắc cảnh báo môi trường, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản, phòng chống dịch bệnh.
2. Nội dung: chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản.
3. Hình thức: bằng một hoặc nhiều hình thức khác nhau nhưng phải đảm bảo thường xuyên, nhanh chóng và hiệu quả.
4. Thời điểm: việc tuyên truyền phải được thực hiện trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xuất hiện.
5. Trách nhiệm:
a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng và hướng dẫn triển khai các chương trình, kế hoạch về thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên phạm vi toàn quốc;
b) Chi cục Thú y xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản ở phạm vi địa phương.
Điều 9. Trách nhiệm của chủ cơ sở
1. Chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản có trách nhiệm:
a) Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản của địa phương, các quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sản xuất giống thủy sản;
b) Nguồn nước phải được xử lý diệt tạp, mầm bệnh trước khi đưa vào sản xuất;
c) Hệ thống nuôi đảm bảo việc vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải;
d) Sử dụng giống thủy sản bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện giống thủy sản bố mẹ có dấu hiệu bất thường, nghi nhiễm bệnh phải nuôi cách ly, giám sát chặt chẽ và không cho sinh sản;
đ) Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất thuộc Danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường;
e) Quản lý môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình sản xuất;
g) Có quy trình kiểm soát an toàn sinh học để đảm bảo giống sạch bệnh;
h) Ghi chép quá trình sản xuất giống thủy sản theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản.
2. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm:
a) Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản và thực hiện đúng lịch thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản địa phương;
b) Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chuẩn bị cơ sở nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe thủy sản;
c) Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường;
d) Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản đảm bảo vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả;
đ) Quản lý môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình nuôi;
e) Ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản;
g) Phải có khu xử lý chất thải, nước thải. Khi thủy sản nuôi bị mắc bệnh phải xử lý nước, chất thải trong cơ sở nuôi đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh trước khi xả ra môi trường.
3. Đối với cơ sở nuôi lồng, bè, giá treo, bãi triều, chủ cơ sở thực hiện các quy định tại điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này và các quy định sau:
a) Bố trí lồng, bè, giá treo, bãi triều tại các khu vực được quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Mật độ lồng, bè, giá treo phải theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền;
c) Thường xuyên kiểm tra thủy sản nuôi về màu sắc, sinh vật bám, các dấu hiệu bệnh lý, bất thường. Khi phát hiện thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải cách ly, xử lý và thông báo cho các hộ nuôi xung quanh và người phụ trách công tác thú y cấp xã để kịp thời xử lý, thu hoạch khi cần thiết theo quy định tại
d) Định kỳ kiểm tra, vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ nuôi;
đ) Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.
4. Chủ cơ sở buôn bán, vận chuyển thủy sản có trách nhiệm:
a) Sử dụng phương tiện, dụng cụ chứa đựng, phương pháp lưu giữ, vận chuyển phù hợp;
b) Vận chuyển giống thủy sản phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản có thẩm quyền cấp;
c) Hệ thống lưu giữ, phương tiện vận chuyển thủy sản phải đảm bảo vệ sinh thú y, khử trùng trước và sau khi sử dụng; nước thải, chất thải phải được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải.
Thông tư 17/2014/TT-BNNPTNT về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống và báo cáo dịch bệnh thủy sản
- Điều 4. Chế độ báo cáo dịch bệnh
- Điều 5. Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
- Điều 6. Nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
- Điều 7. Giám sát dịch bệnh thủy sản
- Điều 8. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng bệnh thủy sản
- Điều 9. Trách nhiệm của chủ cơ sở
- Điều 10. Khai báo dịch bệnh
- Điều 11. Điều tra ổ dịch
- Điều 12. Lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm xác định mầm bệnh
- Điều 13. Điều kiện và thẩm quyền công bố dịch
- Điều 14. Tổ chức chống dịch
- Điều 15. Kiểm soát vận chuyển thủy sản trong vùng có dịch
- Điều 16. Xử lý ổ dịch và thủy sản mắc bệnh
- Điều 17. Thu hoạch thủy sản trong ổ dịch
- Điều 18. Điều trị thủy sản mắc bệnh
- Điều 19. Tiêu hủy thủy sản mắc bệnh
- Điều 20. Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch
- Điều 21. Biện pháp xử lý đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở vùng có dịch trong thời gian công bố ổ dịch
- Điều 22. Công bố hết dịch
- Điều 23. Trách nhiệm của Cục Thú y
- Điều 24. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản
- Điều 25. Ủy ban nhân dân các cấp
- Điều 26. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Điều 27. Trách nhiệm của Chi cục Thú y
- Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh
- Điều 29. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp tỉnh
- Điều 30. Trách nhiệm và quyền lợi của chủ cơ sở nuôi